Cây mắc ca phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tỉnh Kon Tum; diện tích trồng tại các huyện Đăk Glei, Kon Plông, Đăk Tô, Ngọc Hồi và Kon Rẫy được đầu tư chăm sóc tốt, cây sinh trưởng, phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, ước năng suất từ 20 - 30 kg quả khô/cây.

W-caymacca.png

Cùng với cà phê, cao su, dược liệu, cây mắc ca đã và đang được người dân trên địa bàn huyện Đăk Tô xác định là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại xã Kon Đào, từ chục năm trở lại đây, một số hộ dân tiên phong trồng cây mắc ca và đã mang lại nguồn thu. Nhận thấy hiệu quả từ cây mắc ca vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, không đòi hỏi cao về kỹ thuật, vừa được hỗ trợ nguồn giống, bao tiêu sản phẩm nếu liên kết nên người dân phát triển mạnh trong những năm gần đây.

Năm 2023, xã Kon Đào phấn đấu trồng mới 70ha và để đạt mục tiêu đề ra, Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp xây dựng cánh đồng lớn gắn với xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ cách làm, chuyển đổi diện tích mì, bời lời kém hiệu quả, sang trồng cây ăn quả, cây mắc ca và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, xã tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng các mô hình nâng cao sản lượng trên một đơn vị diện tích để người dân học tập, làm theo. 

Tới nay, diện tích trồng cây mắc ca đã lan rộng toàn huyện Đăk Tô. Tổng diện tích cây mắc ca trên địa bàn huyện Đăk Tô đã vào khoảng 591ha, đã vượt mục tiêu đề ra (đạt 118,2% mục tiêu). Trong đó có khoảng 232 ha diện tích cây mắc ca liên kết chuỗi giá trị, tập trung vào các dòng mắc ca là QN1, 800, A 38, 816; 842, 246, đã vượt mục tiêu đề ra (đạt 118,2% mục tiêu).  

Trong năm 2022, diện tích trồng mới mắc ca trên địa bàn huyện khoảng 350 ha, đạt 103,1% kế hoạch đề ra, diện tích chủ yếu trồng xen ghép trong vườn cà phê vối và trồng trong vườn nhà.

Huyện Đăk Tô, xác định phát triển cây mắc ca là một trong những cây trồng sản xuất hàng hóa đi vào chiều sâu, gắn thị trường tiêu thụ. Đề án tổng thể phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Uỷ ban nhân dân huyện Đăk Tô đề ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển 500ha cây mắc ca.

Để phát triển được diện tích cây mắc ca đảm bảo theo kế hoạch, huyện Đăk Tô đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển, ưu tiên lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và bố trí ngân sách huyện hỗ trợ phát triển cây mắc ca trên địa bàn. Đặc biệt, để hỗ trợ cho người dân trồng mắc ca, huyện đã xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm mắc ca đã mở ra hướng đi mới trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.

Cây mắc ca hiện đang được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện xác định là cây kinh tế chủ lực ở Đăk Tô.

Mỹ Hoà và nhóm PV, BTV