- Đại tướng Lê Đức Anh nêu nhiều chủ trương để Việt Nam thoát khỏi vòng xoáy của các nước lớn.
Đại tướng Lê Đức Anh trăn trở Lời Thề ở Trường Sa
Đại tướng Lê Đức Anh: Lòng nhân ái làm nên 30/4/1975
Hôm nay, 1/12, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 98 của Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước, VietNamNet trân trọng giới thiệu một số đoạn trích trong bài viết “Tướng Lê Đức Anh và những tư duy ở tầm chiến lược”.
Ngày 7/12/1986, ông Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam...
Đến cuối tháng 12 đó, Đại hội Đảng VI đã diễn ra. Ông Lê Đức Anh được bầu ủy viên Bộ Chính trị và nhậm chức Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng.
Cuối tháng 2/1987, có cuộc họp “Bộ Chính trị hẹp” hai ngày tại Nhà Con Rồng - Sở chỉ huy của Bộ Quốc phòng. Tại đây, ông Lê Đức Anh đã báo cáo toàn bộ tình hình quân đội, tình hình biên giới phía Bắc với hai việc cấp thiết là bố trí lại đội hình, thế trận phòng thủ và cải thiện đời sống cho bộ đội. Ông nêu lên những suy nghĩ của mình về Mỹ, về Trung Quốc, về Liên Xô, về các nước ASEAN đồng thời giải trình những đề xuất của mình.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân tiếp Đại tướng Lê Đức Anh tại Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 7/1991 |
Ông nói: “Về Trung Quốc: Trên biên giới, phía bên kia họ bắn pháo rồi bắc loa kể công và chửi ta, nếu bộ đội ta cứ bắn lại và chửi lại thì không làm được công tác tư tưởng. Thà rằng họ đánh sâu vào nội địa ta như Pol Pot đánh ta ở biên giới Tây Nam thì ta nói là họ xâm lược và ta kêu gọi chống xâm lược thì dễ. Đằng này qua thăm dò và khảo sát trực tiếp, qua tin tức tình báo chiến lược, phân tích tình hình nhiều mặt, thấy rằng họ không có ý đồ xâm lược; mà họ gây xung đột biên giới ta nhằm thực hiện “Thỏa thuận 5 điểm” giữa hai nhà cầm quyền Trung-Mỹ.”
Lúc này, ông Anh công bố trước hội nghị nội dung “thỏa thuận 5 điểm” mà trước đây ông chỉ mới nói riêng với Tổng bí thư Lê Duẩn. Người viết xin tóm tắt như sau: Ta giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30/4/1975, thì sau đó 5 tháng, từ 19 đến 23/10/1975, Henry Kissinger tới Bắc Kinh và Đặng Tiểu Bình đã cử Chu Ân Lai đại diện ký bản “Thỏa thuận 5 điểm”, và ngay sau đó Đặng Tiểu Bình ký với Ronald Reagan năm điểm bổ sung cho thỏa thuận này tại Washington.
Có thể tóm tắt như sau: Trung Quốc đang bị bao vây tứ phía, giờ chỉ có thể phá thế bao vây xuống phía Nam. Quyết không để cho Việt Nam mạnh lên thành cường quốc khu vực và ngăn chặn Liên Xô nhảy vào Đông Dương. Sẽ dùng Pol Pot đánh toàn tuyến biên giới của Nam Việt Nam, sau đó gây xung đột vũ trang trên phía bắc, nhưng Trung Quốc không được xuống tới vĩ tuyến 18. Thời gian chuẩn bị là 17 tháng. Nếu thực hiện thì Mỹ sẽ tài trợ quân sự cho Trung Quốc 1 tỷ USD. Đến tháng thứ 18 mà kế hoạch này không được thực hiện thì Mỹ sẽ xem xét lại chính sách của Mỹ với Trung Quốc.
Ông Anh nói tiếp: “Bao năm qua, mâu thuẫn Mỹ - Xô, Mỹ - Trung là mâu thuẫn đối kháng; mâu thuẫn Xô - Trung cũng là đối kháng, vì từ sau Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và công nhân năm 1960 ở Matxcơva, hai bên từ chỗ chửi nhau công khai đi đến xung đột quân sự dọc tuyến biên giới không khoan nhượng.
