- Vào tháng 3/2015, Công ty CP Thương mại Quốc tế Bảo Long Đức Từ Thiện (trụ sở tại Hà Nội) đã vào Vĩnh Long ngỏ lời hợp tác với tôi để phân phối hàng hóa của Công ty. Hợp tác vẫn bình thường theo đúng chiết khấu được thỏa thuận từ trước. Cho đến tháng 6/2015, Công ty thông báo bị lỗ và 2 lần gửi đơn xin trả chậm các khoản chiết khấu. Chúng tôi rất thông cảm nên để đến hôm nay, nhưng tới bây giờ, công ty đã ko giữ liên lạc với tôi bằng mọi hình thức, và không có ý định thanh toán chiết khấu cho tôi và hệ thống Đại lý bên dưới của tôi, với tổng số tiền khoảng 500 triệu đồng.
TIN BÀI KHÁC
Luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp này để đòi được chiết khấu đại lí, tôi có thể nhờ đến cơ quan nhà nước nào? Có điều luật nào giúp tôi được không? Nếu không tôi có thể kiện đối tác ra tòa không? Hiện giờ tôi không có điều kiện để ra Hà Nội giải quyết, tôi có thể gửi đơn ở đâu? Kính mong luật sư giúp đỡ.
Tôi phải làm gì để đòi được chiết khấu đại lí? (Ảnh minh họa) |
Nội dung bạn đọc truong giang le [email protected] hỏi, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời.
Thứ nhất, căn cứ theo quy định tại khoản 3 điều 173 và khoản 5 điều 174 Luật thương mại 2005 thì công ty phân phối hàng hóa- bên giao đại lý có nghĩa vụ phải thanh toán thù lao và các chi phí hợp lý cho đại lý. Điều 173. Nghĩa vụ của bên giao đại lý
“Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại lý có các nghĩa vụ sau đây:
3. Trả thù lao và các chi phí hợp lý khác cho bên đại lý;”
Điều 174. Quyền của bên đại lý
“Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên đại lý có các quyền sau đây:
5. Hưởng thù lao, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do hoạt động đại lý mang lại.”
Thứ hai, đây là hợp đồng dân sự, nên pháp luật trước hết tôn trọng thỏa thuận của hai bên, nếu trong hợp đồng có quy định về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thì cơ quan đó sẽ có thẩm quyền giải quyết vấn đề trên. Nếu trong trường hợp hợp đồng không quy định về thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào thì tranh chấp mà hai bên không thể tự thương lượng, hòa giải thì có thể chọn hai hình thức giải quyết là trọng tài thương mại hoặc Tòa án theo quy định tại điều 317 Luật thương mại 2005.
Điều 317. Hình thức giải quyết tranh chấp
“1. Thương lượng giữa các bên.
2. Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.
3. Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.
Thủ tục giải quyết tranh chấp trong thương mại tại Trọng tài, Toà án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của Trọng tài, Toà án do pháp luật quy định.”
Trường hợp của bạn có thể gửi đơn đến Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 29 và điểm b khoản 1 điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự 2004. Cụ thể ở đây là tòa án cấp huyện nơi công ty đối tác đặt trụ sở chính, hoặc nếu trong trường hợp có thỏa thuận thì có thể giải quyết tranh chấp tại tòa án nơi công ty bạn đặt trụ sở chính theo quy định tại khoản 1 điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2004.
Điều 29. Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
“1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm:
d) Đại diện, đại lý;”
“Điều 33. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
1. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 29 của Bộ luật này;”
Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ.
“1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;
Nếu trong trường hợp bạn không thể tham gia tố tụng tại Tòa án ở Hà Nội thì bạn có thể ủy quyền cho văn phòng luật sư hỗ trợ thực hiện việc giải quyết tranh chấp.