- Với hành vi bắn cấp trên nguyên là trạm phó trạm CSGT Suối Tre dẫn đến tử
vong, bị cáo Ngô Văn Vinh bị đề nghị mức án từ 7 đến 9 năm tù.
7h45p: Bị cáo Ngô Văn Vinh được dẫn giải vào phòng xử án. Ra tòa hôm nay, nguyên đại úy CSGT Ngô Văn Vinh tỏ thái độ khá bình thản...
Được dẫn giải vào phòng xử cùng lúc với Vinh là nhân chứng Trương Thành Chí – người được coi là nguyên nhân xảy ra vụ án. Nhân chứng Trương Thành Chí vui vẻ chào hỏi khi nhìn thấy người quen.
7h50p: Các luật sư tham gia phiên tòa có mặt. Luật sư của bị cáo Vinh tranh thủ trò chuyện với thân chủ trên băng ghế đầu tiên của phòng xử, thư ký phiên tòa tiến hành các thủ tục chuẩn bị cho buổi xử tiếp diễn.
Bị cáo Ngô Văn Vinh (áo sẫm) tại phiên tòa. Ảnh: Hùng Anh |
8h20p: HĐXX bước vào phòng xử án. Thư ký báo cáo danh sách những người được triệu tập và có mặt tại tòa. Nhân chứng Nguyễn Văn Đông có đơn xin vắng mặt. Một luật sư bào chữa cho bị cáo vắng mặt vì bất ngờ bị va chạm trên đường.
8h23p: HĐXX thẩm vấn nhân chứng Nguyễn Thái Phong – bạn của Trương Thanh Chí.
Bị cáo Vinh. Ảnh: Hùng Anh |
Nhân chứng này cho biết, sáng hôm đó sau khi nhậu đã cùng Chí đến quán karaoke do ông Sơn mời. Nhân chứng giữ nguyên lời khai tại phiên tòa trước rằng bị cáo Vinh đã gọi anh của Chí là “thằng” dẫn đến hai bên xảy ra xung đột.
Nhân chứng Nguyễn Thái Phong. Ảnh: Hùng Anh |
“Tôi ngồi kế bên. Hai bên lời qua tiếng lại rồi nảy sinh mâu thuẫn”, người này cho biết. Khi Vinh mời Chí uống thì Chí hất tay nói “tao không uống, tao không uống với mày nữa rồi hất tay. Khi Vinh ngẩng mặt lên thì tôi thấy chảy máu. Anh Sơn nói “chúng mày lộn xộn quá, thôi tính tiền rồi về" rồi bỏ ra ngoài”.
Tòa hỏi: "Tại trạm CSGT lúc xảy ra vụ án anh có mặt không? “Không. Khi tôi về tới cửa trạm đã nghe súng nổ nhiều phát. Tôi nghĩ là ai bắn chỉ thiên gì đó thôi và chạy vào thì thấy sự việc. Lúc này, Vinh đang đi bộ xuống cầu thang, mọi người đưa Sơn đi cấp cứu” - nhân chứng Phong nhớ lại.
Nhân chứng Quang – Cảnh sát cơ động có mặt tại trạm
Lúc nghe tiếng súng nổ tôi đang ở phòng kế bên nên chạy sang thấy anh Phú đang ngồi đó bị chảy máu. Tôi đưa anh Phú ra khỏi phòng thì nghe tiếp nhiều tiếng súng nổ và chạy sang thì thấy anh Sơn đã bị bắn.
Lúc đó Vinh có cầm súng nữa không? – “ Không”.
Tòa: Có thấy ai đánh Vinh không?
Nhân chứng Quang: Không.
Anh khẳng định lại có thấy ai đánh Vinh không?
Không.
Các nhân chứng và đại diện bị hại tại phiên tòa. Ảnh: Hùng Anh |
Chủ tọa hỏi nhân chứng Hạnh (bạn nạn nhân Sơn):
- Ngày đó anh có mặt tại quán karaoke không?
Có.
- Tại sao anh có mặt ở đó?
Tôi đang ở nhà thì nhận được điện thoại của anh Sơn từ trạm nhờ chở Chí và hai người bạn của anh Sơn đi nhậu.
- Anh có vào quán không?
Có.
