Mặc dù nhiều văn bản chính sách, nghị quyết của Đảng, của Nhà nước đã khẳng định chủ trương xã hội hóa giáo dục, hay nói cách khác là đẩy mạnh sự phát triển của khu vực tư trong giáo dục, nhưng rõ ràng là trong thực tế, giáo dục đại học tư chưa thực sự phát triển mạnh cả về lượng (mới chỉ 16% số sinh viên, và 19% số trường, tính đến 2018) lẫn về chất (những trường mạnh nhất và uy tín nhất cho đến nay vẫn là trường công).
Câu hỏi là vì sao?
Để trả lời câu hỏi này, cần có khảo sát và phân tích đầy đủ. Với quan sát thông thường, có thể nghĩ đến vài lý do như sau.
Mặc dù nhiều văn bản chính sách, nghị quyết của Đảng, của Nhà nước đã khẳng định chủ trương xã hội hóa giáo dục, hay nói cách khác là đẩy mạnh sự phát triển của khu vực tư trong giáo dục, nhưng rõ ràng là trong thực tế, giáo dục đại học tư chưa thực sự phát triển mạnh cả về lượng. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
Chính sách thiếu nhất quán
Chính sách với trường tư, nhìn trong một thời gian dài, thiếu sự ổn định. Xu hướng chính sách đối với đại học tư tiến từ cực này sang cực khác, từ chỗ rón rén mở ra từng bước (do e ngại việc mất kiểm soát về ý thức hệ) đến chỗ mở tối đa trong một số mặt và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ một số mặt khác.
Các nhà làm chính sách bị giằng xé giữa hai xu hướng, hai quan niệm. Một mặt là nhận thức được sự tất yếu phải phát triển khu vực tư trong giáo dục để đáp ứng sự khiếm khuyết về ngân sách.Mặt khác là xu hướng muốn kiểm soát toàn diện nội dung giáo dục.
Một khi đã mở cửa khu vực tư, thì lẽ tất yếu là các trường tư phải hoạt động dựa trên nhu cầu của thị trường, đáp ứng những đòi hỏi và mong đợi của thị trường.Mà thứ thị trường cần không phải lúc nào cũng trùng khớp với thứ mà nhà nước muốn. Vấn đề lại càng rối hơn khi bản chất của trường đại học phức tạp vạn lần hơn so với các doanh nghiệp. Vì thế, những chính sách thể hiện cách đối xử với các trường đại học giống như đối xử với các doanh nghiệp đã nhanh chóng bộc lộ những điểm bất cập.
Thiếu sự hỗ trợ của nhà nước và của khu vực xã hội công dân
Vì không có sự hỗ trợ này, nên trường tư bị đẩy trọn vào khu vực thị trường và hoạt động hoàn toàn giống như một doanh nghiệp thông thường.
Giới đầu tư giáo dục thực ra mong nhà nước đối xử với các trường tư như những doanh nghiệp, vì phần lớn họ nhìn đại học hoàn toàn như một cơ hội kinh doanh. Công chúng và giới hàn lâm thì không muốn trường đại học được đối xử hoàn toàn như một doanh nghiệp, vì định hướng lợi nhuận tất yếu sẽ đặt lợi ích của nhà đầu tư lên trên lợi ích của các bên khác và làm tổn hại tới những giá trị cốt lõi đáng lẽ phải có của một trường đại học bất kể là công hay tư.
Một ví dụ là ở Mỹ, một trong các tiêu chí để xem xét mức độ “vì lợi nhuận” của các trường vì lợi nhuận là tỉ lệ chi phí cho quảng cáo trên tổng chi. Lẽ tất nhiên là chi phí quảng cáo được lấy từ học phí, và khoản chi này lớn lên thì những khoản chi khác cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu phải nhỏ đi.
Vì thế, để bảo toàn những giá trị cốt lõi của đại học, các trường tư cần sự hỗ trợ của nhà nước và của người dân. Đó là điều còn thiếu ở Việt Nam.
Việc xem các trường như những doanh nghiệp vì lợi nhuậntuy có mặt tốt là tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực, nhưng mặt trái của nó là những lợi ích dài hạn bị hy sinh cho những lợi ích ngắn hạn.
