Lời toà soạn: Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với Đại sứ Séc tại Việt Nam, ông Hynek Kmoníček về vai trò của các nước nhỏ trong một thế giới đầy xung đột và biến động. |
“Giải quyết triệt để xung đột Israel - Palestine là bất khả thi”
Tôi được biết Đại sứ đã dành khá nhiều thời gian nghiên cứu tại Trung Đông, trong đó có việc học Tiến sĩ của ông tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, Israel. Theo ông, triết lý về giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình là gì?
Đại sứ Hynek Kmoníček: Câu hỏi này đặt ra một vấn đề vô cùng phức tạp mà tôi thường suy nghĩ. Sau những năm tháng sống và làm việc ở Trung Đông, tôi nhận ra xung đột kéo dài không phải là một bài toán có lời giải đơn giản. Có những xung đột, vì quá sâu sắc và phức tạp, mà chúng ta chỉ có thể quản lý chứ không thể hoàn toàn loại bỏ.
Tôi lấy ví dụ, về xung đột Israel-Palestine. Đây là cuộc xung đột đã kéo dài hàng thập kỷ, với những lịch sử, văn hóa, và những đòi hỏi chính trị hoàn toàn khác biệt. Việc tìm một giải pháp hoàn hảo là điều gần như bất khả thi.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta buông xuôi. Việc ngăn chặn xung đột bùng nổ và duy trì một trạng thái hòa bình tương đối vẫn là mục tiêu quan trọng. Chúng ta cần tập trung vào việc xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại, và tìm kiếm những giải pháp tạm thời để giảm thiểu căng thẳng. Đây là một bài học có thể áp dụng được ở khắp mọi nơi.
Tuy nhiên, đối với Trung Đông, lịch sử khu vực đã chứng minh, chu kỳ xung đột và hòa bình là điều không thể tránh khỏi. Vai trò của ngoại giao trong trường hợp này là kéo dài thời kỳ hòa bình, giảm thiểu thiệt hại, tạo điều kiện cho các thế hệ tương lai tìm ra những giải pháp bền vững hơn.
Theo ông, các quốc gia như Việt Nam và Cộng hòa Séc đóng vai trò như thế nào trong một thế giới đầy xung đột và biến động hiện nay?
Đại sứ Hynek Kmoníček: Chúng ta, những quốc gia có vị trí địa lý đặc biệt, thường phải đối mặt với nhiều thách thức.
Suốt chiều dài lịch sử, những quốc gia như Việt Nam, Séc phải đối mặt với những áp lực từ các cường quốc lớn. Tuy nhiên, chính cách các quốc gia này ứng phó với những thách thức đó đã định hình nên tương lai của họ.
Cộng hòa Séc, với lịch sử lâu đời nằm giữa hai cường quốc lớn là Đức và Nga, đã có kinh nghiệm đối phó với những áp lực từ bên ngoài kể từ khi Vương quốc Bohemia được thành lập vào năm 840. Việt Nam cũng vậy, với vị thế địa chính trị đặc biệt của mình, đã chứng tỏ được sự kiên cường và khôn ngoan trong suốt chiều dài lịch sử.
Việt Nam, với hơn 2000 năm lịch sử, đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu trong việc đối phó với các cường quốc lớn. Từ Trung Quốc đến Pháp và Mỹ trong thế kỷ 19 và 20. Các bạn đã vươn lên và trở nên mạnh mẽ.
Vì vậy, Việt Nam có thể đóng vai trò dẫn dắt các quốc gia khác trong khu vực trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung.
Mỹ và quần đảo Solomon
Đúng là như ông nói cả Việt Nam và Cộng hòa Séc thực sự đã duy trì được nền độc lập của mình qua nhiều thế kỷ biến động địa chính trị. Điều này có ảnh hưởng đến niềm tin của Đại sứ vào ngoại giao đa phương, ví dụ như thông qua Liên Hợp Quốc không?
Đại sứ Hynek Kmoníček: Chắc chắn rồi. Kinh nghiệm lịch sử của Cộng hòa Séc đã củng cố niềm tin của tôi vào vai trò quan trọng của ngoại giao đa phương. Liên Hợp Quốc, với tư cách là một diễn đàn toàn cầu, cung cấp một không gian cho tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, để cùng nhau giải quyết các vấn đề chung.
Tất nhiên, vẫn có những hạn chế, quyền lực cứng vẫn đóng vai trò lớn, đặc biệt là trong Hội đồng Bảo an. Nhưng ít nhất là về mặt biểu tượng, Liên Hợp Quốc đã tạo ra một sân chơi bình đẳng, nơi các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có một tiếng nói. Quần đảo Solomon và Hoa Kỳ, dù có sự chênh lệch về quy mô và sức mạnh, vẫn có cùng một phiếu bầu tại Đại hội đồng.
