
Người dân xã Trung Lý quen gọi Đại úy Di (SN 1978) là "thầy", bởi trong suốt 10 năm qua anh đã dạy cả chục lớp xóa mù chữ cho hàng trăm người dân ở khắp các bản, làng của xã.
Anh Hơ Văn Di ở bản Cơm, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát. Năm 22 tuổi, anh viết đơn xin đi bộ đội và được phân công về đồn biên phòng Quang Chiểu (Mường Lát). Năm 2001, anh được chỉ huy đơn vị cử đi học. Sau khi tốt nghiệp trung cấp biên phòng, anh về làm ở đồn biên phòng Trung Lý cho tới nay.

Là người con của đồng bào, thông thạo chữ Mông, chữ Thái nên anh Di được đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ đứng lớp xóa mù chữ cho bà con. “Từ 2014, tôi bắt đầu được phân công đứng lớp, đến nay tôi đã mở được khoảng chục lớp, dạy cho hàng trăm người dân biết chữ”, anh Di cho biết.
Theo anh, đồng bào thường có tâm lý tự ti, mặc cảm, ngại giao tiếp nên nên rất ngại đến lớp. Để tổ chức được một lớp học, anh phải đến từng nhà vận động.
“Ban đầu người dân không muốn đi học chữ, tôi phải tuyên truyền cho bà con hiểu. Khi biết chữ, bà con sẽ biết làm kinh tế, được học các mô hình phát triển chăn nuôi… từ đó sẽ biết chăn nuôi, trồng trọt và no cái bụng, thế là người dân chịu đến lớp”, anh Di chia sẻ.

Để xóa mù chữ cho bà con, anh phải đến các bản làng xa xôi trong xã, như bản Tà Cóm, Cánh Cộng cách trung tâm xã khoảng 50km, đường rừng núi hiểm trở. Để vào được bản, anh Di phải đi đường gần cả ngày. Đầu tuần lên đường, anh “cắm bản” đến thứ 7 mới quay ra.
Theo anh Di, thông thường, mỗi lớp học kéo dài tối thiểu 3 tháng. Tùy tính chất công việc của đơn vị, có thể phải “treo” lớp đến vài tháng. Do nhà cách điểm dạy học gần 100km, công việc dạy học lại vào ban đêm, nên lâu lâu anh mới có thể về thăm vợ con được một lần.
Học sinh của anh Di chủ yếu là người lớn tuổi. Đôi bàn tay quanh năm cầm cuốc nên nét chữ nguệch ngoạc, cái miệng ngượng nghịu mỗi khi đọc chữ.

“Có người đến lớp được một bữa thấy khó quá bỏ về, hôm sau tôi lại đến nhà vận động đi học tiếp.
Đa phần những người theo lớp đều biết đọc, biết viết tên của mình. Đến nay, việc xóa mù chữ cho đồng bào Mông lớn tuổi ở xã Trung Lý đã trở thành phong trào. Những người chưa biết viết, đọc tên mình lại rủ nhau cùng đến lớp học”, anh Di cho biết.
Cũng theo anh Di, qua những lớp học, anh cùng chi bộ, chính quyền địa phương lồng ghép nhiều hoạt động tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người Mông.
Bên cạnh đó là vận động bà con xóa bỏ cây thuốc phiện, trồng lúa, ngô, sắn và bảo vệ rừng, không hút thuốc phiện, không để kẻ xấu kích động… góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo vệ biên giới của Tổ quốc.

Theo lãnh đạo xã Trung Lý, địa hình của xã chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại khó khăn. Cả xã có 15 bản, trong đó có 11 bản là người Mông sinh sống. Tỷ lệ người mù chữ cao, số hộ nghèo chiếm trên 50% dân số toàn xã.
Từ khi có các lớp học xóa mù chữ, bà con rất vui và tích cực đi học. Người dân biết cách làm ăn, cuộc sống cũng dần được nâng lên.
Đại uý Hơ Văn Di đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen về thành tích trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho nhân dân trên khu vực biên giới.
