Tại những buôn làng ở Đắk Lắk, hình ảnh già làng, người có uy tín luôn hiện hữu như những trụ cột giữa cộng đồng. Họ nói buôn làng nghe, họ làm buôn làng tin tưởng làm theo. Họ như những cánh chim đầu đàn, dẫn dắt người dân buôn làng vượt qua mọi thử thách, luôn vững tin theo Đảng, Nhà nước.
Do vị trí, vai trò quan trọng của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Lắk chú trọng công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín, thể hiện ở một số khía cạnh:
Về tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước:
Những năm qua, việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, luôn có sự tham gia, đóng góp tích cực của người có uy tín.
Sau khi tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo định kỳ hằng năm; cập nhật thông tin qua các kênh báo, đài của Trung ương và địa phương, người có uy tín đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong tuyên truyền cho đồng bào DTTS hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; vận động con em, gia đình, dòng họ đi đầu trong các phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng buôn làng xanh, sạch, đẹp; nắm bắt đời sống, tư tưởng của nhân dân, phản ánh tình hình, sự việc với cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.
Sự hỗ trợ của người có uy tín là yếu tố quan trọng thúc đẩy công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thuận lợi và đạt nhiều kết quả tích cực, tăng cường niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; những hủ tục lạc hậu dần bị bài trừ, phát huy những giá trị tốt đẹp trong xây dựng nếp sống văn hóa mới ở các buôn, làng, khu dân cư; sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa ở cơ sở, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... có nhiều tiến bộ.
Về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới:
Để góp phần thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp trong vùng đồng bào DTTS, người có uy tín vận động đồng bào tích cực lao động, sản xuất; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, cây, con giống của Nhà nước hỗ trợ; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các kiến thức khoa học vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về giảm nghèo và các chính sách khác, các già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín đã tham gia hiến đất, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động làm đường giao thông, tu sửa kênh mương, thủy lợi..; đổi mới cách làm ăn, xây dựng vườn đồi, làm kinh tế trang trại, không phá rừng làm rẫy...
Nhiều nơi, cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể, người có uy tín đã xây dựng được các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng sắn cao sản và các cây công nghiệp khác mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, là những tấm gương tốt để đồng bào học theo, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo và cải thiện đời sống.
Về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc:
Nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc, các già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phòng, chống âm mưu gây mất đoàn kết và chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của kẻ xấu.
Đặc biệt, đa số người có uy tín hiện nay là thành viên ban công tác Mặt trận ở thôn, buôn, tổ dân phố, có người là đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn, buôn... nên càng phát huy được vai trò của mình, tích cực vận động con em chủ động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền cơ sở; tham gia hưởng ứng phong trào thi đua của các hội, đoàn thể ở cơ sở, xây dựng các tổ chức hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi… ở địa phương ngày càng vững mạnh.
Về giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội
Lực lượng người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đã phát huy vai trò nòng cốt và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa phương; thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không nghe, không tin theo thông tin bịa đặt, kích động, lôi kéo, gây mất đoàn kết của các thế lực thù địch; tuyên truyền bà con nơi có đạo sống tốt đời, đẹp đạo.
Đặc biệt, người có uy tín tích cực tham gia các tổ hòa giải để vận động bà con sống hòa thuận, đoàn kết, giữ gìn đời sống văn hóa tốt đẹp trong buôn, làng; phối hợp với lực lượng công an các xã, phường, thị trấn, các thôn, buôn, tổ dân phố tham gia các buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác. Tích cực phối hợp cùng chính quyền giữ gìn an ninh biên giới, phát hiện và xử lý những hoạt động phá hoại, xâm lấn chủ quyền, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc:
Những năm qua, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với văn hóa của mỗi dân tộc, vùng miền, người có uy tín đã tích cực, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, không quản ngại khó khăn, đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động đồng bào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; hòa giải, xử lý tốt các mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng; tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nhất là các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...
Nhờ đó, nhiều tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ, phát huy những giá trị tốt đẹp trong ứng xử, tổ chức lễ hội, văn hóa ẩm thực, trang phục, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư... Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, khích lệ người dân chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương, tạo sự đồng thuận, xây dựng xóm, làng đoàn kết, bình yên, phát triển.
Trần Chung, Linh Trang, Thu Hà, Văn Giáp