Tại, hội thảo "Huy động truyền thông trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể" do UNESCO Hà Nội, Cục Di sản văn hóa và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 18/12 tại Hà Nội, tiến sĩ Frank Proschan, cựu cán bộ chương trình cao cấp của UNESCO, cố vấn của UNESCO về Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể năm 2003, học giả Fullbirght 2019 - 2020 có chia sẻ và được dịch lại: Công ước năm 2003, di sản văn hóa phi vật thể chỉ được sở hữu, công nhận bởi cộng đồng, nhóm cá nhân và một số trường hợp là các cá nhân. Như thế có nghĩa là không có di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia hay của nhân loại mà chỉ có di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng tại một quốc gia nào đó.
Thày Then đang thực hiện nghi lễ. Ảnh: Hồ sơ đệ trình UNESCO (Ảnh: Cao Quý) |
Tiến sĩ Frank Proschan cũng cho rằng, Công ước 2003 cũng bác bỏ việc xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể nên không có khái niệm xếp hạng di sản theo cấp tỉnh, cấp quốc gia hay cấp thế giới.
Tuy nhiên, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều văn bản của cơ quan quản lý nhà nước, của chuyên gia, nhà nghiên cứu thường chuyển tải sai là UNESCO vinh danh, công nhận di sản văn hóa phi vật thể nào đó là của thế giới, của nhân loại. Đây là cách hiểu lầm tai hại. Nếu hiểu như thế, quốc gia, nhân loại có quyền can thiệp, thậm chí can thiệp quá sâu, làm ảnh hưởng đến quyền của cộng đồng sở hữu di sản, thậm chí làm di sản trở nên méo mó.
Chia sẻ của tiến sĩ Frank Proschan đã khiến nhiều người dậy sóng bởi lâu nay, những di sản phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh vẫn được nước nhà vinh dự, tự hào là di sản phi vật thể đại diện nhân loại.
Ông Phạm Sanh Châu, nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Tổ chức UNESCO chia sẻ: "Với tư cách nguyên là Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Tổ chức UNESCO giai đoạn 2000-2003, là người trực tiếp tham gia thảo luận và thông qua Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hoá Phi Vật thể của UNESCO tháng 10/2003, là người tham gia xây dựng và bảo vệ rất nhiều hồ sơ di sản phi vật thể của Việt Nam, tôi xin trân trọng khẳng định rằng bằng việc xem xét, thảo luận, thậm chí bỏ phiếu để thông qua từng Nghị quyết ghi danh vào Danh sách Di sản vật thể đại diện của nhân loại, một di sản phi vật thể của một cộng đồng do một Quốc gia thành viên Công ước 2003 đệ trình, UNESCO đã chính thức vinh danh di sản đó ở phạm vi toàn cầu.
Hành động mà sau khi gõ búa thông qua Nghị quyết, Chủ tịch phiên họp chúc mừng, cả hội trường vỗ tay, các đoàn lần lượt đến chúc mừng và tất cả truyền hình trực tiếp cho thế giới biết được gọi là vinh danh. Giống như lễ trao giải Oscar tuy không hoành tráng bằng và Ban Giám khảo ở đây là một Uỷ ban gồm 24 Quốc gia được bầu chọn rất cạnh tranh".
Tình Lê