Bên lề hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 hôm nay, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc chia sẻ với báo chí, số lượng vắc xin Mỹ viện trợ cho Việt Nam tới nay là 24,5 triệu liều (bằng 1/3 tổng viện trợ tại Đông Nam Á). 

{keywords}
Đại sứ Hà Kim Ngọc. Ảnh: Phạm Hải

Điều này trước hết phản ánh trạng thái quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, sự vận động quyết liệt và việc sử dụng hiệu quả vắc xin của Việt Nam. 

Một liều vắc xin cũng không phí phạm 

“Khi trao đổi với các đối tác Mỹ, tôi luôn nhấn mạnh rằng, dù một liều vắc xin cũng được sử dụng, không liều nào bị phí phạm. Ban đầu, khi Covid-19 bùng phát và nước Mỹ khó khăn, ta dù khó khăn nhưng vẫn cố gắng chia sẻ. Điều này tạo ấn tượng rất tốt. 

Khi tôi đề cập câu chuyện vắc xin với phía Mỹ, họ đều nhắc lại câu 'Bạn thực sự là người giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn'. Đến tận bây giờ, mỗi lần họ tặng chúng ta vắc xin cũng nhắc lại câu nói này”, ông cho biết.

Đại sứ Việt Nam tại Bỉ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU Nguyễn Văn Thảo cũng chỉ ra nguyên nhân thành công của ngoại giao vắc xin. Đó là: Việt Nam có hệ thống bạn bè rất tình nghĩa, gắn kết chặt chẽ lợi ích. Thứ hai là khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

{keywords}
Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU Nguyễn Văn Thảo

“Khi chúng ta là một thành viên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu bị ảnh hưởng quá nặng của đại dịch, có thể tạo ra đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính các nước nằm trong chuỗi cung ứng đó, cụ thể ở các nước Liên minh châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi cũng dùng lập luận này để trao đổi với các nước EU. Họ cũng ý thức điều này rất rõ ràng và tích cực viện trợ vắc xin thông qua cả chương trình COVAX và song phương. EU hiện nay chỉ đứng sau Mỹ về số lượng vắc xin hỗ trợ cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng ta có sự kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa. Ngoại giao chính trị, chúng ta đã vận động thông qua những đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, tạo sự gắn kết quan hệ chính trị. Ngoại giao kinh tế là tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Về văn hóa, vào năm 2020, khi châu Âu bị ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng ta đã ủng hộ khẩu trang và đến lúc này bạn cũng rất sẵn sàng đáp lại nghĩa cử của chúng ta”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết.

Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, những gì đạt được đòi hỏi nhiều yếu tố, khía cạnh nhưng có thể nói phải là tổng lực của rất nhiều nỗ lực. Chính quyền Mỹ đã trợ giúp Việt Nam số tiền khá lớn (khoảng 40 triệu USD) trong cung cấp trang thiết bị y tế, đào tạo kỹ năng phòng, chống dịch cho lực lượng y tế.

Ông kể: “Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ nghiên cứu bài bản và chiến lược. Chính tôi dưới thời ông Trump đã gặp Giám đốc CDC yêu cầu trợ giúp. Họ còn nói: Đại sứ đừng giục nữa. Tất cả trang thiết bị đang trên đường tới Hà Nội và TP.HCM rồi. Nói vậy để thấy ngoại giao vắc xin có nội dung rất rộng, không chỉ là đi xin vắc xin”.

Đại sứ cho rằng, hướng ưu tiên sắp tới là tăng cường hợp tác với Mỹ để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế. Trong chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào tháng 8, phía Mỹ khai trương văn phòng khu vực của CDC. Đây là một bước ngoặt rất quan trọng.

Thời gian vừa qua, hai nước đã hỗ trợ lẫn nhau. Tháng 4/2020, Việt Nam trợ giúp Mỹ thiết bị và vật phẩm y tế, giờ tới lượt Mỹ trợ giúp Việt Nam về vắc xin. 

