- Có người nhận định, số phận người Chứt ở Rào Tre đang đứng bên bờ vực thẳm. Cũng không sai, nhưng có lẽ không đến mức bi đát như thế. Nếu lên với Rào Tre, nếu chứng kiến những câu chuyện mang đậm tính nhân văn ở nơi này mới thấy rằng, với người Chứt, không có con đường cùng và cũng không có con đường nào bằng phẳng cả.

Chuyện bộ đội biên phòng chở trai bản đi kiếm vợ

Luôn đau đáu, day dứt với thực trạng gian nan mà đồng bào Chứt ở bản Rào Tre (Hà Tĩnh) đang phải đối mặt, Thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng - BCH - BĐBP Hà Tĩnh tâm sự: Thực trạng hôn nhân cận huyết đẩy người Chứt vào tình thế hết sức cam go. Việc tìm cách giải quyết thực trạng này cũng khó khăn chẳng khác gì việc ngày xưa BĐBP tìm cách đưa đồng bào trong hang đá về lập bản lập làng.

“Nếu như năm 1958, trong lúc tuần tra biên giới, BĐBP Hà Tĩnh phát hiện và đến năm 1991 đưa khoảng hơn 20 người Chứt sống trong hang động ở dãy Trường Sơn thuộc biên giới Việt- Lào về xã Hương Liên xây nhà, lập nên bản Rào Tre thì nay, nhiệm vụ “giải cứu” người Chứt khỏi thực trạng hôn nhân cận huyết cũng vô cùng nan giải”, ông Hải tâm sự.

Có một thực tế không nhiều người biết, giữa người Chứt và lực lượng bộ đội biên phòng Hà Tĩnh dường như có một sợi dây tình cảm vừa ràng buộc, vừa trách nhiệm lại gắn bó vô cùng keo sơn. Người Chứt được giải cứu bởi Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, và cũng nhờ cuộc giải cứu ấy mà đơn vị này được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Quá khứ… Sau khi được bộ đội biên phòng phát hiện, một đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh do ông Đặng Duy Báu, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh lúc bấy giờ dẫn đầu lên biên giới Việt Lào khảo sát. Sau khi chứng kiến những khó khăn quá lớn trong công cuộc giải cứu người Chứt khỏi núi rừng, ông Bí thư tỉnh ủy đã ngửa mặt lên trời mà than: 

“Làm sao để cứu giúp được tộc người Chứt bây giờ?”. 

{keywords}

Thượng tá Võ Trọng Hải - người có công rất lớn trong cuộc hồi sinh người Chứt

Hàng tá cuộc họp sau đó cũng không một cơ quan nào có thể trả lời câu hỏi ấy. Cuối cùng Trung tướng Võ Trọng Việt – Tư lệnh BĐBP Việt Nam, khi ấy còn là Đại tá, Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh đã đứng lên nhận nhiệm vụ: “Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh sẽ hồi sinh dân Chứt, bằng mọi giá đưa tộc người này tiếp cận với xã hội văn minh…”.

Và hiện tại…Trong lúc các phương án giải cứu người Chứt đang gặp quá nhiều khó khăn, vẫn còn đang dang dở thì Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh vẫn đang âm thầm hành động. Những biện pháp vừa thiết thực, vừa mang tính nhân văn và hơn hết là tình cảm gắn bó với đồng bào Chứt đang phát huy hiệu quả. 

Thượng tá Võ Trọng Hải chia sẻ: “Chúng tôi đã tìm đủ mọi cách, từ vận động đến treo thưởng bằng tiền mặt, hỗ trợ xin cấp đất, làm nhà cho những cuộc hôn nhân của người Chứt với người ngoài bản. Lực lượng BĐBP cũng tiên phong khi có 3 đồng chí kết duyên với các cô gái Chứt, nhưng là ở bản Giàng. 

Với bản Rào Tre, sau khi nghiên cứu, chúng tôi thiết nghĩ, cách khả thi nhất là phải có một con đường tình yêu xuyên qua núi Ka Đay nối Rào Tre với các bản làng người Rục, người Chứt ở vùng Quảng Bình. Tiếp đó, chính quyền cần tổ chức giao lưu văn hóa đồng bào hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh vào dịp lễ tết, tạo cơ hội để trai gái các bản giao lưu, hội nhập, hy vọng tình yêu nảy nở, đồng thời thiết lập đường dây nóng giữa hai địa phương có đồng bào Chứt sinh sống để kịp thời tương trợ nhau. 

Trong lúc con đường chưa thực hiện được, anh em bộ đội biên phòng vẫn tổ chức chở các thanh niên trong bản đi đường vòng để giao lưu tiếp cận với đồng bào các dân tộc khác”.

Thực tế, những chính sách mà Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh triển khai đã rất hiệu quả. Đồng chí Thành và đồng chí Tuấn Anh đã nên duyên với hai cô gái Chứt ở bản Giàng. Họ sinh con, đẻ cái và rất hạnh phúc. Còn ở Rào Tre, hễ bất cứ khi nào có dịp, anh em bộ đội ở Trạm biên phòng cắm bản lại chở thanh niên trai tráng trong bản đi sang các bản làng biên giới của tỉnh Quảng Bình “tìm người yêu”. 

Đường rừng khó khăn thì đi đường phẳng. Từ Rào Tre đến vùng Ra Mai (Quảng Bình) xa gần cả trăm cây số, nhưng cứ cách tuần các chiến sĩ biên phòng lại thay nhau dẫn vài thanh niên trong bản sang bên ấy giao lưu. Nghe đâu bộ đội biên phòng cắm bản hai nơi này cũng đã kết nghĩa anh em để thanh niên hai bên tiện bề đi lại. Một năm dân tộc Chứt ở Rào Tre có hai cái tết truyền thống là tết Lấp lỗ và tết Ăn cơm mới. 

