Theo đó, thực hiện Quyết định số 1999 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, Bộ Y tế đã có công văn về việc triển khai thực hiện chương trình này gửi uy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đến nay đã có 60/63 địa phương ban hành kế hoạch, chương trình thực hiện Quyết định số 1999. Sau hơn 2 năm triển khai,  các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện các giải pháp và mục tiêu còn thấp.

Để bảo đảm triển khai có hiệu quả Quyết định 1999, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt các mục tiêu, chi tiêu của Quyết định 1999 đã được phê duyệt. Trong đó, với 3 tỉnh, thành phố chưa ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 1999, UBND tỉnh/thành cần chỉ đạo sở y tế chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng và trình UBND tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1999.

W-sieuam.jpg
Siêu âm thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. 

Chỉ đạo đôn đốc triển khai kế hoạch thực hiện chương trình đảm bảo đạt các chỉ tiêu cụ thể. Trước mắt đến năm 2025, cần chú trọng đạt được các chỉ tiêu tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 50%.

Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc ít nhất 5 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 70%; Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có cơ sở cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70%; Tỷ lệ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên đủ năng lực cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70%.

Để bảo đảm các đối tượng thuộc diện ưu tiên quy định tại Quyết định 1999 được sử dụng miễn phí gói dịch vụ cơ bản, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố đảm bảo nguồn lực cả về cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn để sàng lọc trước sinh 4 bệnh, tật bẩm sinh (hội chứng Edward, hội chứng Down, hội chứng Patau, bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia) và sàng lọc sơ sinh 5 bệnh, tật bẩm sinh (bệnh suy giáp trạng bẩm sinh, bệnh thiếu men G6PD, bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh, khiếm thỉnh bẩm sinh và bệnh tim bẩm sinh) thuộc gói dịch vụ cơ bản.

Trong Hướng dẫn của Bộ Y tế thực hiện nội dung 2 thuộc Dự án 7 Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, một trong những nhiệm vụ, hoạt động chủ yếu là phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh với sự tham gia của toàn xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị triển khai đồng bộ các hoạt động của Chương trình Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1999 của Thủ tướng Chính phủ. 

Văn Tuyên và nhóm PV