- Sự việc xảy ra thế nào?
Nhân chứng Hạnh trả lời câu hỏi của HĐXX. Ảnh: Hùng Anh |
“Tôi thấy mấy anh ngồi nhậu và hát. Sau đó xảy ra mâu thuẫn”. Nhân chứng này khẳng định không thấy ai đánh Vinh. Tòa thẩm vấn tiếp về diễn biến sự việc xảy ra tại trạm Suối Tre.
“Khi về cửa trạm tôi nghe tiếng súng nổ. Tôi chạy lên lầu 1 không thấy gì hết, tôi chạy tiếp lên lầu 2 thì thấy anh Sơn và Vinh đang vật lộn. Vinh đang quỳ trên giường, trong phòng có hai người nữa là Lâm và Chí còn anh Phú đã lết lết ngoài cửa, chân chảy máu. Tôi hoảng loạn quá chạy ra ngoài la “cứu cứu” thì mọi người chạy lên đưa anh Sơn đi cấp cứu.
Bị cáo khai khi xảy ra sự việc, bị cáo bị nhiều người đánh. Vậy anh có thấy không?
Không. Lúc đó tôi đã chạy xuống dưới rồi.
Để làm rõ vấn đề trên, Chủ tọa gọi Vinh lên thẩm vấn:
Trước đây anh khai có một mình Sơn đánh. Sau anh khai có nhiều người đánh. Lý do tại sao?
Sau gần 1 năm tôi mới thay đổi lời khai. Tôi thay đổi lời khai là do sự tác động của điều tra viên. Khi tôi đổi lời khai thì một thời gian sau tôi bị đổi tội danh.
Bị cáo có bị thương không? Hiện còn thương tích gì không?
Có bị thương ở đầu. Mấy ngày đó tôi rất mệt nên chỉ để bác sĩ điều trị vết thương ở đầu còn các vết thương phần mềm đau ê ẩm nhưng tôi không báo.
Tại trạm Suối Tre ai đánh bị cáo?
Sơn, Phong và Hạnh, Lâm và một thanh niên lạ mặt. Khi Sơn lao vào là đánh tôi luôn sau đó đến Phong và Hạnh. Trước đó, tại quán karaoke, Hạnh và Phong cũng đánh tôi”.
Tòa hỏi về việc nổ súng, Vinh thừa nhận là người nổ hai phát súng đầu tiên tại trạm Suối Tre. Với những phát súng sau, bị cáo này khai: “Bị cáo không thể ý thức được. Suốt hơn 10 tháng đầu tôi chỉ khai và nhớ là bắn có 2 phát. Thực tế, tôi chỉ thấy tôi bị xô đẩy và giằng co, tôi chỉ cảm giác là có tiếng súng nổ tiếp theo thôi còn tôi không biết”.
Tuy nhiên, các câu trả lời sau đó tòa hỏi vậy ai là người bắn những phát súng sau? Bị cáo Vinh nói “tôi nghĩ chắc là tôi”. Vinh khẳng định ông Sơn và các người bạn của người này ập vào đánh.
Tòa hỏi “vậy tại sao các nhân chứng đều khai không có ai đánh bị cáo?” – “Các nhân chứng đều khai không đúng sự thật”. Tòa đặt câu hỏi giả sử nhân chứng phía bạn bè ông Sơn khai không đúng vì bênh vực anh Sơn còn các nhân chứng là đồng đội của bị cáo sao cũng khai như vậy? Bị cáo Vinh nói “tôi không tiện nói nhưng tất cả đều khai không đúng”.
Trước lời khai của bị cáo, chủ tọa hỏi bị cáo nghĩ gì về hậu quả anh gây ra cho anh Phú và nạn nhân Sơn?" - “Tôi thấy mình có lỗi”, bị cáo Vinh nói. “Tại sao bị cáo không kìm chế gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Súng là công cụ chỉ được sử dụng vào nhiệm vụ được giao, tại sao bị cáo lại tùy tiện sử dụng súng như vậy? Nạn nhân Sơn thiệt mạng, bị cáo thì mất hết tương lai, bao nhiêu công sức học hành đều đổ sông đổ biển, bị cáo nghĩ gì?” – Vinh im lặng, cúi đầu.
