Đây là những nội dung được chia sẻ trong buổi tọa đàm về công nghệ Blockchain do Ban Chấp hành Đoàn Bộ TT&TT tổ chức.
Buổi tọa đàm tổ chức theo Kế hoạch hoạt động năm 2018 của Đoàn Bộ với mục tiêu bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho cán bộ, đoàn viên thanh niên về công nghệ Blockchain để từ đó hỗ trợ cho công việc chuyên môn.
Tại buổi tọa đàm, đại diện BCH Đoàn Bộ TT&TT cho biết, hiện công nghệ Blockchain đang được ứng dụng nhiều trong nhiều lĩnh vực khác nhau và mang lại những tác động to lớn. Đoàn viên thanh niên là những người cần tiên phong trong công nghệ, bồi dưỡng cập nhật thông tin để từ đó ứng dụng trong thực tế, nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia công tác tham mưu cho đơn vị. Do đó, buổi tọa đàm được tổ chức với mục tiêu cập nhật thông tin về tình hình phát triển, ứng dụng của công nghệ blockchain tới cán bộ, đoàn viên thanh niên của Bộ.
Tại buổi tọa đàm, ông Lê Xuân Khánh, chuyên gia tư vấn công nghệ Blockchain tại Việt Nam cho biết: Điều mọi người quan tâm của Blockchain là Bitcoin bởi Bockchain là nền tảng tạo nên đồng tiền Bitcoin. Tuy nhiên, Blockchain lại không chỉ có vậy.
Bất cứ lĩnh vực nào liên quan đến dữ liệu thì Blockchain đều có thể ứng dụng. Hiện, Blockchain đang được ứng dụng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau như: kế toán, Marketing, xác minh danh tính hay ứng dụng trong lĩnh vực bất động sản…Trong đó, một khía cạnh quan trọng đó là vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin bởi với Blockchain thì tất cả các dữ liệu đều nhìn thấy được và ngăn chặn gian lận.
Như vậy, Bitcoin chỉ là một sản phẩm trong hàng nghìn sản phẩm mà Blockchain có thể mang lại. Thêm đó, ông Lê Xuân Khánh cũng cho biết: Nhiều chuyên gia cho rằng không nên tập trung nhiều vào Bitcoin bởi đồng tiền đầu tiên này có nhiều hạn chế hơn rất nhiều so với các đồng tiền ảo hiện tại.
Về góc độ quản lý, hiện trên thế giới cũng có những quan điểm khác nhau về quản lý đồng tiền ảo. Cụ thể, Nhật Bản đã hoàn thiện hành lang pháp lý tiền ảo; Singapore coi tiền ảo là phương tiện giao dịch nhưng lại không coi đây là tiền. Trong khi đó, Trung Quốc lại không khuyến khích tiền ảo.
Tại Việt Nam, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành văn bản phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo. Một trong những mục tiêu hướng tới là không ảnh hưởng đến sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; đảm bảo chính sách, quy định linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của CNTT và thương mại điện tử.