Buổi gặp gỡ của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với 130 HSSV xuất sắc năm 2020 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chiều ngày 8/10. |
Năm nay cũng là năm đầu tiên sự kiện này được tổ chức nhằm biểu dương, tôn vinh các tấm gương HSSV xuất sắc, xây dựng môi trường và tạo động lực cho các em thi đua học tập, rèn luyện về năng lực, phẩm chất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Việc lựa chọn 130 HSSV để tuyên dương lần này đã được triển khai với 3 vòng xét chọn từ cấp trường tới cấp toàn quốc do Tổng cục GDNN thành lập hội đồng xét chọn. Kết quả có 130 em của 70 cơ sở GDNN đại diện cho khoảng 3 triệu HSSV của 2.000 cơ sở GDNN trên toàn quốc được xét chọn.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, nữ sinh Nguyễn Thị Nga – sinh viên Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ chia sẻ: “Xuất phát từ những cảm nhận của bản thân và từ thực tế của ngôi trường em đang theo học, em thấy rằng đại học không phải là con đường duy nhất giúp ta trưởng thành. Chọn được nghề mà mình yêu thích, mà xã hội đang cần chính là xu hướng phát triển của thời đại”.
Đáp lại những chia sẻ và đề xuất của đại diện HSSV, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chúc mừng kết quả trong học tập và rèn luyện của 130 HSSV thuộc 28 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phó chủ tịch nước mong muốn các em không ngừng phấn đấu, trau dồi kiến thức và rèn luyện tay nghề, rèn đức, luyện tài, tự tin lập thân, lập nghiệp, trở thành công dân tốt, trí thức trẻ góp phần xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững, sánh vai với cường quốc năm châu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
Phó Chủ tịch nước đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; góp phần phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng nhu cầu lao động trong nước, hội nhập thị trường lao động khu vực và thế giới.
Lần đầu tuyên dương, tuyển chọn kỹ lưỡng
Đây là lần đầu tiên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức xét chọn và tuyên dương học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu. Bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng xét chọn học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2020 cho biết: Tiêu chuẩn xét tuyên dương yêu cầu cao và toàn diện, với hai tiêu chuẩn: kết quả học tập và rèn luyện đạo đức, lối sống.
Các em có kết quả học tập xuất sắc với điểm học trung bình năm học đạt từ 3,6/4 trở lên đối với các trường đào tạo theo học chế tín chỉ, hoặc đạt từ 9,0/10 trở lên đối với các trường đào tạo theo niên chế và phải đạt một trong các tiêu chí (có đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải cấp trường trở lên hoặc có sáng kiến trong học tập, lao động, lao động có giá trị áp dụng hoặc có sản phẩm sáng tạo được cấp bằng sáng chế hoặc đạt giải nhất, nhì, ba các kỳ thi cấp tỉnh); kết quả rèn luyện đạo đức, lối sống đạt loại xuất sắc hoặc 90 điểm trở lên, tích cực tham gia các hoạt động phong trào Đoàn, Hội và các hoạt động tình nguyện…
Sau gần 6 tháng triển khai, qua 2 vòng xét chọn (vòng 1 từ cơ sở, các trường lựa chọn, giới thiệu; vòng 2 do Sở LĐTBXH chủ trì xét chọn hồ sơ từ các cơ sở, các trường đề nghị); đến thời điểm xét chọn vòng 3, đơn vị thường trực đã nhận được 138 hồ sơ hợp lệ từ các tỉnh, thành xét chọn tuyên dương, trong đó có 118 sinh viên, 20 học sinh; 105 em là người Kinh, 33 em người dân tộc thiểu số; 85 nam, 51 nữ. Tiêu chuẩn xét tuyên dương yêu cầu cao và toàn diện, bao gồm: kết quả học tập và rèn luyện đạo đức, lối sống.
Nơi lao động nghề là người hùng của đất nước
“Vào thời điểm đó, các thí sinh tham gia kỳ thi tay nghề thế giới là những vị anh hùng đối với sự phát triển của đất nước chúng tôi… Người dân Seoul đổ ra đường chào đón họ”.
Linh Chi