Tòa hỏi đại diện hợp pháp của nạn nhân – vợ ông Sơn:
Vợ nạn nhân Trần Ngọc Sơn yêu cầu bị cáo Vinh bồi thường 3 tỷ đồng. Ảnh Hùng Anh |
Đại diện nạn nhân yêu cầu bị cáo bồi thường 3 tỷ đồng và đề nghị tòa xử đúng người, đúng tội.
Hội thẩm nhân dân thẩm vấn bị cáo Vinh:
Bị cáo khai bị cáo thường xuyên để súng dưới gối không?
Dạ thường xuyên.
Bạn bè cùng phòng có ai biết không?
Không vì sợ ma, xấu hổ nên bị cáo không nói cho ai biết.
Vậy súng lên đạn từ lúc nào?
Bị cáo lên đạn sẵn từ hơn nửa tháng khi làm nhiệm vụ.
Sau bao lâu kể từ khi ông Sơn bước vào thì bị cáo lấy súng?
Khoảng 10 giây.
Bị cáo mở khóa an toàn lúc nào?
Bị cáo không mở, khi bóp cò thì súng nổ thôi.
Là người khá am hiểu về vũ khí, vị Hội thẩm nhân dân đã phân tích để làm rõ một số mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo. Vị Hội thẩm cũng đặt câu hỏi quá trình làm việc bị cáo có mâu thuẫn với ai không? Bị cáo khẳng định không. Vị Hội thẩm hỏi, tại sao lời khai của một số nhân chứng là đồng đội của bị cáo lại khai mâu thuẫn với bị cáo? Ông nhắc nhở bị cáo cần khai báo đúng sự thật.
9h15p: Tòa hỏi bị cáo Vinh
Việc để súng dưới gối có đúng quy định không?
Không.
Quản lý một khẩu súng phải theo đúng quy trình, sao có thể tùy tiện? Nếu khẩu súng ra ngoài, rơi vào tay đối tượng xấu thì sao? Một số người nhà của anh cũng khai anh mang súng về nhà để lung tung. Vậy nếu con cháu nhỏ trong nhà động phải trong khi anh khai súng lúc nào cũng lên đạn sẵn thì hậu quả sẽ ra sao?
Bị cáo Vinh im lặng.
9h20p: Viện kiểm sát xét hỏi bị cáo
Trước khi tiến hành xét hỏi, VKS cho biết trước đây VKS truy tố bị cáo theo Điều 95 Bộ luật Hình sự - tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Tuy nhiên, quá trình tố tụng nhận thấy lời khai của bị cáo và các nhân chứng có nhiều mâu thuẫn nên đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
VKS đặt câu hỏi với bị cáo về lời khai của các nhân chứng, bị cáo Vinh kiên quyết: “Lời khai của tất cả các nhân chứng đều sai”.
9h35: VKS hỏi: “Bị cáo cho biết đạn chưa lên nòng nhưng súng mở chốt an toàn có bắn được không?
Không.
Vậy đạn đã lên nòng, chốt an toàn chưa mở thì có bắn được không?
Không.
Bị cáo lấy súng ở dưới gối lên bắn vậy chốt an toàn mở chưa?
Bị cáo không biết.
VKS đặt các câu hỏi về sự mâu thuẫn trong các lời khai của chính bị cáo. Bị cáo phủ nhận một số lời khai của bị cáo có cả luật sư tham gia. Lý giải về điều này, Vinh nói “tôi đã bị điều tra viên tác động, lúc đó luật sư đi ra ngoài”.
9h51p: VKS hỏi nhân chứng Cường
Anh là người đưa bị cáo Sơn từ quán karaoke về trạm Suối Tre đúng không?
Đúng.
Lúc anh đi từ cầu thang xuống anh thấy bị cáo đi trước hay đi sau?
Bị cáo đi trước, xuống phòng anh Sơn.
Anh có chứng kiến bị cáo gõ cửa và gọi anh Lâm ra không?
Có.
9h55p: VKS hỏi nhân chứng Lâm – lái xe riêng của thiếu tá Sơn
Nhân chứng Lâm diễn tả lại vụ việc. Ảnh: Hùng Anh |
Anh có chìa khóa riêng của phòng anh Sơn không?
Không.
Anh có biết anh Sơn đi nhậu không?