Gần đây, sau khi ký Hiệp định hợp tác toàn diện với ta, Liên Xô lập cầu hàng không tiếp vận cho ta vũ khí và phương tiện và cử Đoàn cố vấn quân sự bố trí tới cấp sư đoàn bộ binh và lữ đoàn binh chủng của ta; họ giúp ta tích cực nhưng lại muốn ép ta làm theo hướng của họ.
Tại quân cảng Cam Ranh, dưới biển là tàu ngầm và tàu chiến, trên bộ là các phi đội phản lực chiến đấu, trên trời thì máy bay trinh sát điện tử RF71 thay nhau bay suốt ngày đêm. Nhìn trên bản đồ tác chiến thì thấy rõ: Cố vấn yêu cầu ta đưa hết chủ lực áp sát biên giới, phía sau là đội hình của họ tại quân cảng Cam Ranh, hai nơi như hai mũi dao nhọn chĩa vào Trung Quốc. Như vậy, vô hình trung ta đang trở thành “lính xung kích” trong ý đồ của Liên Xô và ta đang bị cuốn vào vòng xoáy của các nước lớn; nhất định ta phải tìm cách thoát ra khỏi vòng xoáy này.
Đối với ta hiện nay, thì việc giảm quân số thường trực để giảm ngân sách quốc phòng đang là một yêu cầu vừa cấp thiết vừa cơ bản lâu dài. Mà muốn giảm quân một cách bền vững thì trước hết phải tìm cách “tháo ngòi nổ”, làm dịu tình hình biên giới, liền sau đó, ta vừa xúc tiến thăm dò vừa chủ động, tích cực hoạt động ngoại giao để tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt-Trung.
Còn về phía Mỹ, sau thất bại chiến tranh Việt Nam, Mỹ câu kết với Trung Quốc (trong thỏa thuận năm điểm) dùng Pol Pot ở Campuchia đánh ta để trả thù, làm cho ta suy yếu và ngăn chặn sự ảnh hưởng của Việt Nam với khu vực, nhưng đến bây giờ ý đồ này cũng đã thất bại. Trong khi Mỹ chưa có chính sách gì mới đối với Việt Nam là thời cơ ta có thể tiến hành phá bao vây cấm vận. Một khi Mỹ gỡ bỏ bao vây cấm vận thì việc tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ chỉ còn một bước ngắn. Ý tưởng này đã có từ các anh Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt và Nguyễn Văn Linh, giờ là thời cơ ta xúc tiến.
Với các nước ASEAN: Gần đây trong ASEAN cũng đã có sự phân hóa và thay đổi. Rõ nhất là Lý Quang Diệu, nhà lãnh đạo của Singapore. Thái Lan cũng đã thay đổi, nhất là từ khi Chatichai Choonhavan lên làm Thủ tướng. Từ nhiều năm nay, có khá nhiều ban lãnh đạo của các nước ASEAN lệ thuộc Mỹ và Trung Quốc. Bây giờ ta tìm cách gia nhập vào ASEAN để nâng tinh thần độc lập tự chủ của họ lên, họ sẽ dần cảm thấy không lệ thuộc vào nước lớn nữa…”.
Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Quốc phòng thăm và dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập quân đội và hải quân Liên Xô, tháng 2/1988 |
Khi bàn soạn, trong Bộ Chính trị cũng có ý kiến còn băn khoăn - Liệu vào ASEAN ta có lôi kéo được họ không, hay lại bị họ lôi kéo? Với lại, nếu xét ở khía cạnh kinh tế thì rất có thể họ không chịu mình đâu. Ông Anh nói: “Nếu chỉ vì mục đích kinh tế thì khó, vì so với họ, ta đang nghèo về kinh tế. Nhưng ta có hai cái “giàu” là giàu về chính trị và về địa lý, giàu về tiềm năng con người.
