"Không nói ra nhưng anh Lập biết rằng đây là trận đánh khó khăn nhất trong cuộc đời để chiến đấu lại căn bênh hiểm nghèo. Nhưng tôi tin vào tiền nhân đã đúc kết “nhân định thắng thiên” và cầu mong sẽ đúng với trường hợp của đại tá Lương Văn Lập - Điều tôi đã chiêm nghiệm".

1. Tôi bước qua “cái trộc” giữa nhà tôi và nhà anh chị Lập Khanh để thăm anh Lập ốm nặng gần năm nay. Người anh gầy đi vì căn bệnh hiểm nghèo ở bộ phận tiêu hóa. Anh đưa tay cho tôi nắm và ra hiệu tôi ngồi xuống bên cạnh: “Em vừa về?”. “Dạ vâng, anh thấy khá lên không?”. “Ăn không tiêu em ạ, anh đang uống thuốc Đông y thầy Sóc Sơn”. Đã nhiều lần theo định kỳ, anh ra  Viện  Quân y 108, được các giáo sư, bác sỹ tận tình điều trị theo phác đồ Tây y, kết hợp Đông y, với sự nỗ lực cao nhất của gia đình và thầy thuốc. Anh bảo tôi đưa mẹ ra Hà Nội cho yên tâm vì cụ đã 86 tuổi rổi. Chiều hôm qua anh Lập gọi điện báo mẹ tôi sang nhà anh kêu mệt. Rồi anh cố gắng dìu cụ tôi qua “cái trộc” để  đưa cụ vào nhà, gọi y tá đến tiêm cho cụ. Một người ốm nặng dìu một người già 86 bị cảm, mắt tôi cay xè ...

2. “Cái trộc” - cách gọi quê tôi là lối đi tắt qua nhà nhau (ngoài cổng chính). Cái trộc giữa nhà tôi và nhà anh chị Lập Khanh đã có từ thời bác Lễ (thân sinh chị Khanh) và cụ Tớc (ông nội tôi). Tôi lớn lên đã có cái trộc giữa bờ chè tàu hàng rào hai nhà. Tới bây giờ tôi đã ngoài lục tuần, các cụ đã quy tiên, cái trộc vẫn còn đó. Tôi chứng kiến cái trộc là nơi “bước qua” để sang nhà nhau uống chè chát, ăn trầu, chia sẻ vui buồn, nương dựa sớm tối. Qua cái trộc, bên này đưa qua bên kia  bó chè, nắm rau; bên kia lại đưa sang quả cau, đĩa nhút; lúc thì đĩa xôi nhà có giỗ, khi thì khoanh cá Thu anh Lập đi công tác mua về. Chị Khanh dí dỏm: “Cháu biếu mợ cá, nhưng đĩa cầm về”. Chị Khanh là giáo viên dạy Văn học.

{keywords}
Đại tá Lương Văn Lập

 

Chuyện giữa hai nhà được truyền lại cho con cháu. Cuối năm 1953, cha tôi đang huy động lương thực các huyện miền núi Thanh Hóa để chuyển lên mặt trận Điện Biên thì mắc bệnh “ngã nước” (sốt rét), nằm liệt dường mấy tháng liền, chờ chết. Cha tôi dặn mẹ tôi “báo cho bên nội Nghệ An ra gặp”. Ông bà tôi già yếu nên bác Lễ giúp đi thay, dẫn cô Trí và thím Phộ đi bộ từ Nghệ An ra Thanh Hóa thăm cha tôi. Lúc đó là tháng 2/1954, bộ đội ta đang vây hãm quân Pháp ở Điện Biên nên chúng  rục rịch đổ bộ vào Thanh Nghệ Tĩnh để giảm áp lực. Cơm đùm cơm gói, bác Lễ dẫn hai người ra tới Hoàng Mai thì gặp pháo của Pháp bắn từ biển vào, tránh pháo hết đêm, hôm sau đi tiếp ra Tĩnh Gia rồi tiếp Quảng Xương. Hôm sau nữa đi tiếp từ ngã ba Voi về xã Tế Lợi (huyện Nông Cống)... Cha tôi phấn khởi gặp lại người nhà, được điều trị bằng Tây y, cắt sốt, sống lại.

