Thị trường châu Âu là một trong những thị trường khắt khe nhất trên thế giới nên khi các sản phẩm Việt Nam tiếp cận được thị trường châu Âu có nghĩa là hoàn toàn có thể tiếp cận được các thị trường khác trên thế giới.
VietNamNet có cuộc gặp gỡ và trao đổi với ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, xung quanh vấn đề hợp tác và phát triển quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Pháp.
Pháp là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam ở châu Âu
- Việt Nam đã tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) hơn 3 năm qua. Pháp có những nhận định, đánh giá thế nào về quá trình Việt Nam tham gia vào thực thi hiệp định này. Ý nghĩa của hiệp định này với quan hệ Việt Nam - Pháp thế nào, thưa ông?
Hiệp định này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn mang ý nghĩa về mặt chính trị. Trong khu vực ASEAN hiện tại chỉ có hai nước, trong đó có Việt Nam, tham gia Hiệp định EVFTA với Liên minh châu Âu (EU). Điều này chứng tỏ EU muốn Việt Nam có vị trí quan trọng trong mối quan hệ giao thương kinh tế với EU, đồng thời Việt Nam cũng có địa chính trị quan trọng với EU.
Nước Pháp từ lâu có mối quan hệ hữu nghị, tin cậy, đối tác với Việt Nam, cùng Việt Nam tích cực tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU. Chúng tôi nghĩ rằng khi tạo điều kiện triển khai hiệp định này nghĩa là tạo điều kiện cho các sản phẩm Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu tốt hơn, sẽ hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng, phát triển nhằm nâng cao đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam.
Khi hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này, Pháp một mặt tăng cường hoạt động quốc tế trong lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, mặt khác hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam nâng cao trình độ của mình.
Như chúng ta biết, châu Âu là một trong những thị trường khắt khe nhất trên nhiều phương diện không chỉ về chất lượng mà còn nhiều tiêu chuẩn liên quan đến xã hội, môi trường. Chính vì vậy, khi các sản phẩm của Việt Nam có thể tiếp cận được thị trường châu Âu có nghĩa là hoàn toàn có thể tiếp cận được các thị trường khác trên thế giới và có thể phát triển các hoạt động kinh tế quốc tế, tăng cường sức mạnh kinh tế của mình.
Vì vậy, khi nói về ý nghĩa của Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam - EU, mọi người hay tập trung vào mặt kinh tế nhưng mặt chính trị cũng có ý nghĩa rất quan trọng.
Hiệp định này thể hiện quan hệ đối tác hai chiều nên cả hai bên đều phải tuân thủ tốt những điều khoản mà mình đã thống nhất đưa ra trong hiệp định. Việc này cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp châu Âu, Pháp tiếp cận dễ dàng hơn nữa vào thị trường Việt Nam.
Trên tinh thần đó, có thể phát triển mối quan hệ hai bên đều cùng có lợi, khuyến khích giao thương hai bên. Tuy nhiên, các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, Pháp có thể khác với các sản phẩm của Pháp xuất khẩu vào thị trường Việt Nam. Sự khác biệt này là ở các chủng loại sản phẩm và đối tượng thụ hưởng các sản phẩm đó ở nhiều cấp độ khác nhau.
Về việc triển khai cụ thể Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU, quá trình triển khai đã được trao đổi thường xuyên, EU là chủ trì. Điều chúng tôi mong muốn trong quá trình triển khai Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU là chúng ta không đưa ra thêm các hàng rào phi thuế quan khác, nghĩa là chúng ta không chỉ tuân thủ theo câu chữ trong hiệp định mà cần tuân thủ theo tinh thần hiệp định giữa hai bên.
Cụ thể, có hai điểm lưu ý về các sản phẩm từ châu Âu vào thị trường Việt Nam là hàng nông sản Pháp vào Việt Nam đặc biệt rau quả và các sản phẩm dược phẩm thế hệ cuối cùng với chất lượng hiện đại nhất. Đối với các sản phẩm này, theo các quy định hiện hành, sẽ có thủ tục phức tạp mang tính kĩ thuật, đòi hỏi nhiều thời gian. Do đó, khi hoàn thành xong sau một thời gian dài, các sản phẩm mới tiếp cận được vào thị trường Việt Nam. Như vậy, người tiêu dùng, bệnh nhân khó được tiếp cận nhanh với các sản phẩm đó. Vì thế, hai bên mong muốn thúc đẩy nhanh được quá trình này, rút ngắn được các thủ tục.