Mâu thuẫn giữa ngắn hạn và dài hạn
Trường tư đứng trước những nan đề rất khó khăn: chất lượng và chi phí. Hoặc trở thành một cỗ máy bán bằng (không khác gì con rắn tự ăn đuôi mình để sống), hoặc đầu tư cho dài hạn và phải chờ thời gian dài mới nhìn thấy kết quả.
Trước đây, đã có thời các trường tư ra đời theo lối “tay không bắt giặc”: thầy thuê, trường mướn, thứ duy nhất nhà trường có là một con dấu. Giờ đây, sau vài thập kỷ tích lũy, hầu hết các trường đã có trường sở ổn định hơn. Giai đoạn phát triển tiếp theo của các trường tư với sự tham gia của các tập đoàn đã làm thay đổi bộ mặt của khu vực tư, cả đầu tư lẫn quản lý đều chuyên nghiệp hơn. Tuy vậy, cái gọi là “dài hạn” vẫn chủ yếu tập trung cho cơ sở vật chất. Vẫn còn rất ít trường thực sự có một đội ngũ giảng viên riêng chứ không phải “mượn tạm” của trường công hoặc chỉ bao gồm những người đã nghỉ hưu từ trường công.
Tất nhiên xu hướng này đang thay đổi. Với sự khẳng định ngày càng mạnh của chính sách về chủ trương tư nhân hóa, đã bắt đầu có những trường đầu tư cho việc xây dựng một đội ngũ giảng viên trẻ, được đào tạo bài bản từ nước ngoài, và một đội ngũ quản trị chuyên nghiệp hơn. Đây có thể coi là đầu tư “dài hạn”, nhưng cái gọi là “dài hạn” thực sự phải là đầu tư cho năng lực đóng góp của nhà trường cho lợi ích của xã hội, tức là năng lực tạo ra một thế hệ sinh viên có khả năng tạo ra tiến bộ xã hội, một thế hệ giảng viên có khả năng can dự vào những hoạt động định hình sự phát triển của xã hội về công nghệ, văn hóa hay chính trị.
Xu hướng này cần được sự hỗ trợ của nhà nước thông qua những chính sách phù hợp.
Cạnh tranh công tư và giữa các trường tư
Thông thường ta nghĩ cạnh tranh là động lực của phát triển. Tuy nhiên kết quả này chỉ có trong bối cảnh cạnh tranh công bằng và bình đẳng, dựa trên năng lực thay vì dựa trên quan hệ hay những ưu thế có trước.
Từ trước đến nay cạnh tranh công tư ở Việt Nam dựa trên một nền tảng thiếu công bằng, vì các trường công có sẵn một nguồn lực công mà các trường tư không có. Hiện nay, trong bối cảnh tự chủ mở rộng ở trường công, học phí của khu vực công sẽ tăng mạnh, khiến cho sự lựa chọn của người học sẽ thay đổi.
Tuy nhiên, cũng không có gì đảm bảo chắc chắn là sự cạnh tranh này sẽ đưa chất lượng đi lên hay là lại kéo chất lượng đi xuống. Lý do là vì các trường đang vận hành trong một bối cảnh cụ thể và chịu tác động rất lớn từ bối cảnh này. Vấn đề là các trường đang cạnh tranh với nhau về điều gì. Nếu các trường đang cạnh tranh với nhau về chất lượng của sinh viên ra trường, về thành quả nghiên cứu và uy tín xã hội thì có nhiều khả năng là cạnh tranh sẽ giúp cải thiện chất lượng.
Nhưng nếu các trường chỉ cạnh tranh để giành sinh viên, bởi sinh viên có nghĩa là tiền, thì rất dễ rơi vào chỗ chi rất nhiều tiền để mua thành tích, để đánh bóng tên tuổi nhằm thu hút sinh viên (nói cho công bằng, các trường phương Tây cũng làm vậy, thông qua các đội bóng), và coi nhẹ việc đầu tư cho những hoạt động thực sự tạo ra chất lượng.
Khi tài năng, chất xám không bảo đảm cho một chỗ đứng tốt trong xã hội, thì rất khó để các trường và khách hàng của họ mong muốn đầu tư vào thực chất.
Phạm Thị Ly