- PGS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ví von như vậy khi được hỏi về vấn đề xếp hạng đại học hiện nay.
Tại buổi thông tin với báo chí về hội thảo “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”, PGS Phan Thanh Bình nhận được câu hỏi: “Xếp hạng có phải là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy chất lượng giáo dục đại học hay không? Luật Giáo dục Đại học sửa đổi này đinh hướng sửa đổi về xếp hạng đại học như thế nào?”.
Trả lời vấn đề này, ông Bình nêu quan điểm: Quá trình xác định chất lượng giáo dục đại học trải qua 3 giai đoạn. Đầu tiên, phải đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn mực của chúng ta - một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội thảo sắp tới. Bước tiếp theo là kiểm định các trường có đạt hay không và bước thứ ba mới là xếp hạng.
“Xếp hạng là bước cuối cùng để biết ai khoẻ hơn ai, nhưng trước hết là phải khoẻ” – ông Bình so sánh.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban, Bộ GD-ĐT nên đi theo hướng 3 bước trên theo tinh thần chất lượng và kiểm định là cực kỳ quan trọng. Sau đó là xếp hạng trong nội bộ, và một số cơ sơ giáo dục đại học “sẽ bước ra thế giới”.
PGS Bình cũng nhắc lại một báo cáo tai hội thảo về giáo dục phổ thông do Uỷ ban tổ chức vào tháng 9/2017. Báo cáo này đã phân tích khi Việt Nam tham gia bảng xếp hạng giáo dục phổ thông quốc tế là PISA thì kết quả đạt được rất khả quan; nhưng “nếu chúng ta không có được chất lượng và nền tảng thì không cẩn thận lại dễ sa vào việc chạy theo tiêu chí của bảng xếp hạng”.
Hội thảo “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế” gồm 3 nội dung trọng tâm: Năng lực hệ thống giáo dục đại học; Tài chính đại học; Quản lý nhà nước và quản trị đại học. Tại hội thảo, xếp hạng đại học sẽ là một trong những vấn đề được thảo luận.
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất các ý tưởng nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Từ đó, góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Ủy ban, các Đại biểu Quốc hội trong thực hiện chức năng giám sát và kiến nghị Quốc hội quyết định chính sách, hoàn thiện pháp luật để phát triển giáo dục đại học, đặc biệt là góp phần hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Hội thảo do Uỷ ban phối hợp cùng ĐHQG TP.HCM tổ chức, diễn ra trong tháng 8/2018. Các tổ chức, cá nhân quan tâm có thể đăng ký tham dự và gửi tham luận cho hội thảo. Địa chỉ gửi trực tuyến: http://vec2018.vn/index.php hoặc qua thư điện tử: [email protected]. Thời gian đăng ký và gửi tóm tắt tham luận chậm nhất ngày 10-5-2018. Thời gian gửi tham luận toàn văn chậm nhất ngày 10-6-2018. |
Hạ Anh