Phía chúng tôi đánh giá cao Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam - EU. Hiệp định đi vào thực thi đem lại lợi ích cho cả hai bên. Phía Pháp và EU sẵn sàng cùng Việt Nam trao đổi, đối thoại mang lại những điều tốt nhất khi tham gia hiệp định này.
Hiện tại, đã có nhiều doanh nghiệp Pháp đến làm ăn tại Việt Nam. Cụ thể, có 230 doanh nghiệp Pháp mở chi nhánh ở Việt Nam, sử dụng 25 nghìn nhân viên tại Việt Nam, quy mô cũng đa dạng. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn của Pháp là những doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất trên thị trường chứng khoán Paris đều hiện diện tại Việt Nam.
Pháp là nhà đầu tư châu Âu lớn số 2 tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam có 2 nhóm lớn. Thứ nhất, những doanh nghiệp sang tham dự vào những dự án lớn triển khai ở Việt Nam, đặc biệt là triển khai cơ sở hạ tầng như dự án tuyến Metro tại Hà Nội với sự tham gia nhiều doanh nghiệp lớn của Pháp. Thứ hai là nhóm thiết kế, lắp ráp, nhập các thiết bị cấu phần nguyên liệu châu Âu vào Việt Nam, lắp ráp tại Việt Nam, cụ thể như doanh nghiệp Decathlon.
Hiệp định EVFTA có tác động tích cực với quan hệ hai nước thể hiện qua con số. Năm 2023, giao thương Pháp - Việt Nam lớn hơn 7 tỷ USD. Điều chúng tôi quan ngại, trong phát triển quan hệ giao thương thì cán cân thặng dư nghiêng mạnh về Việt Nam vì xuất khẩu Việt Nam lớn gấp 5 lần nhập khẩu Việt Nam trong quan hệ giao thương với Pháp.
Đương nhiên chúng tôi luôn ủng hộ Việt Nam tiếp tục tăng cường xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Pháp nhưng đồng thời mong muốn những sản phẩm xuất khẩu của Pháp được tăng cường mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.
Chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn để các sản phẩm của Pháp xuất khẩu vào Việt Nam. Chúng tôi hướng đến phát triển những thị trường đã có vị trí nhất định ở Việt Nam như các sản phẩm từ công nghiệp thực phẩm cũng như hướng tới những lĩnh vực có hàm lượng sáng tạo cao, giảm phát thải carbon. Các sản phẩm, dịch vụ của Pháp nổi tiếng trên thế giới có chất lượng vì vậy có sức hấp dẫn với các tầng lớp trung lưu của quốc tế. Đó là cơ hội để Pháp tiếp tục phát huy những sản phẩm mang tính sáng tạo, đổi mới cao.
Chúng tôi đang đồng hành với hai doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Cụ thể là Vinfast và FPT Software đã đầu tư vào Pháp thời gian dài, có quan hệ với các doanh nghiệp Pháp. Chúng tôi mong muốn tiếp tục cùng đồng hành với hai doanh nghiệp này đầu tư tại Pháp.
Cách đây không lâu, chúng tôi đã làm việc với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương ký kết bản MOU thống nhất hai bên tổ chức các đoàn khảo sát theo hai chiều. Chúng tôi cũng đã có cuộc làm việc với Bộ Công Thương đề cập đến lĩnh vực rất lớn là lĩnh vực hàng hải.
Trong lĩnh vực hàng hải, có nhiều cơ hội để hợp tác, không chỉ để hiểu hơn hệ thống cảng biển để làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa qua đường biển mà đồng thời lĩnh vực hàng hải, cảng biển là cơ hội lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng.
Cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam
- Ông nhìn nhận thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay? Đâu là những thuận lợi, khó khăn khi doanh nghiệp Pháp tham gia hoạt động, đầu tư ở Việt Nam?
