Trước tình hình dịch bệnh gia súc ngày một phức tạp, khó lường, nhiều chủng virus mới phát sinh, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của các địa phương trên cả nước thì chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường sống. Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đã chứng minh được khả năng ngăn chặn dịch bệnh gia súc.
Đắk Nông thu hút đầu tư chăn nuôi quy mô lớn hướng an toàn sinh học. |
Các trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng mô hình hầu như không xảy ra dịch bệnh do con giống chỉ nhập ở vùng không có dịch, được kiểm nghiệm chất lượng, về trại có vùng nuôi nhốt riêng. Việc tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, dung dịch sát trùng được thực hiện hàng ngày, đúng kỹ thuật. Đồng thời, các trang trại đảm bảo quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đối với khu chuồng trại.
Những trường hợp muốn vào chuồng trại phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ theo dõi, giám sát cả việc đi lại, ăn uống. Trước khi vào khu vực nuôi lợn, mọi người đều phải ở phòng cách ly diệt khuẩn để hạn chế thấp nhất việc mang mầm bệnh từ ngoài vào trong khu vực nuôi.
Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã khuyến khích thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi lợn quy mô lớn, trang trại, tập trung theo hướng sinh học và hữu cơ.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, hiện nay việc chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học mới chỉ được các trang trại, gia trại lớn áp dụng, còn hộ gia đình chưa mấy quan tâm đến vấn đề an toàn sinh học cho vật nuôi. Tuy nhiên, các huyện như Đắk Glong, Đắk R’lấp, Cư Jút… có tốc độ phát triển trang trại khá nhanh. Phương thức chăn nuôi dần chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, tập trung.
Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, Đắk Nông xác định, chăn nuôi giữ vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp và là nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân.
Xã Ea Pô (Cư Jút) là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh về phát triển các trang trại chăn nuôi lợn. Chỉ tính tại thôn Nam Tiến đã có 23 trang trại chăn nuôi lợn đang hoạt động; 2 trang trại có dự án đang triển khai. Tổng đàn lợn của xã mỗi năm đạt hàng chục ngàn con.
Theo UBND huyện Cư Jút, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã đến đầu tư các dự án chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn. Tại các xã như Ea Pô, Cư K’nia, Nam Dong... đã hình thành các trang trại chăn nuôi lợn tập trung, với công suất lớn. Các mô hình liên kết chăn nuôi đều tạo ra sản phẩm ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác xã, các chuỗi liên kết trong chăn nuôi để bảo đảm đầu ra ổn định. Phấn đấu đến năm 2030, đàn lợn của tỉnh đạt con số 1 triệu con.
Một số lợi thế để thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh Đắk Nông là diện tích đất nông nghiệp lớn nhưng mật độ chăn nuôi còn thấp. Giá đất nông nghiệp thấp hơn so với các khu vực lân cận. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nhà máy chế biến thức ăn gia súc. Việc tiếp cận nguồn giống lợn chất lượng cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có nhiều trang trại chăn nuôi heo giống. Ngoài ra, trên địa bàn chưa có doanh nghiệp thu gom, xử lý chất thải cho người chăn nuôi.
Để giải quyết vấn đề này, tỉnh định hướng kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng các dự án khác như: Nhà máy chế biến thức ăn gia súc, trang trại chăn nuôi lợn giống; nhà máy chế biến phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi… bởi Đắk Nông hiện có nhiều vị trí thuận lợi để có thể xây dựng các nhà máy nêu trên. Nếu các dự án này được xây dựng, ngành chăn nuôi nói chung, nuôi lợn nói riêng sẽ tận dụng thêm các lợi thế sẵn có.
Hữu Duyên