Một báo cáo mới đây cho thấy khoảng 8.000 sinh viên Trung Quốc đã bị đuổi học trong năm học 2013-14. Đó là một tin xấu cho các trường Mỹ.

{keywords}
Bạc Qua Qua - con trai của chính trị gia thất thế Bạc Hy Lai nhận bằng Thạc sĩ ngành Chính sách công của Trường John. F. Kennedy, ĐH Harvard năm 2012

Theo một khảo sát được thực hiện bởi công ty tư vấn WholeRen, ước tính khoảng 8.000 du học sinh Trung Quốc ở Mỹ bị đuổi học trong năm học 2013-14. Đại đa số các em này – khoảng 80% - bị đuổi học do gian lận hoặc thi trượt.

Trường đại học nào cũng có sinh viên bị đuổi học, tuy nhiên tỷ lệ sinh viên Trung Quốc bị đuổi học là một lời cảnh báo với lãnh đạo các trường đại học Mỹ. Theo Viện Giáo dục quốc tế, 274.439 sinh viên Trung Quốc bước chân vào các trường đại học Mỹ trong năm học 2013-2014 – tăng 16% so với năm trước đó. Sinh viên nước này cũng chiếm 31% sinh viên quốc tế ở Mỹ và đóng góp khoảng 22 tỷ đô cho nền kinh tế Mỹ năm 2014.

Trước đây, sinh viên Trung Quốc ở Mỹ thường sống một cuộc sống eo hẹp về kinh tế, nhưng giờ đây rất nhiều sinh viên Trung Quốc tới từ các gia đình giàu có và thế lực nhất – ví dụ như tiểu thư nhà Chủ tịch Tập Cận Bình từng học tại Harvard dưới một cái tên giả.

Sự hiện diện của thế hệ du học sinh Trung Quốc giàu có thậm chí còn thu hút sự chú ý của các thương hiệu xe hơi sang trọng. Bergdorf Goodman – chuỗi cửa hàng bách hóa tại New York cũng tài trợ cho các buổi lễ đón Tết của sinh viên Trung Quốc tại ĐH New York và Columbia, trong khi đó chuỗi cửa hàng Bloomingdales thì tổ chức một buổi trình diễn thời trang cho sinh viên Trung Quốc tại trung tâm mua sắm của mình ở Chicago.

Sinh viên Trung Quốc đang trở thành một thị trường lớn ở Mỹ, và không ai hiểu điều này rõ hơn chính các trường đại học. Trên 60% sinh viên Trung Quốc chi trả toàn bộ học phí tại Mỹ. Đây cũng là nguồn ngân sách hỗ trợ cho các sinh viên trong nước phải trả học phí thấp hơn. Một số trường như ĐH Purde ở Indiana thu lợi nhuận nhiều hơn bằng cách thu thêm phí với sinh viên quốc tế.

Tuy nhiên, mối quan hệ cộng sinh giữa các trường Mỹ thiếu tiền và sinh viên Trung Quốc không phải là không có vấn đề. Nhu cầu đi du học đã sản sinh ra một ngành tiểu công nghiệp ở Trung Quốc, giúp các em ôn luyện trước khi gửi hồ sơ.

Theo Zinch China – một công ty tư vấn giáo dục, 90% hồ sơ của ứng viên Trung Quốc xin thư giới thiệu giả, 70% nhờ người khác viết bài luận, 50% giả mạo bảng điểm trung học, và 10% liệt kê những thành tích và giải thưởng học thuật mà họ không hề nhận được. Kết quả là nhiều sinh viên tới Mỹ mới thấy tiếng Anh của họ không đủ để theo kịp chương trình học.

WholeRen công bố báo cáo của mình 2 ngày trước khi Bộ Tư pháp Mỹ thông báo rằng bồi thẩm đoàn đã kết tội 15 người Trung Quốc cố xin vào học các trường Mỹ để có visa. Một trường hợp còn gửi điểm thi giả để vào Northeastern. “Những sinh viên này không chỉ gian lận cách vào trường đại học, mà còn gian lận cả cách để nhập cư vào nước Mỹ” – một đặc vụ cho hay.

Chia sẻ với News Week, ông Andrew Chen – giám đốc phát triển WholeRen nói: “Có một số trường đại học rất tích cực tuyển sinh sinh viên Trung Quốc. Nhưng làm thế nào để quản lý các em, giúp các em thành công thì lại không tích cực cho lắm”.

Mỹ là quốc gia thu hút rất nhiều sinh viên châu Á, cũng như sinh viên Bắc Phi và Trung Đông trong 15 năm qua, trong khi tỷ lệ sinh viên tới từ các khu vực khác trên thế giới tương đối ổn định. Chuyên ngành phổ biến nhất mà sinh viên Trung Quốc chọn học ở Mỹ là kinh doanh và quản lý.

Không phải ngẫu nhiên mà sinh viên Trung Quốc theo học ở các trường đại học Mỹ lại tăng đột biến như vậy. Công tác tuyển sinh của nhà trường chính là chìa khóa. Các trường thường hợp tác với các chương trình đào tạo tiếng Anh như Global Pathways. ĐH Northeastern là một ví dụ.

Chương trình này “thiết kế nhằm giúp những sinh viên đủ năng lực học tập nâng cao trình độ tiếng Anh cũng như phát triển các kỹ năng cần thiết để thành công trong môi trường học tập của Mỹ” – một phát ngôn viên của trường cho hay. Và hầu hết các sinh viên trong chương trình này tới từ Trung Quốc.

Ngoài ra, một số trường trong đó có Northeastern không yêu cầu sinh viên quốc tế nộp điểm SAT cùng hồ sơ, và vì thế, những sinh viên này không làm ảnh hưởng tới báo cáo xếp hạng đại học của trường.

Ông Chen cho rằng vấn đề là các trường đang để cho sinh viên Trung Quốc thiếu sự chuẩn bị. Cách đây vài năm, sinh viên tới Mỹ thường lớn tuổi hơn, nhưng bây giờ các em trẻ hơn rất nhiều.

“Thế hệ mới này thực sự chỉ là những học sinh trung bình. Trung bình cả về khả năng học tập lẫn kỹ năng sống, cũng như sự hiểu biết về hệ thống giáo dục Mỹ” – ông nói.

“Những sinh viên này có gặp bất lợi về vấn đề sốc văn hóa, rào cản ngôn ngữ và khả năng học tập. Hệ thống giáo dục Mỹ hoàn toàn khác với Trung Quốc”.

“Các trường Mỹ đang bị ‘nghiện’ sinh viên Trung Quốc” – Parke Muth, một nhà tư vấn giáo dục ở Virginia có nhiều kinh nghiệm ở Trung Quốc nhận định. “Họ là những thí sinh rất giỏi. Họ không dính vào quá nhiều tệ nạn. Họ không nghiện tiệc tùng. Các trường thì cần nhiều tiền và thẳng thắn mà nói họ không có trách nhiệm phải hướng nghiệp”.

Vậy mối quan hệ giữa sinh viên Trung Quốc và các trường đại học Mỹ có bền vững không? Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ đô la để cải thiện hệ thống giáo dục đại học của mình nhằm nỗ lực không để chảy máu chất xám.

“Trung Quốc đang đầu tư cho các phòng thí nghiệm, công tác nghiên cứu, trong khi ở Mỹ lại đang cắt giảm ngân sách cho những thứ đó” – ông Muth nói.

Đối với các trường đại học Mỹ, một ngày nào đó, việc đuổi học sinh viên Trung Quốc có thể là khúc dạo đầu cho một vấn đề lớn hơn.

  • Nguyễn Thảo (Theo The Atlantic)