Môi trường đầu tư là vấn đề hết sức quan trọng. Nhiệm vụ đầu tiên của Cơ quan Business France là xúc tiến thương mại làm sao để các doanh nghiệp của mình xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước nhiều nhưng bước tiếp theo ngoài việc xuất khẩu sản phẩm cũng tiến tới đầu tư vào các nước đối tác.
Chúng ta có lĩnh vực ưu tiên do lãnh đạo cấp cao của hai nước đưa ra. Cụ thể, Thủ tướng Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Pháp năm 2021 cũng đã có những thống nhất với phía Pháp đưa ra những lĩnh vực ưu tiên cho khuyến khích thương mại đầu tư giữa hai nước. Gần đây, trong cuộc điện đàm vào tháng 10 năm ngoái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Pháp cũng đã đưa ra những định hướng ưu tiên trong quan hệ hợp tác trong đó có hoạt động kinh tế.
Trên tinh thần đó, chúng tôi mong muốn phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác Pháp - Việt Nam trên 3 lĩnh vực tới đây:
Thứ nhất, tăng cường chủ quyền Việt Nam trên tất cả lĩnh vực bao gồm lĩnh vực liên quan an ninh quốc phòng, mặc dù chúng ta hiểu rằng đây là những lĩnh vực phức tạp.
Thứ hai, Pháp mong muốn đồng hành cùng Việt Nam, cùng nhau giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu tác động và thích ứng biến đổi khí hậu.
Những trục ưu tiên đó đã được xác định từ nhiều năm nay liên quan đến giao thông bền vững, giảm phát thải carbon, quá trình chuyển dịch năng lượng hay nông nghiệp phát triển bền vững.
Thứ ba, lĩnh vực quan hệ đối tác liên quan đến đổi mới. Chúng ta đã có nhiều dự án liên quan đến năng lượng, giao thông và trong lĩnh vực này EU, Pháp là một trong những đối tác mạnh mẽ cụ thể là hàng không, rồi tương lai là vũ trụ.
Thông qua mạng lưới của Cơ quan Business France cũng như sứ quán Pháp tại Việt Nam, chúng tôi giúp các doanh nghiệp Pháp hiểu rõ hơn Việt Nam trong nhiều lĩnh vực mà đặc biệt là y tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam hết sức quan trọng vì chúng tôi không chỉ mong muốn giới thiệu các doanh nghiệp Pháp biết đến Việt Nam mà để họ thấy được Việt Nam là thị trường hấp dẫn và quyết định sang đầu tư làm ăn tại Việt Nam.
Để làm được việc đó có 3 điều quan trọng:
Một là, cần triển khai đầy đủ nghiêm túc các điều khoản của Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU.
Hai là, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ. Việt Nam đã có khung pháp luật chặt chẽ tuy nhiên quan trọng là vận dụng hiệu quả khung pháp luật đó.
Ba là, tạo điều kiện quá trình nhập cảnh với nhân sự chất lượng cao mà doanh nghiệp Pháp mong muốn thuận lợi hơn, cụ thể là vấn đề thị thực cũng như giấy phép lao động hiện tại vẫn còn phức tạp đối với doanh nghiệp Pháp muốn có nhân sự sang thị trường Việt Nam lao động và công tác.
Chúng tôi mong muốn thời gian tới các khung pháp lý rõ ràng và có tính dự đoán tốt hơn, góp phần tạo sự ổn định cho môi trường đầu tư.
- Phát triển bền vững là trọng tâm ưu tiên của Pháp cũng như Liên minh châu Âu. Ông có thể cho biết tình hình hợp tác giữa Việt Nam - Pháp trong vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường và tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp và chính phủ hai nước trong lĩnh vực này ra sao, thưa ông?
Phát triển bền vững là trục ưu tiên trong quan hệ giữa hai nước vì cả hai phía Pháp và Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực này kể cả việc thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu những tác động khí hậu hay rộng hơn là bảo vệ đa dạng sinh học.
Tôi tập trung vào vấn đề làm sao giảm tác động biến đổi khí hậu của trái đất nóng lên và chuyển đổi năng lượng, mặc dù đây không phải là lĩnh vực duy nhất trong quan hệ đối tác trên nhiều khía cạnh phát triển bền vững giữa Việt Nam - Pháp.
