Đại sứ đã đến Hà Nội vào tháng 5 năm 2024 để bắt đầu nhiệm kỳ của mình. Trong những tháng đầu tiên ở Việt Nam, ông đã có những ấn tượng gì về đất nước này?
Đại sứ Korhan Kemik: Ngay từ những ngày đầu đặt chân đến Việt Nam, tôi đã cảm nhận được sự ấm áp, mến khách của người dân nơi đây. Cả chính phủ và người dân Việt Nam đã dành cho tôi một sự chào đón nồng hậu, điều mà tôi vô cùng trân trọng.
Việt Nam đã chinh phục tôi bởi sự đa dạng và vẻ đẹp phong phú của nó. Đặc biệt, Hà Nội đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Khi dạo bước trên những con phố Hà Nội, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp sự kết hợp hài hòa giữa nét cổ kính và hiện đại. Những khu chợ truyền thống, những ngôi nhà cổ kính vẫn tồn tại song hành cùng những tòa nhà cao tầng, những trung tâm thương mại sầm uất. Chính sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại đã tạo nên nét quyến rũ riêng biệt cho Hà Nội.
Ở góc độ cá nhân, tôi thấy lịch sử Việt Nam vô cùng thú vị và có sức lay động mạnh mẽ. Dấu ấn lịch sử hiện hữu khắp nơi, từ bảo tàng, di tích văn hóa đến những câu chuyện đời thường của người dân. Chính di sản này đã hun đúc nên tinh thần kiên cường, bất khuất của người Việt Nam.
Hơn nữa, Việt Nam là một đất nước vô cùng hiếu khách, luôn chào đón du khách từ khắp thế giới với vòng tay rộng mở.
Hợp tác công nghệ và đổi mới sáng tạo
Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các đối tác, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội hợp tác để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam?
Đại sứ Korhan Kemik: Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chúng tôi đã là thành viên của Liên minh Hải quan của Liên minh Châu Âu từ năm 1995 và thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) từ năm 1961.
Điều đó giúp chúng tôi xây dựng được nền tảng sản xuất vững mạnh, từ đó có vai trò quan trọng thúc đẩy nền thương mại và phát triển trên toàn cầu. Chính nền tảng này đã tạo ra nhiều cơ hội Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực thương mại song phương, cơ sở hạ tầng và sản xuất.
Hai quốc gia chúng ta cũng có tiềm tiềm năng hợp tác to lớn trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thổ Nhĩ Kỳ đang sở hữu một hệ sinh thái công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ, và những nỗ lực của Việt Nam trở thành nền kinh tế số tạo ra sự kết nối rất phù hợp giữa hai quốc gia.
Cả hai nước chúng ta có thể cùng nhau phát triển các mối quan hệ hợp tác đổi mới sáng tạo, đặc biệt lĩnh vực sản xuất thông minh và công nghệ thông tin.
Nông nghiệp là một lĩnh vực nữa cũng đầy triển vọng. Thổ Nhĩ Kỳ được biết đến với ngành công nghiệp chế biến thực phẩm hàng đầu thế giới. Chúng ta có thể hỗ trợ lẫn nhau bằng cách tích hợp chuỗi cung ứng nông nghiệp giữa hai quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến hải sản và trái cây.
Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất khẩu nhiều loại sản phẩm nông nghiệp chế biến, chẳng hạn như trái cây sấy khô, rau củ quả, nho khô, dầu ô liu và các loại hạt. Bên cạnh đó, kinh nghiệm và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ có thể hỗ trợ nhiều cho ngành nông nghiệp của Việt Nam.
Theo Đại sứ, các ngành công nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ có thể hợp tác và tận dụng lợi thế như thế nào từ vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
Đại sứ Korhan Kemik: Với vị trí địa lý thuận lợi tại Đông Nam Á, nguồn nhân lực dồi dào và một thị trường nội địa đang tăng trưởng nhanh, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu những công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm dày dặn trong các lĩnh vực như bao bì, ô tô, dệt may và hàng tiêu dùng.