Có. Hôm đó tôi chở anh Sơn đi nhậu và được anh Sơn giao về rửa xe, lên phòng anh Sơn dọn dẹp.
Vậy sao anh lại ngủ tại đây?
Lâu lâu có công chuyện tôi mới ngủ lại.
Anh cam đoan lời khai của anh đúng sự thật không?
Tôi cam đoan, tôi khẳng định lời khai của tôi đúng sự thật.
10h: VKS hỏi nhân chứng Phú – cán bộ trạm CSGT Suối Tre (người bị trúng đạn vào đùi). Người này cho biết mình chứng kiến cảnh nạn nhân Sơn xông vào đánh Vinh, hai bên vật lộn nên vào can ngăn rồi bị bắn trúng đùi. Anh Phú không yêu cầu Sơn bồi thường.
10h10p: VKS kết thúc thẩm vấn. Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư.
11h9p: Kết thúc phần xét hỏi phiên tòa xét xử vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Trạm CSGT Suối Tre (tỉnh Đồng Nai). Phiên tòa chuyển sang phần tranh luận. Đại diện VKS phát biểu quan điểm về vụ án.
Đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai đề nghị mức án từ 7-9 năm tù đối với bị cáo Ngô Văn Vinh |
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của các nhân chứng và diễn biến phiên tòa, VKS nhận thấy có đủ cơ sở xác định khoảng 13h ngày ngày 22/9/2013, ông Trần Ngọc Sơn (trạm phó trạm CSGT Suối Tre) rủ nhóm bạn trong đó có Trương Thành Chí xuống thị xã Long Khánh nhậu. Sau khi nhậu, cả nhóm đi hát karaoke.
Lúc này, Ngô Văn Vinh và các anh Lê Nguyên Cường, Phạm Lê Ngọc Long đều là cán bộ trạm CSGT Suối Tre cũng đi hát karaok tại phòng đối diện phòng hát của nhóm ông Sơn.
Tại đây, giữa Vinh và Trương Thành Chí, anh Sơn phát sinh mâu thuẫn. Sơn bỏ về lên phòng tập thể lấy một khẩu súng K59 đã lên đạn và mở chốt an toàn. Khoảng 17h cùng ngày, thiếu tá Trần Ngọc Sơn về trạm lên phòng tập thể tìm Vinh. Trong lúc bên xảy ra xô xát, bị anh Sơn tấn công, Vinh nổ súng bắn anh Sơn dẫn đến tử vong và làm một người khác bị thương khi vào can ngăn.
Hành vi phạm tội của bị cáo đủ cơ sở cấu thành tội "Giết người" theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự. Xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, các bên đã thiếu kiềm chế, gây ra hậu quả vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của bị cáo ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, gây dư luận xấu trong xã hội nên cần phải xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, khi lượng hình cũng cần xem xét bị cáo có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, nạn nhân cũng một phần có lỗi nên cần xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt với bị cáo. Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị HĐXX xem xét theo quy định của pháp luật.
Với quan điểm trên, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Ngô Văn Vinh từ 7 đến 9 năm tù.
11h20p: Mở đầu phần bào chữa cho thân chủ, luật sư của bị cáo Ngô Văn Vinh chia sẻ sự mất mát với gia đình nạn nhân Sơn.
Tuy nhiên, luật sư cho rằng hành vi của bị cáo xuất phát từ lỗi của nạn nhân Sơn. Sau khi đưa ra các tình tiết phân tích, luật sư bày tỏ không đồng tình với tội danh “Giết người” mà VKS đã truy tố với bị cáo.
Luật sư cũng đưa ra những tình tiết cho rằng quá trình tố tụng vụ án đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Theo luật sư, việc tách hành vi của Trương Thành Chí gây thương tích cho Vinh thành vụ án khác để xét xử riêng cũng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Ngoài ra, luật sư cũng đặt vấn đề tại CSGT Suối Tre có lặp đặt camera, mọi hoạt động tại đây đều được ghi nhận. Tại sao cơ quan tố tụng không sử dụng những thông tin trong camera trên để góp phần xác định rõ sự thật khách quan vụ án, xác định lời khai của nhân chứng nào là đúng, lời khai nào là sai? Lời khai của bị cáo đúng không?