Phía Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Cụ thể, phát thải đạt mức cao nhất năm 2030; trong những năm 2040, giảm thiểu sản xuất năng lượng từ than, đến năm 2050, đạt phát thải ròng carbon bằng 0.
Những cam kết đó đã được Thủ tướng Việt Nam nêu ra tại COP26, sau đó được bổ sung trong COP28 tại Dubai. Bên lề COP28 tại Dubai, Thủ tướng Việt Nam đã tiếp xúc với Thủ tướng Pháp và đề cập đến việc Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, đặc biệt hỗ trợ thúc đẩy nhanh quá trình giảm phát thải carbon.
Vì vậy, chúng tôi tham gia tích cực việc triển khai cam kết hơn 500 triệu euro thực hiện trong 5 năm tới thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Đây là đơn vị triển khai hơn 2 tỷ euro cho các dự án tại thị thường Việt Nam. Những khoản đầu tư này để hỗ trợ cho các cơ quan công quyền Việt Nam phát triển nền tảng công ích. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp tư nhân phát triển tốt hơn.
AFD cũng có quan hệ tốt với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Sự hợp tác thể hiện qua các hoạt động sản xuất như dự án mở rộng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình với việc triển khai thêm 2 tổ máy mới trong thời gian tới. Hay hỗ trợ dự án thuỷ điện tích năng Bắc Ái (Ninh Thuận) nhằm sản xuất điện hiệu quả hơn. Ngoài ra, AFD còn ký hợp tác với EVN trong việc nâng cấp các đường truyền tải điện Bắc Nam tốt hơn.
Chung quy lại, chúng tôi mong muốn trên 2 trục chính. Thứ nhất, thông qua hỗ trợ và đầu tư công để Việt Nam phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng. Thứ hai, khuyến khích doanh nghiệp Pháp đầu tư hiện diện nhiều hơn nữa ở Việt Nam.
Việt Nam cần chuyển sang mô hình phát triển kinh tế cao hơn
- Với những kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội nước Pháp, Đại sứ có thể nêu những gợi ý giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn và xin ông chia sẻ những kế hoạch hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Pháp trong tương lai?
Trong hơn 30 năm qua, Việt Nam đã có quyết tâm hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng thông qua tiến trình đổi mới. Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam tương đương GDP, điều đó cho thấy độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Do đó, Việt Nam không cách nào khác là phải vận động theo tiến trình chung của thế giới.
Tuy nhiên, nền kinh tế và xã hội Việt Nam cũng đang gặp nhiều thách thức mới như dân số đang già đi, những bệnh mới nổi, khó khăn y tế, những nhu cầu mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Trong bối cảnh như vậy, đương nhiên chi phí lao động Việt Nam ngày càng tăng lên. Vì vậy, Việt Nam không thể chỉ mãi dựa vào lao động giá hấp dẫn nữa mà cần phải chuyển sang mô hình phát triển kinh tế cao hơn mà trong đó hàm lượng giá trị gia tăng được tăng lên. Như vậy, tính linh hoạt thích ứng của nền kinh tế Việt Nam phải rất cao.
Pháp sẵn sàng đồng hành tạo tính linh hoạt đó cho quá trình phát triển kinh tế Việt Nam. Pháp sẵn sàng đồng hành trên phương diện đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho Việt Nam, có trình độ đáp ứng nhu cầu thời cuộc. Điều đó thể hiện qua nhiều dự án mà Pháp đã và đang triển khai tại Việt Nam, các du học sinh Việt Nam sang Pháp du học. Với tinh thần như vậy, chúng tôi mong muốn môi trường đầu tư Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Pháp đến chia sẻ những đổi mới cho phát triển kinh tế Việt Nam.
Quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam là quan hệ động, dựa trên những nhu cầu tất yếu của Việt Nam. Tất cả mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hoá… đều dựa trên nền tảng quan hệ giữa con người Pháp và người Việt Nam.
Một trong những thành công quan hệ giữa hai nước 30 năm qua là dựa trên sự giao lưu nhân dân rất tốt giữa hai phía. Trong suốt 30 năm qua, nhiều dự án hợp tác đại học giữa hai nước hay triển khai các chương trình song bằng Pháp - Việt giữa hai nước, khuyến khích du học sinh Việt Nam sang Pháp du học. Dễ nhận thấy Pháp đã có bước tiến lớn so với các đối tác nước ngoài khác tại Việt Nam.
