Phấn đầu xây dựng TP.Buôn Ma Thuột thành đô thị thông minh

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương cho xây dựng Đề án thành lập Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk; giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng hoàn chỉnh đề án, tham mưu, thực hiện các thủ tục, nội dung liên quan về thành lập, đầu tư xây dựng và đưa Trung tâm vào hoạt động theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Về Đề án xây dựng TP.Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh, giai đoạn 2020-2025 định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND TP.Buôn Ma Thuột tiếp thu ý kiến đóng góp, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 82 (Kết luận số 927-KL/TU ngày 19/5/2020), hoàn chỉnh đề án và thực hiện các thủ tục, nội dung theo quy trình quy định để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh.

UBND tỉnh giao các Sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tư pháp; Công an tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong quá trình thực hiện; đồng thời, chủ động tham mưu các nội dung thuộc thẩm quyền về tổ chức, nhân sự, kinh phí hoạt động, vốn đầu tư, nội dung đề án…

Xây dựng đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 67 về xây dựng và phát triển TP.Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Theo đó, xây dựng và phát triển TP.Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia; tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên...

Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là của đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...

{keywords}
 

Để thực hiện các nội dung trên, Kết luận 67 nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển TP.Buôn Ma Thuột đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch của tỉnh Đắk Lắk, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ, giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai.

Kết luận đặt mục tiêu phát triển Buôn Ma Thuột thành trung tâm công nghiệp chế biến các loại nông sản thế mạnh và đặc hữu của Đắk Lắk và của Tây Nguyên; phát triển bền vững ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch...

Trước đó, Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị đặt ra nhiệm vụ xây dựng và phát triển TP.Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắk Lắk; tập trung đầu tư phát triển lên quy mô cấp vùng trên một số lĩnh vực công nghiệp, khoa học kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, y tế, thể dục, thể thao; phấn đấu trước năm 2020 trở thành đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên...

Sau hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 60 của Bộ Chính trị, TP.Buôn Ma Thuột đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 13,37%, giai đoạn 2016-2018 đạt 13,98%.

Trong đó, công nghiệp-xây dựng tăng 14,53%, dịch vụ tăng 14,76%, nông-lâm nghiệp tăng 1,63%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, đến cuối năm 2018 tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 42,92%; dịch vụ chiếm 52,95%, nông, lâm và thủy sản chiếm 4,13%.

Năm 2019 thu nhập bình quân đầu người đạt 78 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 0,43%.

Nhiều dự án, công trình đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả tốt như đường vành đai phía tây thành phố Buôn Ma Thuột, đường Đông Tây, nâng cấp cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Bệnh biện đa khoa vùng Tây Nguyên…

Thành phố đã hình thành cụm công nghiệp Tân An với 84 dự án đăng ký đầu tư, đến nay có 63 dự án đi vào hoạt động. Các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, du lịch, giáo dục, y tế… đều có bước phát triển mới.

Riêng lĩnh vực văn hóa, thành phố đã có Nghị quyết về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các chương trình lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì, phục dựng nhằm phát huy bản sắc văn hóa và xây dựng thành phố trở thành đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường, để thúc đẩy Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk tập trung phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về đất đai, cây công nghiệp, du lịch, năng lượng điện gió, điện năng lượng mặt trời mà Buôn Ma Thuột sẵn có.

Tỉnh tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối với vùng duyên hải, đặc biệt là cảng biển của Nha Trang (Khánh Hòa); khai thông những khó khăn về thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng đô thị thông minh; tập trung xây dựng nguồn nhân lực cho Buôn Ma Thuột để đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố trong tương lai.

Bên cạnh đó, tỉnh nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách, đặc thù để thúc đẩy sự phát triển TP.Buôn Ma Thuột; khơi dậy được khát vọng vươn lên làm giàu của người dân, tạo điều kiện, cơ hội để doanh nghiệp phát triển.

Ngọc Minh