Tại biên bản lấy lời khai của một số nhân chứng, Cơ quan CSĐT không ghi biên bản thực hiện lúc mấy giờ, có biên bản điều tra viên lại không ký tên…như vậy những biên bản trên có được coi là chứng cứ không? Biên bản có khách quan, có được coi là cơ sở để kết tội bị cáo?...
Sau khi trình bày và phân tích hàng loạt tình tiết, luật sư đề nghị HĐXX tiếp tục trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Đồng ý với luật sư, bị cáo Ngô Văn Vinh đề nghị HĐXX thu thập các hình ảnh được ghi nhận tại camera để làm rõ. “Tôi đề nghị HĐXX ghi nhận, sử dụng các hình ảnh tại camera để làm rõ tôi vô tội đối với tội giết người. Do vậy, tôi đề nghị tòa cho trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ”, bị cáo Vinh nói.
11h50p: Sau phần trình bày của bị cáo Vinh, HĐXX tạm nghỉ để hội ý.
11h55p: HĐXX thông báo phiên tòa tạm nghỉ, sẽ tiếp tục vào 14h
chiều nay.
Theo cáo trạng, khoảng 13g ngày ngày 22/9/2013, giữa Ngô Văn Vinh và “sếp” Trần Ngọc Sơn và bạn của Sơn có mâu thuẫn từ trước ở quán karaoke nên Vinh đã về trạm CSGT Suối Tre (tỉnh Đồng Nai) lên phòng tập thể lấy một khẩu súng K59 đã lên đạn và mở chốt an toàn. Vinh đến phòng nghỉ của thiếu tá Sơn đập cửa và chĩa súng vào người anh Trương Học Lâm (là người giữ xe ở trạm) đang ngủ bên trong. Khi không tìm thấy “sếp” Sơn, Vinh yêu cầu Lâm gọi điện thoại cho thiếu tá Sơn về gấp. Sau đó, Vinh về phòng nằm, để khẩu súng dưới gối ở đầu giường trong tình trạng đạn đã lên nòng và mở chốt an toàn. Khoảng 17g cùng ngày, thiếu tá Trần Ngọc Sơn về trạm lên phòng tập thể tìm Vinh. Hai bên xảy ra cự cãi. Sơn dùng tay đánh nhiều cái vào đầu, mặt của Vinh. Vinh thò tay lấy khẩu súng dưới gối ra. Khi đó thiếu tá Sơn vật, đè Vinh xuống đất để tước súng. Lúc này, anh Đoàn Thanh Phú cán bộ của trạm ngồi ở giường kế bên vào can ngăn thì Vinh bắn hai phát đạn, trong đó một viên đã trúng vào vùng bẹn của Phú. Trương Học Lâm, Trương Thành Chí (còn gọi là Trúc) đã xông vào hỗ trợ cho thiếu tá Sơn. Lúc đó, Vinh bắn thêm 4 phát đạn thì có hai phát trúng vào người thiếu tá Sơn. Lâm chụp tay Vinh thì súng nổ thêm hai phát nhưng không trúng ai. Khi thấy khẩu súng của Vinh đã hết đạn và rớt xuống nền nhà thì Trương Học Lâm buông Vinh ra. Mọi người ở trạm CSGT Suối Tre đưa Sơn, Phú và Vinh đi bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó thiếu tá Trần Ngọc Sơn tử vong. Riêng Đoàn Thanh Phú bị thương tích với tỷ lệ thương tật 15% (tạm thời). Cũng theo cáo trạng, trong vụ án này bị cáo Ngô Văn Vinh đã bị thương tật toàn bộ là 40% trên người. Vinh khai do Trần Ngọc Sơn, Trương Thành Chí, Trương Học Lâm và một số người bạn của Sơn đánh tại quán karaoke ở tại thị xã Long Khánh và ở trạm CSGT Suối Tre. Vụ việc này cơ quan cảnh sát điều tra đã tách riêng thành vụ án “Cố ý gây thương tích”. Sau đó, công an thị xã Long Khánh cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam Trương Thành Chí. Trước đó, cơ quan công tố đã chuyển tội danh của nguyên đại úy Ngô Văn Vinh từ “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” sang tội “Giết người”. |
Mai Phượng