Chúng tôi mong muốn những di sản đó cần được phát huy trong thời gian tới, cụ thể, phát huy tiếp 60 chương trình song bằng triển khai tại các trường đại học Việt Nam, 3 chương trình đào tạo lớn ở các bậc đại học và sau đại học. Hiện tại, có khoảng 7.000 du học sinh Việt Nam sang Pháp và hi vọng số lượng du học sinh Việt Nam du học ở Pháp sẽ tiếp tục tăng lên.
Lĩnh vực y tế cũng rất quan trọng, thể hiện chặt chẽ quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Pháp. Hiện có khoảng 3.000 bác sĩ Việt Nam được đào tạo qua các chương trình của Pháp. Pháp vẫn tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam đáp ứng được các nhu cầu phát triển trong lĩnh vực này.
Chính trên nền tảng quan hệ giữa con người và con người mà chúng ta có được đã tạo niềm tin với nhau, mong muốn được làm việc cùng nhau. Đó là thành quả hợp tác của hai nước từ quá khứ đến hiện tại và hi vọng được phát huy trong thời gian tới.
Thông điệp cuối cùng tôi muốn nói với các doanh nghiệp Việt Nam là hãy lựa chọn và đến đầu tư tại Pháp.
Tổng Giám đốc Cơ quan Business France tại Việt Nam - ông Laurent Saint-Martin:
Business France là cơ quan hành chính công có nhiệm vụ thúc đẩy quốc tế hóa các hoạt động kinh tế Pháp. Business France hỗ trợ cho các doanh nghiệp Pháp phát triển hoặc xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, đồng thời nghiên cứu thị trường và tiếp đón đầu tư quốc tế đến Pháp. Business France có văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh, đặt trong khuôn viên của Tổng lãnh sự quán và văn phòng tại Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội.
Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi có văn phòng ở Hà Nội vì bản chất quan hệ giao thương của Việt Nam - Pháp rất tốt đẹp. Tiềm năng để phát triển rất lớn, cụ thể, chúng ta đạt được gần 8 tỷ đô la giao thương hai chiều giữa hai nước.
Đối với Business France, chúng tôi đồng hành với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn mà chúng tôi gọi bằng thuật ngữ những doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có thể xuất khẩu vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, để họ có thể đa dạng các hoạt động khác nữa như đặt trụ sở phát triển doanh nghiệp Việt Nam thì chúng tôi cần sự hỗ trợ của các đối tác khác như các văn phòng luật sư của Pháp đang có mặt tại Việt Nam hỗ trợ mặt pháp lý.
Cách đây 2 năm, chúng tôi đưa ra chiến lược đầu tư cụ thể năm 2023 với ngân sách 54 tỷ euro hướng tới phát triển những công nghệ mới, đột phá, trong đó bao gồm nhiều lĩnh vực.
Pháp đang đi vào quá trình tái công nghiệp hoá với mong muốn nền công nghiệp Pháp trong tương lai mang tính đổi mới cao hơn, tính phát thải carbon giảm xuống thấp nhất và thuận lợi trong quá trình xuất khẩu trên cơ sở đáp ứng nhu cầu của các nước đối tác, trong đó có Việt Nam.
Đối tác Việt Nam hết sức tiềm năng, có thị trường lớn hơn 100 triệu dân. Người tiêu dùng Việt Nam ưa thích các sản phẩm Pháp trong bối cảnh là tầng lớp trung lưu Việt Nam ngày càng lớn lên.
Nền kinh tế Pháp có tính kháng cự rất cao, thể hiện qua việc các doanh nghiệp đã trải qua được nhiều cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid hay khủng hoảng liên quan đến lạm phát do cuộc chiến Nga với Ukraine.
Pháp có những lĩnh vực ưu tiên trong quá trình thu hút đầu tư. Thứ nhất, những hoạt động góp phần vào việc giảm phát thải carbon trong quá trình sản xuất. Thứ hai, tham gia vào chuỗi giá trị hướng tới tương lai như sản xuất ắc quy xe điện hay trong lĩnh vực bán dẫn.