- Suốt 15 năm qua, ông Phạm Ngọc Chiêng (SN 1951, trú xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) ngày nào cũng rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng đi tuyên truyền các vấn đề xã hội, giao thông, chính sách, pháp luật… cho người dân. Ông được mọi người âu yếm gọi với cái tên trìu mến “đài truyền thanh di động”.
15 năm ‘vác tù và hàng tổng’
Cứ đều đặn ngày 3 buổi sáng, trưa, chiều tối ông Chiêng lại một mình với chiếc xe máy cũ gắn sẵn thiết bị phát thanh đi khắp các ngõ làng để phát đi những bản tin tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước cho người dân nghe.
Ông Chiêng giới thiệu bộ đồ nghề của mình |
Ông làm công việc này đến nay tròn 15 năm, nên hình ảnh ông già “đài truyền thanh di động” đã in sâu trong tâm trí của người dân.
Ông từng là người lính công tác lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trong thời chiến. Năm 1977, ông Chiêng trở về với quê hương, mang trên mình thương tật 4/4.
Khi thời bình trở về quê hương, ông thấy người dân chưa tiếp cận được với chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, nên mong muốn làm một điều gì đó. Năm 2000, ông làm trưởng đài truyền thanh xã Dân Lực. Năm 2001, ông Chiêng bắt đầu đi tuyên truyền.
|
Ông bảo, ngày đó hoàn cảnh gia đình mình còn khó khăn lắm. Khi có ý định làm việc này, hầu hết người thân trong gia đình ông đều phản đối và cho rằng không cần thiết, vì vợ con lo cho sức khỏe của ông.
“Ban đầu tôi đi loa khắp nơi như vậy, đi đến đâu mọi người đều nhìn tôi với ánh mắt lạ lẫm. Trẻ con còn chạy theo sau trêu ghẹo vì nghĩ tôi bị dở người. Những người sống gần nhà mình thì cho rằng mình bị điên do thương tật của chiến tranh”, ông Chiêng cười hiền nhớ lại.
Làm cho đến khi kiệt sức
Không từ bỏ ý định, ngày nào ông Chiêng cũng đi tuyên truyền, hình ảnh của ông dần dần quen thuộc trong mắt mọi người và rồi họ cũng nghĩ rằng ông đi làm việc thiện, có ích cho xã hội.
Bộ đồ nghề của ông rất đơn giản, chỉ một xe máy cũ kỹ, phía sau ông buộc đôi loa phóng thanh, micro, hộp kích điện, bình ắc quy, phía trên cắm cờ Tổ quốc.
Vị cựu chiến binh già chia sẻ, sẽ làm công việc này cho đến khi không còn đi được nữa thì mới thôi. |
Những bài tuyên truyền của ông là những điều luật, quy định mới hay các khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn giao thông, an ninh xã hội. Khi ông cập nhận được những thông tin trên, ông tự đọc như “phát thanh viên” sau đó ghi âm lại rồi phát lên loa. Cứ thế, mỗi chuyến ông đi khoảng 20 - 30 cây số.
Ông Chiêng chia sẻ: “Khoảng 10 năm trước, khi mới làm công việc này, tôi hăng say lắm, làm không biết mệt mỏi. Không chỉ đi tuyên truyền ở huyện mình mà còn đi cả các huyện lân cận.
Giờ đây tuổi cao, sức khỏe cũng giảm nên nhiều lần tôi bị ngã xe, nhưng không vì thế mà bỏ cuộc. Tôi sẽ làm công việc này cho đến khi không còn đi được nữa mới thôi”.
Để có được những thông tin tuyên truyền mới nhất theo kịp tính thời sự. Ngày nào ông Chiêng cũng phải xem thời sự trong nước, thời sự địa phương, thậm chí là phải đọc rất nhiều báo để cập nhật thông tin mới nhất.
Ngoài tuyên truyền chính sách của Đảng và nhà nước ông còn tuyên truyền theo sự kiện thời sự về an toàn giao thông…
Năm 2009, ông Chiêng giành giải nhất cuộc thi nông dân với an toàn giao thông do huyện tổ chức; đầu năm 2012 đạt giải nhì tiếng hát chèo… Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao tặng bằng khen tổng kết 10 năm công tác vì an ninh quốc phòng. Ông được Công an tỉnh tặng chiếc xe máy để tiếp tục cho công việc tuyên truyền.
Ông Nguyễn Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Dân Lực cho biết, từ khi ông Chiêng dùng loa phát đi các chủ trương, chính sách mới, các khẩu hiệu đã góp phần đáng kể trong việc giảm tai nạn giao thông.
“Những việc ông Chiêng làm thực sự rất hữu ích và đáng học hỏi, nhưng có một điều tôi luôn lo lắng là ông tuổi đã lớn, lại một mình đi xe máy trên đường rất nguy hiểm. Ông ít nhất đã bị tai nạn 3 lần khi đi tuyên truyền rồi”, ông Tính cho biết.
Bắt bệnh thời tiết, Phó tổng giám đốc bị bắt đền... giặt chăn
33 năm làm nghề dự báo thời tiết, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia từng gặp không ít chuyện dở khóc dở cười.
ĐBQH Phạm Quang Thanh không đi du lịch dịp Tết
Là TGĐ Tổng công ty Du lịch Hà Nội, song ĐB Phạm Quang Thanh kể Tết nhà anh vẫn rất truyền thống, chưa có khái niệm đi du lịch.
Lê Anh