Đắk Lắk là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã có những chủ trương đúng đắn về phát triển kinh tế-xã hội đối với vùng dân tộc và miền núi, được đồng bào các dân tộc thiểu số hưởng ứng, nỗ lực phấn đấu thực hiện và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, bộ mặt vùng dân tộc và miền núi có nhiều khởi sắc, các dân tộc đã có sự tiến bộ rõ rệt trên tất cả các mặt.
Đắk Lắk quyết tâm thực hiện có hiệu quả sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phát chiến lược. Ảnh minh họa Bích Hạnh |
Hiện nay, Đắk Lắk đã trở thành một tỉnh khá của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, trong đó giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 8,75%/năm.
Mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk "giàu đẹp, văn minh, bản sắc"
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra mục tiêu "Xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc.". Trong cuộc trò chuyện với TTXVN mới đây, ông Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, việc Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk "giàu đẹp, văn minh, bản sắc" cũng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và hướng tới từng bước thực hiện mục tiêu lớn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Lắk có nhiều thời cơ, điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển.
Tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh và còn nhiều dư địa để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông sản phục vụ xuất khẩu; thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo sẽ tạo điều kiện cho tỉnh phát triển nhanh trong thời gian tới.
Mặc khác, tỉnh còn có hệ sinh thái cảnh quan phong phú, với nhiều phong cảnh thiên nhiên, nhiều địa danh nổi tiếng trong cả nước, có nền văn hóa đa dạng do có nhiều dân tộc cùng sinh sống, do đó có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch theo hướng bền vững và hiệu quả, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cùng những chính sách mạnh mẽ trong hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo thuận lợi cho tỉnh huy động tốt hơn các nguồn lực phát triển, đặc biệt là các nguồn lực từ thành phần kinh tế tư nhân, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh...
Thời cơ, thuận lợi là cơ bản, song khó khăn, thách thức còn nhiều, Đắk Lắk cần tập trung giải quyết để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có cả về yếu tố tự nhiên và yếu tố con người, rõ ràng Đắk Lắk còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Để xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, tỉnh cần tiếp tục bám sát, khai thác tốt, có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh, chủ động huy động, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng phát triển ngành dịch vụ, công nghiệp, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phát chiến lược
Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã và đang quyết tâm thực hiện có hiệu quả sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phát chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Cụ thể, sáu nhiệm vụ trọng tâm là: Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững; chú trọng phát triển du lịch và dịch vụ; tập trung phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như: cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, chế biến trong nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp phần mềm...; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo đảm an sinh xã hội; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ba khâu đột phá chiến lược là: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ, quan tâm tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; quan tâm đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không.
Đắk Lắk đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm để thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt là Trung tâm Thể thao khu vực Tây Nguyên, Đường vành đai phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, Đường cao tốc Buôn Ma Thuột-Nha Trang, Đường sắt Tuy Hòa-Buôn Ma Thuột, phát triển mạnh thương mại, logistics, du lịch, công nghiệp, đáp ứng nhu cầu kết nối giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ; xây dựng cảng cạn phục vụ vận tải đa phương thức; phát triển Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng Hàng không quốc tế, xây dựng Cửa khẩu Đắk Ruê...
Thanh Hùng