“Tôi nghĩ đây là nền tảng rất tốt để chúng ta thúc đẩy hợp tác trong tương lai, quan trọng nhất vẫn là tự chủ về vắc xin”, ông Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.

Tự tin mở cửa

“Năm 2020, châu Âu cũng bị tác động rất nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, châu Âu có cách tiếp cận nhanh chóng, bao phủ vắc xin diện rộng và mở cửa từ khá sớm. Gần đây, với biến chủng Omicron, châu Âu cũng tăng cường thêm một số biện pháp để phòng, chống dịch nhưng không đóng cửa.

Tôi nghĩ hiện nay, với nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan ngoại giao, chúng ta đã có số lượng vắc xin và mức độ bao phủ tương đối tốt nên hoàn toàn có thể tự tin để mở cửa”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết.

Theo ông, vấn đề mở cửa không chỉ là du lịch mà cần xác định là tháo điểm nghẽn trong thương mại hàng hóa.

Trong đại dịch, cản trở lớn nhất đối với thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với toàn thế giới cũng như Việt Nam với EU là giá cước vận tải container đã tăng lên gấp 5-10 lần so với trước. Lý do là thủy thủ khi đi về bị cách ly trong thời gian dài; thiếu những container rỗng để chuyển hàng trở lại châu Âu.

Nếu không mở cửa, sẽ có tác động nặng đến đời sống, kinh tế và xã hội, đặc biệt với Việt Nam - đất nước sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, gây tác động trực tiếp đến đời sống, công ăn việc làm của hàng chục triệu nông dân, sẽ có những hệ lụy trong vấn đề về xã hội.

“Liên quan đến vấn đề này, EU đã xử lý khá tốt trong thời gian qua. Mặc dù có những thời điểm căng thẳng, vận tải hàng hóa giữa các nước EU vẫn thông suốt và không có tình trạng nghẽn cách ly của các thủy thủ cũng như hàng hóa”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nói.

Trọng dụng nhân tài 

Liên quan đến vấn đề thu hút đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, Đại sứ Hà Kim Ngọc chia sẻ, tiềm năng của tri thức kiều bào rất lớn. Về số lượng, trí thức người Việt ở Mỹ có 200.000 người, chiếm đến một nửa tổng số trí thức người Việt ở nước ngoài. Đây cũng là cộng đồng có học vấn cao so với các cộng đồng nhập cư ở Mỹ. Đặc biệt, có rất nhiều trí thức có tên tuổi ở Mỹ, nhất là trong những lĩnh vực khoa học, kỹ thuật cơ bản, vật lý, vũ trụ, công nghệ thông tin...

Đại sứ kiến nghị: Thứ nhất, các cơ quan Trung ương phải đưa ra những biện pháp rất thiết thực, hiệu quả để thu hút kiều bào trí thức, có cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi những sáng kiến, khuyến nghị tạo động lực để kiều bào tiếp tục cống hiến.

Thứ hai, về phía các địa phương, cần tạo ra môi trường, cơ sở hạ tầng và chế độ chính sách, để khuyến khích và trọng dụng nhân tài. Thứ ba là tập trung vào những lĩnh vực của thời đại, như công nghệ cao.

“Chúng ta cần cơ chế chính sách trong nước, có môi trường làm việc hấp dẫn, có đủ phương tiện để họ làm việc. Và điều quan trọng là phải trọng dụng nhân tài. Tôi nhấn mạnh sự trọng dụng.

Sau cách mạng tháng Tám, Bác Hồ thu hút được nhiều đại trí thức về nước, như Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của... Người ta sẵn sàng từ bỏ địa vị giàu sang để về đồng cam cộng khổ với đồng bào trong nước thì mình phải trọng dụng họ. Đó là vấn đề then chốt”, ông khẳng định. 

Thái An

Giao thương không thể online: Bao giờ Việt Nam mở cửa?

Giao thương không thể online: Bao giờ Việt Nam mở cửa?

Nhiều doanh nghiệp muốn vào Việt Nam nhưng họ quan tâm đến vấn đề làm việc với ai, thăm nhà xưởng, tìm hiểu nguyên liệu thế nào.