Palestine là quan sát viên không có quyền bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc kể từ năm 2012. Nghị quyết mới sẽ trao cho Palestine “các quyền và đặc quyền mới” cũng như tư cách thành viên đầy đủ nếu được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) chấp thuận.
Theo đài RT, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (Đại hội đồng) hôm 10/5 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết với với 143 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 25 phiếu trắng. Theo Nghị quyết mới được thông qua, kể từ khoá 79 của Đại hội đồng (tháng 9/2024), đoàn đại biểu Palestine sẽ được đặc cách hưởng thêm một số quyền tương tự các quốc gia thành viên khi tham dự các phiên họp, hội nghị do Đại hội đồng và một số cơ quan khác của Liên Hợp Quốc tổ chức. Theo đó, đoàn Palestine sẽ được quyền thay mặt các nhóm nước phát biểu, giới thiệu và đồng bảo trợ các đề xuất; quyền ứng cử vào một số vị trí tại Phiên họp toàn thể và các Uỷ ban chính của Đại hội đồng…
Trong nghị quyết, Đại hội đồng đã bày tỏ “lấy làm tiếc và quan ngại sâu sắc” rằng Mỹ đã phủ quyết việc kết nạp Palestine vào ngày 18/4, đồng thời kêu gọi HĐBA “xem xét lại vấn đề một cách phù hợp” với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế.
Đại hội đồng cũng bày tỏ “sự ủng hộ kiên định đối với giải pháp 2 nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại trong hòa bình và an ninh trong đường biên giới được công nhận, dựa trên các mốc biên giới trước năm 1967”.
Tuy nhiên, Phó Đại sứ Mỹ Robert Wood tuyên bố Washington phản đối nghị quyết trên. Quan chức này nói, Mỹ sẽ lại phủ quyết tư cách thành viên của Palestine tại HĐBA như từng làm vào tháng trước.
Đại sứ Israel Gilad Erdan cáo buộc Đại hội đồng đã “xé nát Hiến chương Liên Hợp Quốc bằng cuộc bỏ phiếu ngày 10/5”. Nhà ngoại giao này thậm chí đã cho một tập bản sao Hiến chương Liên Hợp Quốc chạy qua một máy hủy giấy do ông mang lên bục phát biểu.
Mặc dù Israel trên danh nghĩa đã chấp nhận ý tưởng về một nhà nước Palestine về mặt lý thuyết, nhưng chính quyền Tel Aviv đã bác bỏ việc thực hiện nó trên thực tế. Trong cuộc tranh luận tại HĐBA vào tháng trước, đại sứ Erdan cáo buộc Chính quyền Palestine, cơ quan lãnh đạo của người Palestine đang cắm chốt tại khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, là “một thực thể hỗ trợ khủng bố và không xứng đáng có bất kỳ vị thế nào trong Liên Hợp Quốc”.
Israel cũng khẳng định sẽ theo đuổi tới cùng mục tiêu trừ khử hoàn toàn Phong trào Hồi giáo Hamas, nhóm đang nắm quyền kiểm soát Dải Gaza sau vụ đột kích đẫm máu vào lãnh thổ nước này ngày 7/10/2023.
Sau khi bỏ phiếu phủ quyết vào tháng trước, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood giải thích, hành động này “không phản ánh sự phản đối nhà nước Palestine, mà thay vào đó thừa nhận điều này sẽ chỉ được thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan”. Ông Wood nói thêm, Palestine không thể gia nhập Liên Hợp Quốc chừng nào Hamas còn kiểm soát Gaza.
Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cáo buộc Mỹ biến HĐBA thành “con tin” vì các sự kiện ở Trung Đông. Ông Nebenzia lập luận, tư cách nhà nước và thành viên Liên Hợp Quốc của Palestine sẽ “bình đẳng hóa lập trường đàm phán ban đầu của các bên”.