Liên tiếp các ổ dịch lở mồm long móng, tả lợn châu Phi xuất hiện tại các tỉnh trên cả nước. Lạng Sơn cũng là tỉnh có nhiều ổ dịch mới.

Mặc dù cơ quan chuyên môn đã nỗ lực dập dịch, khống chế và kiểm soát các nguy cơ lây nhiễm nhưng các hộ chăn nuôi ở huyện Lộc Bình vẫn còn e ngại, chưa dám mạnh dạn tái đàn.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Ông Vi Văn Đạt xã Tú Đoạn chia sẻ, thời điểm này giá thức ăn chăn nuôi tăng vùn vụt nên ông chưa muốn mua lợn giống. Ông lo ngại đầu tư số tiền lớn, nhỡ may bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi bùng phát, thiệt hại kinh tế càng lớn.

Theo ngành chăn nuôi huyện Lộc Bình, chăn nuôi trên địa bàn huyện chủ yếu là quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, khó kiểm soát; hầu hết chưa đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn của người dân, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của huyện và các xã đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện  thực hiện phun tiêu độc khử trùng chuồng trại cho 9.952 hộ tại 215 thôn của 21/21 xã, thị trấn…

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian tới, để các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện tái đàn hiệu quả, phòng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; lựa chọn con giống ở những cơ sở uy tín, đảm bảo an toàn dịch bệnh và có nguồn gốc rõ ràng; thực hiện tốt việc tiêm phòng các loại bệnh…

Để người chăn nuôi yên tâm tái đàn rất cần các cơ quan chức năng kết nối với các doanh nghiệp giúp người dân tìm được nơi cung ứng lợn giống an toàn dịch bệnh; tạo điều kiện để người dân vay vốn đầu tư chăn nuôi.

Với chính sách khuyến khích như vậy, hi vọng tổng đàn lợn trên địa bàn huyện phát triển ổn định, giúp người dân có thu nhập ổn định từ chăn nuôi.

Bên cạnh khuyến khích phát triển đàn lợn, huyện Lộc Bình cũng quan tâm đến việc phát triển mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Chính vì vậy, cán bộ thú y của huyện thường tuyên truyền, tập huấn cho bà con các biện pháp chăn nuôi hướng đến an tòa sinh học như: Sử dụng các chế phẩm sinh học trong nước uống, độn chuồng và định kỳ phun sương trong chuồng nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng cường phòng, chống dịch.

Vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào chuồng nuôi và hạn chế tối đa người ngoài ra, vào khu vực chuồng nuôi.

Trước và sau khi vào, ra khu chăn nuôi phải thay bảo hộ lao động, sát trùng tay, nhúng ủng hoặc giầy, dép vào hố khử trùng.

Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tháng. Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày.

Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn vào nuôi. Trường hợp chuồng bị dịch, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày, thực hiện vệ sinh tiêu độc đúng quy định và báo cáo chính quyền.

Minh Phúc