Điều tôi trân trọng nhất ở Liên Hợp Quốc chính là khả năng tạo ra một không gian trung lập để các quốc gia cùng nhau đối thoại và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề phức tạp nhất. Ví dụ, vấn đề Jerusalem là một bài toán nan giải, không có lời giải hoàn hảo.
Vì vậy, bạn thành lập một ủy ban của Liên hợp Quốc để giải quyết vấn đề này. Đây là cách kéo dài hòa bình nếu không sẽ khó mà giải quyết. Đó là bản chất của ngoại giao đa phương - tìm cách ngăn ngừa xung đột, ngay cả khi vấn đề gốc rễ không thể được giải quyết hoàn toàn.
Vậy theo Đại sứ, mục đích của ngoại giao là gì? Là quản lý xung đột và tránh leo thang hay là gìn giữ hòa bình tốt nhất có thể?
Đại sứ Hynek Kmoníček: Ngoại giao, xét cho cùng, là nghệ thuật tìm kiếm tiếng nói chung. Đó là quá trình xây dựng cầu nối và hợp tác, ngay cả trong những hoàn cảnh tưởng chừng như đối lập.
Một lần nữa, Cộng hoà Séc và Việt Nam là hai ví dụ tốt trong việc gìn giữ hòa bình. Hãy nhìn vào mối quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN.
Tương tự, Cộng hòa Séc cũng đã vượt qua những chia rẽ với khối phương Tây trong chiến tranh lạnh, khi còn là Tiệp Khắc, để trở thành thành viên của NATO. Điều này cho thấy rằng, với thời gian và sự nỗ lực, các quốc gia có thể thay đổi quan hệ và tìm ra lợi ích chung qua một nền tảng đối thoại thường xuyên. Tôi nghĩ rằng hai quốc gia chúng ta có nhiều bài học đáng chia sẻ với thế giới.
Người Việt thành công ở Séc
Trước khi đến Việt Nam, ông đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Đại sứ Séc tại Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ; Cố vấn trưởng về chính sách đối ngoại của Tổng thống; Đại sứ tại Liên hợp quốc của Cộng hòa Séc… Với kinh nghiệm dày dặn như vậy, điều gì đã thôi thúc ông quyết định nhận nhiệm vụ tại Việt Nam?
Đại sứ Hynek Kmoníček: Tôi muốn đến một quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối Cộng hoà Séc. Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của chúng tôi ở châu Á, một phần do cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc rất lớn và mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã kéo dài gần 75 năm. Sau Washington, Việt Nam là điểm đến hoàn hảo để cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cho phép tôi tiếp tục có một công việc đầy ý nghĩa.
Ước tính có khoảng 60.000 đến 80.000 người Việt đang sinh sống tại Cộng hòa Séc, và họ là một trong những cộng đồng người Việt lớn nhất ở nước ngoài. Đại sứ có thể chia sẻ họ đóng vai trò như thế nào trong xã hội, chính trị và văn hóa Séc?
Đại sứ Hynek Kmoníček: Theo số liệu chính thức, hiện đang có khoảng 65.000 người Việt đang sinh sống tại Séc, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Đây là một cộng đồng đang phát triển mạnh mẽ và hiện đứng thứ tư về quy mô tại Cộng hòa Séc, chỉ sau người Séc, người Slovakia do di sản Tiệp Khắc và người Ukraina do tình hình xung đột hiện nay.
Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của cộng đồng này vào xã hội Séc. Khi những người Việt Nam đầu tiên đến Tiệp Khắc vào năm 1956, ít ai có thể hình dung được rằng họ sẽ trở thành một phần không thể thiếu của xã hội chúng ta ngày nay.
Thật vậy, một ví dụ khá hay là trường hợp của một biên tập viên gốc Việt với chuyên môn sửa các bản thảo tiếng Séc cho một trong những tờ báo lớn của chúng tôi. Nhiều người đã rất ngạc nhiên khi biết anh là người Việt Nam, khi nghe giọng nói qua điện thoại của anh rồi sau đó gặp mặt trực tiếp.
Như vậy, rằng cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc đã đạt được những thành công đáng kể. Họ là một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số thành công nhất trong số 14 cộng đồng đang sinh sống tại đất nước chúng tôi, với những thành viên xuất sắc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Với sự thành công và tầm quan trọng của cộng đồng này, liệu họ có ảnh hưởng đến vai trò đại sứ của ông trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước không?
