Xác định đường lối chính trị
Đường lối chính trị chủ yếu thể hiện ở chủ đề và diễn đạt trong Báo cáo chính trị tại Đại hội. Nó có lẽ đã được xác định ngay từ khi bắt đầu dự thảo báo cáo hồi đầu năm.
Việc viết báo cáo chính trị phải trải qua quá trình dài từ khởi thảo cho đến bản cuối cùng. Sau khi nhóm soạn thảo xong bản thảo đầu tiên theo chỉ đạo và yêu cầu của lãnh đạo, phải trưng cầu ý kiến của cán bộ các cấp, các bộ ngành của Trung Quốc cũng như các nguyên lão và những người ngoài đảng. Trong thời gian này, Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc họp nhiều lần để thảo luận, nếu có việc cấp bách cũng phải bổ sung.
Tóm lại, báo cáo chính trị sẽ phải sửa đi sửa lại nhiều lần nên ít nhất cũng phải mất trên nửa năm.
Trong quá trình viết và sửa báo cáo, chủ đề và khung đã được xác lập trước đó có bị đảo lộn không? Điều này hiếm khi xảy ra, do chủ đề không phải do nhóm soạn thảo quyết định mà là ý kiến của tập thể Bộ Chính trị, trong đó ý kiến của Tổng bí thư Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng.
Tuy nhiên, sau khi xác định được chủ đề của báo cáo, sẽ có những điều chỉnh và thay đổi trong cách thể hiện, thậm chí nảy sinh một số tranh cãi và sẽ có một số cách nói khác với ban đầu. Việc công bố thời gian Đại hội cho thấy đường lối chính trị của Đại hội 20 ĐCS Trung Quốc đã được thống nhất cao. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là báo cáo sẽ không sửa đổi nữa, nhưng các sửa đổi cũng chỉ là điều chỉnh cục bộ hoặc chi tiết.
'Thúc đẩy sự phục hưng vĩ đại'
Đường lối và chủ đề của báo cáo chính trị tại Đại hội lần này khả năng là “thúc đẩy sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa với sự hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”. Bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc nghiên cứu chuyên đề Đại hội 20 với cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh và cấp bộ hồi tháng 7, và bài phát biểu của ông tại hội nghị trung ương 5 khóa 19 do tạp chí “Cầu Thị” đăng gần đây đều tập trung vào cái gọi là vấn đề hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.
Phát biểu chỉ ra rằng, trên thế giới vừa không tồn tại mô hình hiện đại hóa duy nhất vừa không tồn tại tiêu chuẩn hiện đại hóa phù hợp với tất cả. Trong 10 năm qua, quá trình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc đã được thúc đẩy và mở rộng thành công, vừa phù hợp với thực tế nước này, thể hiện quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội và phản ánh quy luật phát triển của xã hội loài người, vì vậy cần kiên định thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc và có những đóng góp mới lớn hơn cho nhân loại.
Nói cách khác, trong giai đoạn lãnh đạo nối tiếp, Chủ tịch Tập Cận Bình có khả năng giương cao biểu tượng của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc làm nòng cốt cho việc tái đắc cử của ông. Vì dưới sự lãnh đạo của ông, nếu đại lục thực sự đi theo con đường hiện đại hóa theo kiểu Trung Quốc, ông Tập có thể tuyên bố rằng đất nước đã phá vỡ tiêu chuẩn hiện đại hóa do phương Tây thao túng, đã khám phá cho nhân loại một mô hình phát triển hiện đại hóa khác với giá trị phổ quát của phương Tây và phù hợp với đông đảo các nước đang phát triển.
Những trọng tâm nào sẽ thay đổi?
Có thể nói, sự hồi hộp về hai chương trình nghị sự trọng điểm của Đại hội 20 trên thực tế đã được giải đáp dần dần. Điều mà thế giới bên ngoài quan tâm là những thay đổi về chính sách của Trung Quốc sau Đại hội.
Trước tiên là khi nào chính sách “Không Covid” sẽ kết thúc? Điều này phụ thuộc vào sự lây lan dịch bệnh ở Trung Quốc và thế giới vào mùa thu đông cũng như diễn biến của nền kinh tế nước này.
Nếu kinh tế Trung Quốc cải thiện đáng kể trong quý cuối 2022 nhờ các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, trong khi dịch bệnh bùng phát mạnh trên toàn thế giới, rất có thể các biện pháp hiện hành sẽ không bị hủy bỏ cho đến sau kỳ họp Lưỡng hội năm 2023.
Tuy nhiên, nếu nền kinh tế tiếp tục xấu đi, để cứu vãn tình hình, không loại trừ khả năng Trung Quốc hủy bỏ chính sách “Không Covid” vào cuối năm.
Xét từ góc độ 5 năm tới, để tránh một số hậu quả khó kiểm soát do kinh tế suy giảm liên tục, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhiều khả năng sau Đại hội 20, kinh tế sẽ trở thành trung tâm trong công tác lãnh đạo và Trung Quốc ở một mức độ nhất định sẽ nới lỏng việc quản lý, kiểm soát vốn và các doanh nghiệp, tập trung phục hồi, phát triển kinh tế.
Ngoài kinh tế, về chính sách đối nội, nếu đường lối chính trị nêu trên là đúng đắn, thì thịnh vượng chung là mục tiêu chính sách của ông Tập Cận Bình và là một phần quan trọng của quá trình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc trong 5 năm tới.
Nhà chức trách đại lục sẽ tăng mức độ điều chỉnh phân phối thu nhập quốc dân, có thể đưa ra phương án cải cách về phân phối thu nhập.
Đối với chống tham nhũng, ông Tập Cận Bình sẽ duy trì mức độ như hiện tại hoặc giảm tốc vì ông muốn các quan chức cùng làm việc và tập trung xây dựng lực lượng.
Phác thảo chính sách đối ngoại
Chính sách đối ngoại sau Đại hội 20 sẽ tiếp tục như hiện tại, tập trung vào 3 khía cạnh:
Thứ nhất, cố gắng duy trì cục diện đọ sức nhưng không phá vỡ với Mỹ, không ảo tưởng về Mỹ, chuẩn bị sẵn sàng cho việc ngả bài với Mỹ nếu hai nước cuối cùng phải hạ màn.
Thứ hai, vấn đề Đài Loan vẫn là ưu tiên hàng đầu trong ngoại giao.
Thứ ba, thông qua chiến lược “Vành đai và Con đường”, tăng cường hợp tác kinh tế với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Á, Trung Đông, châu Phi, các quốc đảo Nam Thái Bình Dương và Nam Mỹ…
Giới phân tích cho rằng, giai đoạn này là cần thiết để Trung Quốc đi đúng hướng trong bối cảnh môi trường quốc tế ngày càng phức tạp và đầy thách thức, cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ vẫn tiếp diễn, tác động rất lớn tới sự phát triển và an ninh đại lục.