Khi ông Grenell sắp rời ghế đại sứ, Andres Nick, một nghị sĩ đang giữ chức trưởng đoàn đại biểu Đức tại Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) đã đăng đàn Twitter công kích di sản của nhà ngoại giao Mỹ.
Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell (trái) đấu khẩu với nghị sĩ Đức Andres Nick. Ảnh: NBC, DW |
Ông Nick viết, suốt nhiều thập kỷ qua, các đặc phái viên Mỹ trước đây luôn kết thúc nhiệm kỳ của mình như "một nhân vật rất đáng kính trọng và một người bạn đáng tin cậy của Đức". Song, ông Grenell là người duy nhất ra đi khi vẫn "đưa ra nhiều lời đe dọa cứ như ông ta đại diện cho một thế lực thù địch".
Đại sứ Grenell đã ngay lập tức phản pháo rằng, Berlin chỉ muốn ông ngừng công khai yêu cầu người Đức phải đóng góp theo đúng nghĩa vụ cho tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như ngưng kêu gọi chấm dứt dự án Dòng chảy phương Bắc 2, một đường ống của Nga mang khí đốt tự nhiên tới châu Âu, bao gồm cả Đức.
"Đây là những chính sách của Mỹ. Và tôi làm việc cho dân tộc Mỹ", ông Grenell nhấn mạnh.
Theo báo RT, ông Grenell, đại sứ do Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm, có mối quan hệ "sóng gió" với Đức ngay từ khi mới nhậm chức. Vị đại sứ này đã nhiều lần lên tiếng khuyến cáo Berlin về hàng loạt các vấn đề chính sách, từ thương mại giữa Đức với Iran, quan hệ với Nga hoặc việc Đức chưa đóng góp đủ cho ngân sách NATO. Ông cũng dính líu đến nhiều tranh cãi khác, chẳng hạn như công khai kêu gọi "trao quyền cho những người bảo thủ của châu Âu".
Ông Grenell mới đây đã lên tiếng xác nhận việc mình xin từ chức. Nhà ngoại giao này dường như quyết định giữ thái độ cứng rắn tới tận lúc ra đi. Tuần trước, khi Washington thông báo quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (hiệp ước kiểm soát vũ khí quốc tế được ký kết từ năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002), khiến Berlin lo lắng, ông Grenell một lần nữa lên án các quan chức Đức đã "than phiền về Mỹ". Ông khuyên họ nên gây áp lực với Nga.
Tuấn Anh