Những ngày ấy bộ đội biên phòng tiếp tục chở những thanh niên trai tráng đi các bản mời thanh niên ở đấy về giao lưu văn hóa, văn nghệ để làm quen, tìm hiểu, tỏ tình… Và, trong một đêm văn nghệ như thế, một anh lính biên phòng xuất ngũ và một cô gái bản Rào Tre đã vẽ nên câu chuyện tình chẳng khác gì đẹp hơn cổ tích.

Người ở lại với Rào Tre

Một ngày giữa tháng 4 vừa rồi, Rào Tre trời trong, mây trắng, đó là ngày lịch sử của người Chứt nơi này khi lần đầu tiên sau 25 năm hòa nhập thế giới văn minh, họ mới có dịp tổ chức đám cưới với một người ngoài bản. Một cuộc hôn nhân mở ra những hi vọng cứu rỗi đồng bào trước hiểm họa hôn nhân cận huyết.

Đã hơn một tháng trôi qua nhưng chiều nào cũng vậy, dân bản Rào Tre thường tập hợp ở nhà ông Hồ Pắc để bàn tán về chàng rể người Kinh tên là Lê Xuân Công lấy con gái Hồ Thanh Mai. Họ chỉ trỏ, bàn tán, nói cười xem chừng rất lạ.

{keywords}

Đám cưới lịch sử ở Rào Tre, chàng rể người Kinh tên là Lê Xuân Công còn cô dâu là Hồ Thanh Mai- dân tộc Chứt

Tôi tìm gặp vợ chồng Công. Mới chỉ 23 tuổi nhưng có lẽ nhờ những năm tháng trong quân ngũ nên Công ăn nói và có lối tư duy vô cùng chững chạc. Còn Mai, không hổ danh cô gái được học hành cao nhất bản, hiện đang làm Phó Bí thư Chi đoàn. 

19 tuổi, suy nghĩ của mai khác xa những thanh niên khác ở Rào Tre. Ở nơi mà trẻ em ít được đi học, lớn lên thì kết hôn với những người cùng huyết thống thì việc Mai học đến lớp 11 ở trường dân tộc nội trú và hàng ngày vẫn dạy cho đám trẻ con trong bản đã đáng nể lắm rồi.

Chuyện tình của họ không chỉ mang tính lịch sử của bản làng này mà còn chất chứa những ly kỳ chẳng khác nào cổ tích.

Năm 2011, trong một lần đi giao lưu văn nghệ ở xã Hương Liên, họ gặp nhau và lập tức cả hai đều có cảm tình với người kia. Khi ấy, Công vẫn đang còn là một chiến sĩ Biên phòng, còn Mai là cô nữ sinh cấp III trường dân tộc nội trú huyện Hương Khê. Lần gặp gỡ ấy, Công đã thầm thương trộm nhớ những vẫn chưa dám ngỏ lời. May mắn cho Công khi trong đơn vị cũng có một anh chàng người Chứt ở bản Rào Tre tên là Hồ Tình. 

Nhờ Tình làm cầu nối, tình cảm của họ cứ lớn dần theo năm tháng, nhưng thời gian Công ở trong quân ngũ họ không có nhiều cơ hội gặp gỡ nhau. Xuất ngũ trở về địa phương, Công lên bản Rào Tre tìm Mai với quyết tâm nói thật tình cảm của lòng mình. 

“Khi em nói lời yêu Mai không đồng ý vì mặc cảm là người dân tộc thiểu số. Phải mất một thời gian dài sau đó, có lẽ là thấu hiểu được tình cảm chân thành của em nên Mai đã nhận lời", Công kể.

Tình yêu của họ, ngay cả những chiến sĩ biên phòng cắm bản dù rất vui mừng nhưng cũng không dám nghĩ là Công và Mai có thể vượt qua nổi những định kiến, khó khăn, trắc trở khi tuổi đời còn quá trẻ hay không. Quả đúng như vậy thật. Để đến được với nhau, cả Công và Mai đều phải vượt qua những khó khăn mà lắm lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc.

Gia đình công chỉ có hai mẹ con, ở mãi tận xã Phúc Đồng. Ngày Công đưa Mai về ra mắt, anh em họ hàng trăm người như một ra sức phản đối. Bà mẹ già ban đầu cũng đồng ý, nhưng khi thấy anh em trong họ phản đối quá nhiều cũng từng khuyên con trai nghĩ lại. Gác lại tất cả, Công xin đi miền Nam làm ăn một thời gian. Họ vẫn giữ tình yêu với nhau qua những cuộc điện thoại và những lần Công về quê.

Sau quãng thời gian bôn ba, Công quyết định quay về quê hương với quyết tâm lấy Mai làm vợ. Gần 4 năm yêu nhau, vào ngày 7/4 vừa qua, cả hai đã chính thức nên duyên về sống chung một mái nhà.

Đám cưới của họ được tổ chức ở Trạm biên phòng Rào Tre. Trong không gian ấm cúng với sân khấu do bộ đội biên phòng Đồn biên phòng Bản Giàng dựng, cô dâu, chú rể đã có một ngày vui với trầu cau, bánh kẹo trong tiếng cười, lời ca hát của người dân trong bản.

Trong đám cưới lịch sử ấy, vị chủ hôn, Trung tá Nguyễn Văn Sâm, Đồn trưởng Đồn biên phòng Bản Giàng phấn khởi gọi cuộc hôn nhân của đôi bạn trẻ là dấu mốc lịch sử. Một niềm hi vọng giúp chính quyền bớt đi nhiều nỗi trăn trở về vấn đề hôn nhân cận huyết thống.

Hoàng Sang – Duy Tuấn