LỜI TÒA SOẠN:

Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) là sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), thế hệ cha ông năm xưa dành cả tuổi xanh đầy nhiệt huyết lên đường kháng chiến với lời thề "sẽ có ngày trở về Hà Nội", nay người còn, người mất, nhưng những ký ức vẫn vẹn nguyên cảm xúc đoàn quân từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội trong sự chào đón của hàng vạn người dân quần áo chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ cùng tiếng hoan hô vang dậy khắp phố phường.

Trong căn nhà nhỏ ở ngõ 33 Chùa Láng (quận Đống Đa), những bức ảnh, kỷ vật ghi lại thời điểm Đại tá Bùi Gia Tuệ cùng đồng đội tiến về Thủ đô Hà Nội được gia đình ông để trang trọng tại phòng khách.

Sinh ra tại phố Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), từ khi còn là một thiếu niên, ông Tuệ đã sớm giác ngộ cách mạng. Ngày 19/12/1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", ông Bùi Gia Tuệ lúc đó mới 15 tuổi nhưng đã nhận nhiệm vụ trinh sát, liên lạc cho tự vệ khu phố.

W-ong tue.jpg
Đại tá Bùi Gia Tuệ, nguyên Trưởng phòng Pháp chế - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Ảnh: Quang Phong

“Sau 60 ngày đêm chiến đấu (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947) trong lòng Hà Nội, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã bí mật rút khỏi Hà Nội lên Việt Bắc với lời hẹn “sẽ có ngày trở về”. Lúc đó, chúng tôi còn nhỏ, các anh bảo phải về nhà đi học”, ông Tuệ nói và cho biết đến năm 1948, tròn 18 tuổi, ông được nhận vào Sư đoàn 308.

Đến năm 1954, khi quân ta bước vào trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ, ông Tuệ giữ vai trò Trung đội trưởng, chuyên vận chuyển, tiếp đạn cho đơn vị pháo binh. “Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, chúng tôi vô cùng phấn khởi. Khi ấy, ai cũng nóng ruột mong 'ngày trở về’ Thủ đô”, ông Tuệ nói.

Trên đường về tiếp quản Thủ đô, Sư đoàn 308 của ông Bùi Gia Tuệ vinh dự được gặp Bác Hồ ở Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). “Ngày đó Bác giao nhiệm vụ cụ thể cho chúng tôi khi về tiếp quản Thủ đô. Với Sư đoàn 308 chúng tôi, Bác dùng chữ ‘trở về’ bởi vì Bác biết rằng chúng tôi từ Hà Nội ra đi. Trước khi rời Thủ đô lên đường kháng chiến chống Pháp, anh em chúng tôi đã viết khẩu hiệu ngắn lên tường: "Sẽ có ngày trở về Hà Nội", ông Tuệ nhớ lại.

W-giai phong 4.jpg
Đại tá Bùi Gia Tuệ chỉ bức ảnh ông ngồi trên ô tô vào tiếp quản Thủ đô 70 năm trước. Ảnh: Quang Phong

Nhớ về ngày tiếp quản Thủ đô 70 năm trước, ông Bùi Gia Tuệ không giấu được cảm xúc khó quên. Chờ đợi ngày tiếp quản Thủ đô, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị của ông Tuệ gần như thức trắng đêm vì hồi hộp, sung sướng, mong đến giây phút trọng đại.

Đơn vị của ông Tuệ tập kết ở Xuân Mai, rồi về Mai Lĩnh, sau đó theo hướng Hà Đông vào nội thành. Từ 5h ngày 10/10/1954, đơn vị của ông Tuệ bắt đầu hành trình, khoảng 8h thì đến Cửa Nam.

Dẫn chứng bức ảnh tư liệu chụp 70 năm trước trên đường phố Hà Nội rợp cờ, hoa, Đại tá Bùi Gia Tuệ chỉ cho chúng tôi hình ô tô chở ông là xe đi thứ 3, đi sau xe của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Ủy ban quân chính TP Hà Nội Trần Duy Hưng.

Ngồi ngay đầu xe, ông Bùi Gia Tuệ chứng kiến sự hân hoan, mừng vui chào đón của hàng vạn người dân mà xúc động vô cùng. “Đó là phút giây thực sự hạnh phúc tôi không thể nào quên”, ông Tuệ nói.

su doan 308.jpg
Sáng 10/10/1954, cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên phong - Sư đoàn 308 tiến vào tiếp quản Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Ông Tuệ cho biết, 15h ngày 10/10/1954, tại sân vận động Cột Cờ (nay là sân Đoan Môn tại Hoàng thành Thăng Long), hàng trăm nghìn người dân Hà Nội đã trang nghiêm dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức với sự tham gia của các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản Thủ đô.

Sau ngày giải phóng Thủ đô, ông Bùi Gia Tuệ phụ trách trung đội bảo vệ Nhà máy nước Yên Phụ. Sau đó, ông Tuệ vừa đi học Đại học Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội vừa tiếp tục cuộc đời binh nghiệp.

“Được đóng góp công sức cho sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước là điều vinh dự, tự hào nhất của tôi trong cuộc đời”, ông Tuệ nói và cho biết, dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô cũng là thời điểm ông vinh dự được nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.