Tỉnh Bình Định  có 39 dân tộc thiểu số, với 11.343 hộ, 41.445 người, sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện, chiếm khoảng 2,52% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Bana, H’rê; tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số là 60,8% (tính đến cuối năm 2021).

Xác định là khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, bởi vậy, tỉnh luôn xác định việc chăm lo, đảm bảo an sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” đã mở rộng hơn quyền được hưởng và mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội, phúc lợi xã hội và an sinh xã hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã cơ bản hoàn thành và vượt so với kế hoạch; đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được cải thiện.

Lễ hội của người Bana (ảnh minh họa)

Thực hiện các chính sách xã hội, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội như đường giao thông, thủy lợi, điện, nước và các công trình phúc lợi xã hội: trường học, trạm y tế, bưu điện, nhà văn hóa, nhà rông ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí chuẩn nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu thiết yếu phục vụ người dân về sinh hoạt và sản xuất.

Đến nay, trên địa bàn các huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đầu tư xây dựng 94 công trình nước sinh hoạt tập trung, 100% dân cư nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi sử dụng nước hợp vệ sinh. Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 993.056 lượt người thuộc hộ nghèo, người dân sinh sống tại xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và tăng cường, có khoảng 98% trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ; 100% trạm y tế đảm bảo đủ thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh thông thường.

Chương trình kiên cố hóa trường lớp học tiếp tục được đẩy mạnh; các chế độ chính sách đối với con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện kịp thời theo đúng quy định, đã giúp trẻ em, học sinh, sinh viên con hộ nghèo, dân tộc thiểu số có cơ hội được tiếp tục học tập, giảm tình trạng bỏ học  ở các cấp. Các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thực hiện hỗ trợ 3.133 nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ 3.540 hộ đồng bào vùng dân tộc thiểu số vay vốn tín dụng ưu đãi và nhiều hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo; thu nhập bình quân của  người dân đạt 30,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm bình quân 1,83%/năm, đạt chỉ tiêu đề ra.

Thực hiện tốt chính sách về người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; cung cấp thông tin, biểu dương, động viên tinh thần và kịp thời hỗ trợ vật chất cho 85 người có uy tín khi đau ốm, gia đình gặp khó khăn do thiên tai, mất mùa, qua đó, đã động viên người có uy tín nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham gia vận động cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống tham gia tích cực giữ gìn an ninh, trật tự, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực tuyến núi, vùng giáp ranh của tỉnh.

Thực hiện chính sách đặc thù của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh có 03 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão được thụ hưởng.

Theo đó, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trên 25.000 lượt hộ với 6.207 giống trâu, bò, lợn, dê; gà thả vườn; giống cây ăn trái các loại; giống lúa lai, giống lạc, ngô lai; 1.967 hộ nghèo được hỗ trợ làm chuồng trại; nhân rộng 121 mô hình khuyến nông, lâm, ngư; thực hiện chính sách khoán chăm sóc, bảo vệ rừng với diện tích giao khoán trên 60.584ha cho 5.283 hộ dân và 29 tập thể; hỗ trợ lương thực cho 422 hộ nghèo (1.497 khẩu); hỗ trợ khai hoang tạo ruộng lúa nước cho người dân làng Đak Chum, xã Vĩnh Sơn và 85 hộ ở huyện An Lão; hỗ trợ dạy nghề dệt thổ cẩm cho 150 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh; thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh; đã xây dựng đưa vào sử dụng 402 công trình; đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đã có 1.438 người vùng dân tộc thiểu số tham gia xuất khẩu lao động tại các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaisia, Đài Loan…

Thông qua Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa đã hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn 1.203,544 tấn cây lương thực; 36.549 cây ăn quả; 949.368 cây lâm nghiệp; 337.937 cây công nghiệp; 5.600 cây tiêu; xây dựng 20 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; 69 lớp khuyến nông, lâm, ngư cho trên 1.681 đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ 890 máy móc, công cụ phục vụ  sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; xây dựng dự án khôi phục diện tích 30 ha trồng dâu nuôi tằm, cho 90 hộ nghèo, hộ cận nghèo; triển khai 08 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo nuôi bò thịt vỗ béo cho 188 hộ; 03 dự án nuôi gà an toàn sinh học cho 135 hộ thụ hưởng…; có 160.921 lao động người dân tộc thiểu số được đào tạo, tập huấn nghề và số lao động qua đào tạo nghề có việc làm trên 75%;  hỗ trợ 1.782 hộ nghèo người đồng bào dân tộc, miền núi cải thiện nhà ở; thực hiện  dự án định canh, định cư tập trung cho làng Kôm Xôm, xã Canh Liên, huyện Vân Canh; làng Đăkxung, làng K2 (Suối Đá), xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Đầu tư xây dựng 458 công trình đường giao thông nông thôn; 155 công trình kênh mương, thủy lợi; 26 công trình về giáo dục; 12 công trình y tế; 17 công trình điện; 09 công trình nước sinh hoạt; 106 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 16 công trình khác phù hợp phong tục tập quán, văn hóa cộng đồng). Các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện nghèo đã tác động trực tiếp đến đời sống của hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện chính sách xã hội đã đáp ứng các nhu cầu xã hội cơ bản cho đồng bào dân tộc thiểu số về việc làm, phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch y tế, giáo dục, thông tin; giúp đồng bào dân tộc thiểu số ý thức nỗ lực phấn đấu trong lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo, tính ỷ lại, trông chờ vào nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng, từng bước được khắc phục; làm thay đổi cơ bản diện mạo các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng đồng bằng của tỉnh.

Huy Linh, Ánh Tuyết, Ngọc Dũng