Năm 1955 đến 1976, ông về công tác tại Ty Nông nghiệp Nghệ An, chuyên ngành Thú y, cho đến 1977  thì nghỉ hưu. Kiếp người “sinh nghề, tử nghiệp”.  Năm 1988, cha tôi mất vì căn bệnh dại bởi chính những con thú mà cha tôi là bác sĩ đã chữa bệnh cho nó, nhưng ông không chữa nổi cho mình, như là định mệnh. Ngày cha tôi phát bệnh, anh Lập ở Tỉnh đội về đến ngõ được tin đã vội quay xe đạp xuống Bệnh viện Đô Lương đưa cha tôi về tới nhà thì người tắt thở. Năm 2000, bác Lễ đã yếu, tôi về phép sang thăm bác thì bác nói nhỏ với tôi: “Bác dặn các cháu giữ cái trộc để đi lại”. Chúng tôi tranh thủ về thăm nhà là mẹ tôi lại dặn:“ Ăn ở cho có đầu, có cuối con ạ”.

3. Nhớ lại đầu năm 1965, máy bay Mỹ ném bom đánh phá cầu Ba Ra, cầu Sắt, kho chợ Sỏi, Sư đoàn bộ 324... mở đầu chiến tranh phá hoại huyện Đô Lương rất khốc liệt. Cũng dịp đó, anh Lập lên đường nhập ngũ vào tiểu đoàn 43 Nghệ An, sau đó được chọn đi học đặc công. Cuối 1965, anh được điều sang đơn vị chiến đấu tại chiến trường Lào suốt 9 năm liền (1965 - 1973). Qua chiến đấu, anh trưởng thành từ chiến sĩ đặc công lần lượt đảm nhận các cương vị: Trung đội trưởng đặc công C18, Đại đội trưởng C19 trinh sát, trợ lý quân báo, trợ lý tác chiến  mặt trận 72, xuyên  ngang  dọc vùng Xiêng Khoảng - Cánh đồng Chum, thuộc như lòng bàn tay.

Năm 1969, anh Lập từ chiến trường Lào về phép cưới chị Khanh và anh ở rể bác Lễ  vì bác sinh được mỗi chị Khanh là con gái. Cưới xong,  anh lại lên Lào, chị  Khanh về dạy Trường cấp 2 Hòa Sơn. Tháng 1/1971 tôi  nhập ngũ vào C25, D5, E 274, Quân khu 4 (chuyên huấn luyện tân binh bổ sung cho các mặt trận). Đai đội tôi đóng trong nhà dân, cạnh Trường cấp 2 Hòa Sơn. Năm đó chị Khanh đang mang bầu cháu Hoài Thanh. Khoảng 3 giờ sáng lệnh báo động lên đường. Tôi khoác ba lô đứng tập trung giữa sân kho Hợp tác xã. Tôi xin phép đại đội trưởng sang nhà giáo viên để chào chị Khanh trước khi hành quân. Các cô giáo hồi ấy ở trong nhà tre lợp mái rạ cạnh sân kho Hợp tác xã. “ Chị ơi, em đi, chị ở lại khỏe, anh Lập có về thì nói em đi B dài”. Chị căn dặn tôi “Em đi mạnh khỏe, hoàn thành nhiệm vụ nhé”. Cuối năm 1975, tôi từ chiến trường Nam bộ về thăm nhà khi đất nước hoàn toàn giải phóng thì cháu Hoài Thanh đã lên 5 tuổi. Cô cháu gái bẽn lẽn đứng nhìn tôi qua “cái trộc” bờ chè tàu líu nhíu gọi “cậu Vinh, cậu Vinh”. Tôi được biết anh Lập về công tác tại Tỉnh đội Nghệ An từ 1973.

4. Từ khi ở Lào về, anh Lập được bổ nhiệm trợ lý quân báo, trợ lý tác chiến rồi lên Tham mưu phó. Anh Lập được Bộ CHQS tỉnh Nghệ An cử đi đào tạo tại Học viện Đà Lạt rồi Học viện Quốc phòng, sau đó được bổ nhiệm Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng - Bộ CHQS Tỉnh, quân hàm đại tá hưởng lương cấp tướng.