Đại sứ Hynek Kmoníček: Họ cũng là một nguồn lực vô cùng quý giá. Nếu không có họ, chúng tôi sẽ không thể có được sự hiện diện mạnh mẽ như hiện nay tại Việt Nam.
Cộng đồng người Việt rất coi trọng truyền thống gia đình. Nhiều người trong số họ vẫn có người thân sống ở Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội và miền Bắc, và thường xuyên giữ liên lạc. Trong những năm qua, cộng đồng người Séc gốc Việt đã đóng góp rất lớn vào hoạt động đầu tư của Séc tại Việt Nam. Số tiền họ kiếm được ở Cộng hòa Séc thường được đầu tư trở lại Việt Nam, đặc biệt là ở những vùng quê nơi họ có nguồn gốc. Chúng tôi có gắng nhất có thể để khuyến khích và hỗ trợ những nỗ lực này.
Sự kết nối này giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về tình hình địa phương, đặc biệt khi tiếng Việt là một rào cản lớn. Việc có một cộng đồng như vậy để hỗ trợ chúng tôi vượt qua rào cản ngôn ngữ là vô cùng quý giá. Họ giúp chúng tôi nắm bắt được thông tin chính xác về tình hình trong nước, và những cơ hội để mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hoà Séc.
Cộng đồng người Việt cũng được quảng bá một cách tích cực tại Séc. Hiện nay, Bảo tàng Dân tộc học Séc đang tổ chức một triển lãm lớn kéo dài một năm rưỡi về lịch sử Việt Nam. Triển lãm này bao gồm rất nhiều thông tin thú vị, từ vị tu sĩ Dòng Tên gốc Séc đầu tiên đến Việt Nam vào thế kỷ 17 cho đến những hoạt động của tôi trong vai trò Đại sứ hiện nay. Một minh chứng cho thành công của triển lãm này là nó dự kiến sẽ kéo dài 18 tháng, một điều hiếm gặp ở châu Âu, nơi ngay cả các triển lãm hàng đầu cũng chỉ kéo dài từ 3 đến 6 tháng.
Tôi thấy khá bất ngờ khi hiện tại vẫn chưa có chuyến bay thẳng giữa Hà Nội và Praha. Đại sứ nghĩ có triển vọng nào để mở đường bay trong tương lai không?
Đại sứ Hynek Kmoníček: Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn. Trước đây, đã có một chuyến bay thẳng do Bamboo Airways khai thác nhưng đã bị huỷ sau đại dịch COVID-19. Chúng tôi đang tích cực đàm phán với các VietJet và Vietnam Airlines để khôi phục lại đường bay thẳng Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Praha, với tần suất lý tưởng là ít nhất hai chuyến mỗi tuần.
Tuy nhiên, để các chuyến bay này hoạt động hiệu quả về mặt thương mại, chúng ta cần giải quyết hai vấn đề chính: hàng hóa và thị thực. Việt Nam vẫn yêu cầu công dân Séc xin thị thực đang là một rào cản lớn đối với sự phát triển của tiềm năng du lịch. Nếu Việt Nam đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đối với công dân Séc thì bố cục sẽ thay đổi hoàn toàn.
Ví dụ, kể từ khi Phú Quốc áp dụng chính sách miễn thị thực, lượng khách du lịch Séc đến đây đã tăng đáng kể, với các chuyến bay thuê bao chở từ 400 đến 900 khách mỗi tuần. Điều này cho thấy rõ tầm quan trọng của chính sách thị thực đối với du lịch.
Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút được nhiều khách du lịch hơn và tăng thu nhập từ du lịch thay vì chỉ dựa vào phí thị thực. Thay vì thu 25 USD phí thị thực, Việt Nam có thể thu được nhiều hơn từ việc khách du lịch chi tiêu trong nước. Mặc dù 25 USD không phải là một con số lớn, nhưng nó lại là một rào cản khiến nhiều du khách Séc lựa chọn các điểm đến khác như Thái Lan, nơi có chính sách miễn thị thực và sử dụng tiếng Anh rộng rãi.
Vì vậy, tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực để hỗ trợ cho việc khai thác các chuyến bay thẳng.
Bên cạnh cộng đồng người Việt, cũng cần thu hút một lượng lớn khách du lịch Séc và hàng hóa để đảm bảo hiệu quả kinh tế của các chuyến bay. Khi cả ba yếu tố này được kết hợp, các hãng hàng không sẽ có thể đảm bảo doanh thu ổn định khi mở đường bay.
(còn tiếp)
Phạm Vũ Thiều Quang