Trong đó một số lĩnh vực đang được người dân hết sức quan tâm trong bối cảnh mọi mặt đời sống, xã hội, kinh tế… của Việt Nam đều phải chịu tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19.
420 nghìn lao động được giải quyết việc làm
Về triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác, đối với chỉ tiêu giải quyết việc làm, theo tổng hợp báo cáo các địa phương, ước 5 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 420.000 lao động, đạt 30% kế hoạch đặt ra.
Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về lĩnh vực việc làm, Cục Việc làm đã:
- Thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm: Trình Bộ LĐ-TBXH phê duyệt kế hoạch thực hiện các hoạt động quản lý, tổng hợp, giám sát đánh giá Quỹ quốc gia về việc làm năm 2020.
- Thực hiện dự án phát triển thị trường lao động và việc làm, trong đó: Tổng hợp báo cáo tổng kết đánh giá thực hiện Dự án phát triển thị trường lao động và việc làm thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 của các địa phương; Triển khai các nội dung trong Quyết định số 580/QĐ-LĐTBXH ngày 26/5/2020 của Bộ LĐ-TBXH về việc phê duyệt kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020, Dự án "Phát triển thị trường lao động và việc làm" năm 2020 của Cục Việc làm.
- Về chính sách đối với lao động đặc thù, đã xây dựng, chuẩn bị báo cáo về việc làm cho đối tượng đặc thù: thanh niên, lao động nông thôn, lao động nữ lớn tuổi, lao động vùng biên, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động là người khuyết tật, lao động bị thu hồi đất, lao động chấp hành xong án phạt tù;
- Tham gia các chương trình, đề án, chính sách liên quan đến hỗ trợ tạo việc làm.
V.v…
Việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, thị trường lao động... đều là những lĩnh vực rất được quan tâm. |
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống dữ liệu thị trường lao động
Về lĩnh vực thị trường lao động, Cục Việc làm đã:
- Hoàn thiện kế hoạch và dự toán chi tiết các hoạt động của Dự án Phát triển thị trường lao động và việc làm gồm các hoạt động: Điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2020; Ghi chép, cập nhật cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động; Hỗ trợ giao dịch việc làm; Phát triển mạng thông tin việc làm; Phân tích, dự báo thị trường lao động.
- Xây dựng đề xuất cho các hoạt động cập nhật cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động; điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp; phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ giao dịch việc làm cho giai đoạn 2021-2025.
- Hướng dẫn thực hiện về việc cấp giấy phép dịch vụ việc làm của doanh nghiệp. Xây dựng các báo cáo về Thông tin thị trường lao động khác. Nghiên cứu xây dựng chỉ số việc làm và thu nhập. Giám sát, đánh giá hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm.
Bảo hiểm thất nghiệp phát huy vai trò, tính ưu việt
Về lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện theo dõi, tổng hợp báo cáo của các địa phương về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, trong tháng 05 năm 2020 (từ ngày 01/5/2020 đến ngày 18/5/2020): Số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) là 88.170 người, tăng 201% so với tháng 4/2020 (29.272 người); Số quyết định hưởng TCTN: 45.994 người, tăng 60,3% so với tháng 4/2020 (49.432 người); Tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm: 105.093 tỷ lệ này giảm 41,7% so với tháng 4/2020 (160,9%); Số người được hỗ trợ học nghề là 941 người, tăng 321,0% so với tháng 4/2020 (223 người).
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra, nhiều người lao động mất việc làm, rơi vào tình trạng thất nghiệp, ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống thì bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự phát huy vai trò, tính ưu việt của mình: Chỉ riêng tháng 3/2020 (tháng cao điểm do ảnh hưởng của đại dịch), cả nước đã có 59.276 người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019, đưa tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp quý I/2020 lên 132.320 người (tăng 10% so với quý I năm 2019).
Tổng chi 3 tháng đầu năm từ Quỹ BHTN cho các chế độ BHTN là 2.744 tỷ đồng, trong đó riêng chi cho trợ cấp thất nghiệp là 2.590 tỷ đồng, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 3,7 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian vừa qua, Cục Việc làm đã chỉ đạo các Trung tâm Dịch vụ việc làm địa phương tích cực hỗ trợ người lao động, thực hiện đầy đủ các quyền lợi về BHTN cho người lao động. Có thể thấy, vai trò quan trọng của quỹ bảo hiểm thất nghiệp càng được khẳng định, Cục Việc làm tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hạn chế tình trạng gian lận, trục lợi quỹ BHTN và đề xuất giải pháp thu hồi tiền trục lợi từ Quỹ BHTN,...
Xây dựng, hoàn thiện nhiều văn bản thiết thân với người lao động
Nhiều văn bản liên quan đến quyền lợi thiết thân của người lao động, doanh nghiệp sẽ được Cục Việc làm – Bộ LĐ-TBXH thực hiện, hoàn thiện trong thời gian tới đây:
- Xây dựng hồ sơ đề xuất, sửa đổi Luật việc làm;
- Các dự thảo Nghị định, Quyết định: Dự thảo Nghị định quy định chi tiết điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm; Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Điều 39 Luật việc làm về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm; Dự thảo Nghị định quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Dự thảo Nghị định quy định về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
- Các dự thảo thông tư: Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp về bảo hiểm thất nghiệp; Dự thảo nội dung Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ngày 31/7/2015 Hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật việc làm và một số điều Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Xây dựng các Đề án như: “Dự báo cung – cầu lao động”; “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030”; đề xuất nội dung tại các Chương trình như: Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; “Tiểu dự án 3: Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên vùng DTTS và miền núi”; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội”.
Bảo Quyên