Với bề dầy chiến đấu và công tác tại cơ quan Tỉnh đội, anh đã tham mưu rất hiệu quả cho Bộ CHQS tỉnh và UBND tỉnh trong nhiệm vụ quốc phòng và công tác quân sự địa phương. Trong làm việc, anh luôn giữ vững nguyên tắc “kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế”, nhất là không đưa các công trình quốc phòng vào làm kinh tế (dưới hình thức tham quan, du lịch) như hang Thẩm Ồm (Quỳ Châu), hang Mắt Trắng (Đô Lương). Đồng thời anh đã tham mưu cho UBND tỉnh rút giấy phép của một công ty khai thác đá thuộc phạm vi công trình quốc phòng tại lèn đá Hạnh Lâm (Thanh Chương). Anh đã phân tích kỹ lưỡng những vấn đề liên quan tới quốc phòng - an ninh trong việc UBND tỉnh định triển khai dự án xây dựng  Nhà máy Bia liên doanh Nghệ An - CHLB Đức - Bia Sài Gòn nằm trên hướng tây nam sân bay Vinh. Kết quả Bộ Quốc phòng đã không đồng ý triển khai dự án, giữ cho sân bay Vinh hoạt động thương mại bình thường và không ảnh hưởng tới nhiệm vụ quốc phòng  khi có biến động. Những ý kiến tham mưu của anh đã giúp cho UBND tỉnh Nghệ An đưa ra quyết định đúng đắn, không mắc sai lầm như một số tỉnh cho  nước ngoài vào nuôi cá cạnh cảng Cam Ranh, xây khách sạn du lịch trên núi Hải Vân.

5. Sau 43 năm công tác và 48 năm tuổi đảng, cuối năm 2007 anh Lập nghỉ hưu tại quê nhà xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Anh đã được Nhà nước ta và Nhà nước Lào tặng thưởng 10 Huân chương cao quý các loại. Khi nghỉ hưu, anh tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho công tác biên soạn bộ sách lịch sử truyền thống Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Nghệ An, nơi anh gắn bó gần như cả quãng đời binh nghiệp. Anh thường động viên con cháu tích cực tham gia, đóng góp vượt mức các chỉ tiêu xây dựng công ích thôn xóm, khối phố, được bà con bình chọn gia đình tiêu biểu. Bốn người con của anh chị đang công tác trong các cơ quan tại tp Vinh và đàn cháu nội ngoại học giỏi, chăm ngoan. Khi sống ở khối phố cũng như ở làng quê anh luôn trung thực, gần gũi bà con, tôn trọng mọi người, nên được kính nể và cảm phục.

Được tin anh Lập lâm bệnh, bà con làng xóm, cán bộ địa phương, bạn bè 3 xã Nam, Bắc, Đặng ngày đêm tới thăm hỏi,  động viên. Trong đoàn người đến thăm có tướng lĩnh là thủ trưởng cũ của anh, các đồng chí trong Bộ CHQS tỉnh, các CCB từng chiến đấu với anh trên chiến trường Lào, bà con khối phố 22 phường Hưng Bình, Tp Vinh - đó là nguồn động viên anh khỏe lên để vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.

Anh Lập ngồi dựa lưng vào chiếc ghế bên bàn uống nước chè xanh kê giữa sân để tiếp mọi người đến thăm. Cô cháu gái đang dùng rượu tỏi xoa đôi chân anh đã xuống máu, tê bì. Quanh sân treo mấy lồng chim và các giỏ phong lan rừng đang trổ hoa - quà của mấy anh lính Tỉnh đội tặng - vì biết anh yêu thích lan rừng và chim cảnh. Bà con quây quần quanh anh với nét mặt cảm thương, chia sẻ. Linh cảm của người lính, tôi ôm anh Lập vào lòng mà không khỏi cay cay mí mắt thương anh... Không nói ra nhưng anh Lập biết rằng đây là trận đánh khó khăn nhất trong cuộc đời để chiến đấu lại căn bênh hiểm nghèo. Nhưng tôi tin vào tiền nhân đã đúc kết “nhân định thắng thiên” và cầu mong sẽ đúng với trường hợp của đại tá Lương Văn Lập - Điều tôi đã chiêm nghiệm .

Bùi Xuân Vinh