Lời toà soạn: Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trò chuyện với Đại sứ Séc tại Việt Nam, ông Hynek Kmoníček về những điều suy ngẫm trong ngành ngoại giao.

Xem phần 1: Đại sứ Séc: “Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của chúng tôi ở châu Á”
 

XYZ07987.jpg
Đại sứ Cộng hoà Séc tại Việt Nam, Hynek Kmoníček. Ảnh: Đan Nguyễn

Tôi được biết ông đã có một hành trình thú vị từ một nhạc sĩ trở thành nhà ngoại giao. Điều gì khiến ngành ngoại giao trở nên lôi cuốn ông đến như vậy?

Đại sứ Hynek Kmoníček: Ngoại giao là một lĩnh vực có rất nhiều truyền thống, và một số điều chỉ thực sự có ý nghĩa khi bạn trải nghiệm chúng trực tiếp.

Ví dụ, tại sao các nhà ngoại giao lại phải tuân thủ một quy tắc ăn mặc nghiêm túc? Thoạt nhìn, điều này có vẻ không quan trọng. Nhưng thực tế, cách ăn mặc của một nhà ngoại giao thể hiện sự tôn trọng đối với đối tác và cũng là một cách để thể hiện hình ảnh chuyên nghiệp.

Khi bạn ăn mặc chỉnh tề, những gì bạn nói sẽ được người khác lắng nghe một cách nghiêm túc hơn. Và với tư cách là một nhà ngoại giao, bạn không chỉ đại diện cho bản thân mà còn đại diện cho cả một quốc gia.

Chẳng hạn, bạn đang bước vào một cuộc họp quan trọng. Nếu bạn ăn mặc chỉnh tề, lịch sự, đối tác của bạn sẽ tập trung vào những gì bạn nói. Nhưng nếu bạn xuất hiện với một chiếc lông vũ màu hồng trên đầu, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào vẻ ngoài kỳ quặc của bạn thay vì nội dung cuộc nói chuyện. Đó là lý do tại sao các nhà ngoại giao luôn tuân thủ những quy tắc ứng xử nhất định, dù đôi khi có vẻ cứng nhắc.

Quy tắc ăn mặc, giao tiếp, và nghi lễ ngoại giao chính là những công cụ giúp chúng ta tạo dựng một hình ảnh chuyên nghiệp và đáng tin cậy.

Điều này cũng tương tự như một số truyền thống ở châu Á, nơi các nghi lễ khó hiểu và dường như không cần thiết đối với người ngoài nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự gắn kết cộng đồng.

Vì thế mà tại sao nhiều người châu Âu không hiểu được văn hoá Châu Á. Ngoại giao cũng vậy mà thôi. Những quy tắc ứng xử tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại là nền tảng để xây dựng các mối quan hệ lâu dài.

Vậy làm thế nào mà ông có thể thu hẹp khoảng cách văn hóa, đặc biệt là giữa châu Âu và châu Á?

Đại sứ Hynek Kmoníček: Điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải có một tâm hồn cởi mở. Chúng ta không thể ép buộc ai đó thay đổi để phù hợp với mình. Ngoại giao không phải là một cuộc chiến mà là một điệu nhảy, trong đó mỗi bên phải tìm cách hòa hợp với nhau.

Để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, chúng ta cần hiểu rõ về nhau. Điều quan trọng là phải lắng nghe, thấu hiểu quan điểm của đối phương và tìm kiếm điểm chung. Khi chúng ta hiểu được lý do tại sao người khác lại nghĩ và hành động như vậy, chúng ta sẽ tìm ra giải pháp phù hợp.

Một trong những thách thức lớn nhất của một nhà ngoại giao là tìm được sự cân bằng giữa việc hòa nhập và giữ gìn bản sắc. Làm cách nào để tôi có thể hiểu được Việt Nam, mà không thực sự trở thành người Việt Nam? Công việc của tôi là để hiểu Việt Nam và nhu cầu của đất nước này, nhưng không phải là để chấp nhận chúng như của riêng tôi.

Chúng ta cần phải hiểu sâu sắc về văn hóa của quốc gia mà mình công tác, nhưng đồng thời cũng phải nhớ mình đang đại diện cho quốc gia của mình. Việc trở thành một người bản địa hoàn toàn không cần thiết, thậm chí gây ra những hiểu lầm không đáng có. Nghệ thuật ngoại giao chính là ở chỗ: biết cách kết nối với những nền văn hoá khác mà không bị đánh mất bản thân. Đó là một quá trình học hỏi không ngừng, đòi hỏi sự kiên nhẫn, sự khéo léo và một trái tim rộng mở.

Screenshot Oct 10 from Image Compressor min.png
Tại nhà riêng khi còn làm Đại sứ tại Mỹ, ông Kmoníček đã dựng lên một bức tường trưng bày tranh sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Israel, Thái Lan, Peru, Ấn Độ, vv. Ảnh: Michele Bendal.