Ban đầu về kinh tế ta chưa có lợi thế gì; nhưng về chính trị thì ta có một nước độc lập có chủ quyền, mà nền độc lập của ta không phải nói suông, cả dân tộc ta đã đổ bao mồ hôi, xương máu và trí tuệ mới có được. Các nước ASEAN, lòng tự trọng, tự tôn dân tộc thì anh nào cũng có. Ta vào thì họ sẽ có chỗ dựa về chính trị để họ vươn lên, vì từ trước đến nay họ thường xuyên bị nước lớn chi phối. Họ cần ở ta là cần về chính trị trước tiên, mà ta lại có “vốn lớn” về chính trị.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton và phu nhân đón tiếp Chủ tịch nước Lê Đức Anh và phu nhân tại Mỹ năm 1995 |
Trong khối ASEAN trước đây có một số nước rất căng với ta, gần đây đã có những dấu hiệu thay đổi. Và cũng có những nước sẽ ủng hộ ta vào, những nước này từ lâu vẫn có thiện cảm với Việt Nam, từng đồng tình và ủng hộ Việt Nam chống ngoại xâm, đó là Indonesia. Ta sẽ đặt chân vào ASEAN từ cánh cửa của những nước như vậy. Nhưng những bước đi đầu tiên phải hết sức bí mật và thận trọng. Nếu ta không vào ASEAN thì Mỹ và một số nước lớn sẽ tiếp tục phá ta, thậm chí tiếp tục dùng một số nước ASEAN để phá ta. Còn nếu ta vào được thì họ không phá được ta mà ngược lại, ta sẽ là chỗ dựa về chính trị để các nước ASEAN vươn lên...”
Sau khi họp bàn, trao đổi, hầu hết các thành viên đều nói: “Được!”, không ai nói khác. Ông Phạm Văn Đồng nói: “Việc này bên Ngoại giao làm là đúng chức năng, mà Bộ Quốc phòng phải phối hợp; nhưng việc lớn thế này cả Đảng và Nhà nước cùng làm mới xong”. Ông Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Ngoại giao hăng hái nói: “Bây giờ các anh cứ quyết, tôi xin làm ngay!”. Ông Trường Chinh nói: “Bộ Ngoại giao làm là tất nhiên rồi. Nhưng trước hết đề nghị anh Lê Đức Anh suy nghĩ cách làm, biện pháp cụ thể, và đề nghị giao cho anh Anh làm cái đoạn “mở đầu” với Trung Quốc”. Hội nghị nhất trí với ý kiến của ông Trường Chinh.
Như vậy, những nội dung ông Anh xin phép báo cáo, được hội nghị bàn luận, bổ sung và đồng thuận thì nó trở thành trí tuệ của tập thể, thành chủ trương lớn của Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Nói gọn lại thì những chủ trương đó là: Điều chỉnh và bố trí lại đội hình và thế trận phòng thủ biên giới. Xúc tiến việc thăm dò và tích cực hoạt động ngoại giao để triệt tiêu sự đối đầu căng thẳng và tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt - Trung. Tiến hành giảm quân số thường trực vững chắc. Phá thế bao vây cấm vận của Mỹ. Tích cực hoạt động ngoại giao để Việt Nam gia nhập cộng đồng ASEAN...
Ông Anh bộc bạch: “Điều quan trọng nhất lúc này là đạt được sự đồng thuận của các thành viên Bộ Chính trị; chứ chưa nhất trí thì khó, bởi đây là những chuyện lớn, rất nhạy cảm, mà lại không thể nói rộng ra”.
Về phần mình, ngay sau hội nghị, ông Anh liền xúc tiến những công việc trọng đại được ủy thác; nhưng không phải làm xong việc này mới làm việc khác, mà các công việc nó đan xen, hỗ trợ nhau; có việc một thời gian thì xong, có những việc trải dài sang hai nhiệm kỳ sau, khi ông lên làm Chủ tịch nước mới có kết quả.
Kỷ niệm hai lần đón Đại tướng Lê Đức Anh về làng cổ Đường Lâm
Khi chia tay ở cổng làng Mông Phụ, Đại tướng Lê Đức Anh còn lưu luyến mãi không muốn rời - Bí thư xã Đường Lâm xúc động.
Chuyến thị sát đặc biệt của Tổng Tham mưu trưởng Lê Đức Anh
Khi làm Tổng Tham mưu trưởng, việc đầu tiên của Đại tướng Lê Đức Anh là đi thị sát dọc vùng biên giới 6 tỉnh phía Bắc và thấy nhiều vấn đề nổi cộm.
Đại tướng Lê Đức Anh và cú chết hụt không thể nào quên
Chiến tranh là thử thách cao nhất, nghiệt ngã nhất đối với con người... Cú chết hụt ở giờ phút cuối cùng, khi mà chiến tranh sắp kết thúc tôi không thể nào quên được - Đại tướng Lê Đức Anh viết trong hồi ký.
Đại tá Khuất Biên Hòa