UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định 2615/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu của đề án nhằm hướng đến việc xây dựng các di tích trở thành các điểm du lịch văn hóa, các “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ; góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; đồng thời xây dựng tỉnh Đắk Lắk trở thành “Điểm đến an toàn, thân thiện, đậm đà bản sắc Tây Nguyên”.
Đề án quan tâm đầu tư các di tích có tiềm năng, nhất là các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với du lịch, tạo thành sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng hấp dẫn, thu hút khách tham quan, du lịch; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột |
Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục rà soát, kiểm kê các loại hình di tích trên địa bàn tỉnh, những di tích không đủ điều kiện đề nghị đưa ra khỏi danh mục; Lập thủ tục đề nghị các cấp thẩm quyền xếp hạng 15 di tích, trong đó 3 di tích quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh; Lập dự án bảo quản, tu bổ phục hồi, phát huy mạnh mẽ di tích Biệt điện Bảo Đại để thu hút khách tham quan, du lịch; Đầu tư trùng tu, tôn tạo các hạng mục công trình trong Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích thành điểm nhấn văn hóa, lịch sử, tạo thành sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế.
UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ ưu tiên đầu tư 6 dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn với tổng kinh phí gần 110 tỷ đồng. Trong đó, từ nay đến 2023 ưu tiên triển khai việc trùng tu, tôn tạo Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột; chỉnh trang khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk; Di tích Biệt điện Bảo Đại và tu bổ, bảo quản, phục hồi Khu di tích lịch sử Sở chỉ huy - Nơi công bố quyết định thành lập Quân đoàn 3.
Đến năm 2025, Đắk Lắk sẽ hoàn thành việc tu bổ, phục hồi di tích Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa Đắk Lắk năm 1945 ở dãy nhà 71 Lý Thường Kiệt; Bảo tồn, phát huy di tích Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 1965 - 1975; Khu du lịch danh thắng cụm thác Drai Nur, thác Dray Sáp Thượng.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm lượng khách đến tham quan du lịch tại Đắk Lắk khoảng 725.000 lượt, tổng doanh thu toàn ngành khoảng 54,5 tỷ đồng/năm. Trong đó số du khách đến với các di tích khoảng 420.000 - 450.000 lượt/năm.
Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được kỳ vọng tạo “cú hích” để phát triển ngành kinh tế du lịch từ vốn di sản quý báu của địa phương.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk sẽ phối hợp các Sở, ngành và chính quyền các địa phương tiến hành đo đạc, xác định ranh giới để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cắm mốc ranh giới, phấn đấu đạt 50% tổng số các di tích đã được xếp hạng.
Ngọc Hân