Hàng năm, những người theo đạo Hồi sẽ nhịn ăn, nhịn uống để thể hiện sự sám hối, để tha thứ và thanh tẩy tâm hồn. Đây là một trong những thánh lễ quan trọng nhất, lớn nhất, thiêng liêng nhất, là một trong năm nghĩa vụ của một tín đồ khi thể hiện đức tin của mình với thánh Allah và tiên tri Mohammed.
Theo truyền thống, tháng Ramadan là tháng thứ chín theo lịch âm của người Hồi giáo. Người Hồi giáo trưởng thành và khỏe mạnh sẽ phải nhịn ăn từ sáng cho đến tối trong khoảng thời gian này. Trong suốt một tháng lễ, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc... nghĩa là không được đưa bất kể thứ gì vào miệng, nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày – cụ thể là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn mà thôi.
Trong tháng lễ linh thiêng này, các tín đồ Hồi giáo sẽ thức dậy từ sớm để ăn một bữa trước bình minh gọi là suhoor, và sau khi mặt trời lặn, họ sẽ ăn một bữa tối “xả chay” được gọi là iftar, kết thúc quá trình chay tịnh trong ngày.
Thông thường, các nhà thờ Hồi giáo hay tổ chức các bữa iftar lớn, đặc biệt dành cho những người nghèo khó. Sau iftar, họ sẽ cùng tập trung tại các nhà thờ này và đọc lời cầu nguyện của đạo Hồi. Các nền văn hóa khác nhau có truyền thống khác nhau trong tháng Ramadan, có nơi sẽ phải nấu một số món đặc biệt, có nơi thì người Hồi giáo sẽ cùng nhau ăn iftar với cả đại gia đình của mình.
Vào ngày 01 Sauval tháng 10 Hồi lịch, người Muslim trên toàn thế giới bước vào mùa Hành hương (Haji) đến thánh địa Mecca để thực hiện tín điều thứ năm của tôn giáo Islam.
Sau khi chu toàn nghĩa vụ thiêng liêng cuối cùng trong năm, cộng đồng Muslim hân hoan tổ chức Đại lễ Raya Idil Adha (Lễ đón chào năm mới theo Hồi lịch), được xác định từ ngày 10 đến ngày 13 Zulhijjah tháng 12 Hồi lịch.
Đại lễ Raya Idil Adha là một trong hai kỳ lễ quan trọng nhất trong năm của người tín đồ Hồi giáo Islam và được xem như là Tết Nguyên đán của người Muslim trên thế giới.
Theo đó, đây là lễ kỷ niệm của người Muslim tuân lệnh Đức ALLAH hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với Thượng đế và họ được Đức ALLAH ban cho vô vàn ân huệ, hồng phúc, nên mỗi Idil là một ngày Tạ ơn Đức ALLAH. Trong những ngày này, mọi tín đồ Islam tập hợp lại trong bầu không khí vui tươi với tình nghĩa huynh đệ Muslim, dâng lên kỳ hành lễ để tỏ lòng tri ân Đức ALLAH đã giúp cho tất cả hoàn thành nghĩa vụ tâm linh trước ngày Đại lễ Idil với tấm lòng sùng đạo tối cao.
Trong dịp này, đối với những tín đồ Hồi giáo có điều kiện về kinh tế (hoặc được tài trợ) từ khắp nơi trên thế giới sẽ thực hiện việc hành hương Haji tới thánh địa Mecca (thuộc Saudi Arabia) và tham gia Đại lễ Raya Idil Adha ở đây. Đối với những người không có điều kiện thì sẽ đến các thánh đường và tiểu thánh đường tại khu vực mình cư trú để tham gia Đại lễ.
Theo truyền thống, vào buổi sáng ngày lễ chính, tín đồ Hồi giáo trong những bộ trang phục đẹp nhất tập trung hành lễ Sambahyang Raya tập thể dưới sự hướng dẫn của vị Imâm (người phụ trách việc hướng dẫn thực hành lễ nghi trong các buổi lễ).
Nhưng nghi lễ quan trọng nhất diễn ra lúc này là 'korban' (hiến tế). Những tín đồ sẽ đóng góp các con vật sống như cừu, cừu non, dê và bò, những con vật này sẽ bị hiến tế bằng một nhát cứa nhanh gọn trên cổ trong tiếng cầu nguyện rì rầm.
Hành động này nhắc nhở các tín đồ về sự tình nguyện của Nhà tiên tri Ibrahim khi ông sẵn lòng dâng lên Thượng Đế máu mủ ruột thịt của mình. Sau đó con vật sẽ được rửa sạch, thịt được cắt ra và phân phát cho những người thờ phụng và những người có hoàn cảnh khó khăn.
Sau đó tín đồ Hồi giáo thực hiện Qurban hoặc Aqiqah (nghi thức giết mổ các loại bò, cừu, dê để dâng lễ và phân phát trong cộng đồng các tín đồ) trong tình cảm gắn bó, chia sẻ niềm hạnh phúc và những điều tốt đẹp mà Đấng Allah đem lại cho mọi người trong năm qua. Trong dịp này, những người Hồi giáo cũng dành cho nhau những lời chúc mừng tốt đẹp nhất với mong muốn sang một năm mới (năm 1433 Hồi lịch) sẽ đón nhận được nhiều hồng ân mà Đấng Allah ban cho.
Phương Liên
Thu Hằng
Ảnh: Thúy Tình, Nguyễn Hằng
Video: Kiên Trung, Trần Hảo, Thanh Sơn
20/11/2021 08:07