Ông có lời khuyên gì cho những người trẻ muốn bước vào ngành ngoại giao không?

Đại sứ Hynek Kmoníček: Ngoại giao là một nghề nghiệp đòi hỏi sự đam mê và sự hy sinh lớn. Trước khi quyết định theo đuổi con đường này, các bạn trẻ cần hiểu rõ về những thách thức mà nghề nghiệp này mang lại.

Cuộc sống của một nhà ngoại giao không chỉ là những chuyến công tác sang trọng và những buổi tiếp xúc cấp cao, mà còn là những tháng ngày xa nhà, phải thích nghi với môi trường sống mới và những thay đổi liên tục.

Việc thường xuyên chuyển nơi ở có thể gây ra nhiều khó khăn cho bản thân và gia đình. Con cái bạn sẽ phải thích nghi với môi trường học tập mới, và bạn đời của bạn cũng phải đối mặt với những thách thức khi hòa nhập vào một nền văn hóa khác.

Đó là lý do tại sao tôi thường ví nghề ngoại giao như một cuộc sống quân đội. Bạn cần có sự chuẩn bị về tâm lý và tinh thần để đối mặt với những thay đổi này.

Bên cạnh đó, các nhà ngoại giao cũng cần chuẩn bị tâm lý để đối mặt với cảm giác cô đơn và nhớ nhà. Sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài, bạn có thể cảm thấy mình như một người khách trong chính đất nước của mình. Tuy nhiên, chính những trải nghiệm đa dạng và phong phú này sẽ giúp bạn trưởng thành và có cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới.

Vì vậy, trước khi quyết định theo đuổi sự nghiệp ngoại giao, bạn cần tự hỏi mình có thực sự sẵn sàng cho một cuộc sống như vậy hay không. Nếu bạn là người thích sự ổn định, thì ngoại giao có thể không phải là lựa chọn phù hợp.

Tuy nhiên, nếu bạn là người đam mê khám phá, thích giao tiếp và muốn đóng góp cho đất nước, thì đây sẽ là một nghề nghiệp thú vị và mang đầy ý nghĩa.

Embassy 1.jpg
Tại một lễ hội ẩm thực quốc tế diễn ra tại Washington DC vào tháng 6/2021, Đại sứ Séc Hynek Kmoníček đã chuẩn bị món ăn dân gian Séc cho khán giả. Ảnh: The Georgetowner.

Tôi đã tình cờ biết được một điều thú vị về Đại sứ khi đọc tiểu sử của ông — ông được biết đến là người đam mê nấu ăn, có sở trường sưu tầm tranh, và thường xuyên tận hưởng các hoạt động văn hóa khác như âm nhạc và phim ảnh. Theo Đại sứ, ngoại giao văn hoá có thể đóng vai trò gì như một cầu nối trong lĩnh vực này?

Đại sứ Hynek Kmoníček: Ngoại giao văn hóa không chỉ là một công cụ ngoại giao mà còn là một cầu nối giữa các nền văn hóa. Việc chia sẻ những sở thích cá nhân, như ẩm thực hay nghệ thuật, giúp tôi dễ dàng kết nối với mọi người ở cấp độ sâu hơn. Nếu bạn là Đại sứ của một cường quốc, bạn sẽ có lý do biện minh cho sự nhàm chán và tính cách quan liêu của mình. Nhưng đối với một quốc gia nhỏ như Cộng hoà Séc, bạn cần một điều gì đó thú vị về mình để xây dựng danh tiếng trong giới ngoại giao.

Tôi lấy ví dụ về kinh nghiệm của mình khi làm đại sứ tại Washington. Việc tôi có thể nấu những món ăn khác nhau, từ ẩm thực Séc đến thịt rắn đã giúp tôi có được sự chú ý trong giới ngoại giao tại Mỹ! Đây là một cách bất ngờ mà tôi đã có thể xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp với các đồng nghiệp và đối tác. Nếu họ thấy bạn thú vị, họ cũng sẽ thấy đất nước của bạn thú vị.

Cuối cùng, ông có thể chia sẻ những điều đọng lại trong sự nghiệp ngoại giao của mình?

Đại sứ Hynek Kmoníček: Tôi hy vọng mình đã mang đến một hơi thở mới cho ngoại giao.

Tôi luôn nghĩ rằng mình làm mọi việc theo cách khác một chút. Nhiều quan chức ngoại giao có xu hướng sống trong một thế giới an toàn, dễ đoán. Vì vậy, họ làm cho mọi thứ trở nên nhàm chán hơn để tránh mọi rủi ro.

Cách tiếp cận của tôi ngược lại! Tôi cố gắng làm cho những quy tắc và thủ tục nhàm chán trở nên thú vị hơn. Nếu đây là cách tôi được nhớ đến, như một người đã làm cho ngành ngoại giao trở nên sống động hơn, thì đó sẽ là những điều mà tôi cảm thấy tự hào và đáng nhớ nhất.