Đây chính là những lĩnh vực mà hai nước có thể cùng nhau phát triển và tạo ra những giá trị gia tăng lớn, thiết lập các nhà máy sản xuất linh kiện ô tô, hợp tác trong thiết kế và sản xuất các sản phẩm dệt may cao cấp, phát triển các giải pháp đóng gói thông minh.
Bên cạnh đó, chúng ta còn nhận thấy nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo, hậu cần và công nghệ thông tin.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, việc hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng chung.
Bằng cách xây dựng các chuỗi cung ứng đa dạng và linh hoạt hơn, tìm kiếm các nguồn cung ứng thay thế và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng thương mại.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt lĩnh vực quốc phòng và hàng không vũ trụ. Đại sứ có thấy tiềm năng hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam trong các lĩnh vực này không, đặc biệt trong chuyển giao công nghệ, sản xuất chung hoặc nghiên cứu và phát triển?
Đại sứ Korhan Kemik: Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được những thành tựu đáng kể trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và quốc phòng, có tiềm năng hợp tác đáng kể giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực như mua sắm và chuyển giao công nghệ. Cả hai quốc gia đều đang trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng trong các lĩnh vực này và thế mạnh bổ sung của họ mang đến nhiều cơ hội cho quan hệ đối tác.
Những tiến bộ của Thổ Nhĩ Kỳ trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, bao gồm ô tô, hàng không vũ trụ, điện tử và công nghệ kỹ thuật số, tạo ra nền tảng vững chắc cho sự hợp tác công nghệ và liên doanh với Việt Nam. Chuyên môn của Thổ Nhĩ Kỳ trong sản xuất tiên tiến, robot và các công nghệ khác có thể đặc biệt có giá trị đối với Việt Nam khi nước này tìm cách củng cố cơ sở công nghiệp và mở rộng năng lực công nghệ của mình.
Hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng đóng vai trò quan trọng. Các trường đại học và viện nghiên cứu của hai nước có thể hợp tác thực hiện các dự án nghiên cứu về công nghệ vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo và những công nghệ tiên tiến khác.
Việc thành lập các trung tâm nghiên cứu chung sẽ tạo điều kiện thuận lợi trao đổi nhân tài, chia sẻ kiến thức và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Sau các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cuối tháng 11 năm ngoái, hai nước đã nhất trí nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược và đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 4 tỷ USD. Kể từ đó, ngài có thấy thêm những bước tiến triển nào chưa?
Đại sứ Korhan Kemik: Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đang phát triển rất tích cực và chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam vào tháng 11 năm 2023 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Sau chuyến thăm, cả hai bên đã chứng kiến nhiều diễn biến tích cực, đặc biệt là trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại và đầu tư.
Một trong những dấu ấn đáng chú ý nhất là sự ra đời của Phòng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam (Turkcham) vào tháng 9 năm nay. Phòng Thương mại này sẽ đóng vai trò cầu nối quan trọng, kết nối các doanh nghiệp của hai nước và thúc đẩy hợp tác kinh tế hiệu quả hơn.
Về thương mại, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Với cam kết mạnh mẽ từ cả hai chính phủ, cùng với vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng phát triển lớn của Việt Nam, tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại đã đề ra. Các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, công nghệ, năng lượng và nông nghiệp đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầy hứa hẹn.
Điểm đến cho doanh nghiệp Việt
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam từ Trung Đông, với tổng vốn đăng ký gần 1 tỷ đô la vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, dòng vốn FDI chủ yếu chảy vào Việt Nam. Đại sứ có thấy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ?
Đại sứ Korhan Kemik: Chúng tôi sẽ hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ mang đến cơ hội có giá trị cho các nhà đầu tư nước ngoài do vị trí chiến lược, năng lực thương mại mạnh mẽ, cơ sở sản xuất vững chắc và khả năng tiếp cận các khu vực lân cận.
Vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở ngã tư của Châu Âu, Châu Á, Trung Đông và Châu Phi sẽ giúp các nhà đầu tư không chỉ bước vào thị trường 80 triệu người của chúng tôi, mà còn tiếp cận được thị trường rộng lớn với hơn 1,5 tỷ người chỉ trong thời gian bay từ 4 tiếng trở xuống.
Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh trong các lĩnh vực nông sản, thủy sản, dệt may và đồ gỗ có thể tìm thấy nhiều cơ hội hợp tác tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ có nhu cầu lớn về các sản phẩm nông sản chất lượng cao, trong khi ngành dệt may của nước này lại có nhu cầu về nguyên liệu thô.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra các ưu đãi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, công nghệ, năng lượng tái tạo và hậu cần.
Tóm lại, sự kết hợp giữa vị trí chiến lược, sức mạnh công nghiệp, năng lực thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ và các ưu đãi đầu tư hấp dẫn khiến nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng phạm vi hoạt động toàn cầu.
Cơ hội hợp tác cơ sở hạ tầng
Một trong những dấu hiệu quan trọng nhất về quan hệ đối tác kinh tế ngày càng sâu sắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam là việc xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành gần Thành phố Hồ Chí Minh, dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của Việt Nam cho đến nay. Theo ông, việc hoàn thành dự án này có thể mở ra nhiều cơ hội hợp tác ra sao, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng?
Đại sứ Korhan Kemik: Dự án Sân bay quốc tế Long Thành thực sự là một dự án rất có ý nghĩa và sẽ là minh chứng rõ nét cho năng lực và uy tín của các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Các công ty xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm IC Ictas, đã chứng minh được khả năng quản lý các dự án phức tạp, kết hợp đổi mới công nghệ với quản lý dự án hiệu quả. Điều này không chỉ thể hiện qua tiến độ vượt trội của dự án sân bay Long Thành mà còn qua nhiều dự án thành công khác trên toàn cầu.
Việc hoàn thành thành công dự án này sẽ không chỉ củng cố niềm tin của Việt Nam vào năng lực của các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ mà còn mở ra những cơ hội hợp tác mới đầy triển vọng.
Việt Nam đang có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ vào phát triển hạ tầng, bao gồm cả các dự án giao thông, năng lượng và đô thị. Với kinh nghiệm và uy tín đã được khẳng định qua dự án sân bay Long Thành, tôi hy vọng các công ty Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn trong việc tham gia các dự án trong tương lai.
Theo Đại sứ, có thể làm gì để thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước chúng ta?
Đại sứ Korhan Kemik: Hai quốc gia chúng ta nổi tiếng thế giới vì cảnh quan đẹp, di sản văn hóa phong phú và các thành phố sôi động. Chúng tôi có những bãi biển xanh và đẹp trải dọc biển Địa Trung Hải, ẩm thực ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ, nền ẩm thực đa dạng với hương vị đặc trưng của từng vùng miền, Istanbul nơi giao thoa giữa phương Đông và phương Tây hay những cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng thế giới tại Cappadocia nơi bạn có thể trải nghiệm bằng khinh khí cầu.
Tương tự, Việt Nam có thiên nhiên hùng vĩ ở vùng Tây Bắc, những di sản văn hóa thế giới, và nền ẩm thực đa dạng, cùng với sự thân thiện của người dân.
Chúng ta có thể hợp tác nhiều hơn để quảng bá đất nước mình như những điểm đến du lịch hấp dẫn, thông qua nhiều cách khác nhau như: các chiến dịch tiếp thị chung, các sự kiện văn hóa trao đổi, và các chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Chẳng hạn, chúng ta có thể tổ chức các tuần lễ văn hóa ẩm thực, các cuộc thi nấu ăn hoặc các sự kiện nghệ thuật để giới thiệu ẩm thực và văn hóa độc đáo của hai nước đến với công chúng.
Ngoài ra, việc tăng cường liên kết hàng không và nâng cao nhận thức về các chuyến bay thẳng giữa hai nước có thể khuyến khích nhiều người lựa chọn Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam làm điểm đến du lịch, thay vì chỉ là điểm trung chuyển.
Tôi tin rằng, với những nỗ lực chung của cả hai bên, du lịch sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.