GS Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội (thứ hai từ trái sang) và ông Lawrence Liu – Tổng Giám đốc Keysight Technologies tại Singapore ký kết thỏa thuận hợp tác tài trợ và hỗ trợ trang thiết bị kỹ thuật thực hành IoT cho sinh viên ngành Điện tử Viễn thông (Ảnh: Kim Chi) |
Ngày 26/4/2019, Đại học Bách khoa Hà Nội và tập đoàn Keysight Technologies (Hoa Kỳ) lễ ký biên bản hợp tác tài trợ và hỗ trợ trang thiết bị kỹ thuật thực hành IoT cho sinh viên ngành Điện tử Viễn thông. Lễ ký có sự tham gia của đại diện Keysight Technologies, nhà phân phối Keysight Technologies tại Việt Nam - Công ty cổ phần Tư vấn và Dịch vụ Công nghệ ASIC và Viện Điện tử Viễn thông trực thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị thụ hưởng.
Keysight Technologies - tiền thân là mảng đo lường điện tử của Agilent Technologies, chuyên sản xuất, cung cấp các giải pháp đo lường Điện, Điện tử - viễn thông phục vụ trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, ô tô và năng lượng, sản xuất, an ninh quốc phòng, nhà nước và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật với công nghệ tiên tiến, chất lượng.
Keysight Technologies cũng cung cấp các chương trình đào tạo và giảng dạy đại học tiên tiến phục vụ cho cách mạng công nghiệp 4.0 như chương trình chứng nhận sinh viên sẵn sàng cho ngành công nghiệp IoT và RF/uW với 5G NR; ngành Khoa học vật liệu tiên tiến, An ninh mạng (Cyber Security), ngành Ô tô và Năng lượng…
Được biết, trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong 2 trường đại học tại Việt Nam được Tập đoàn Keysight Technologies tài trợ các thiết bị hỗ trợ giảng dạy phục vụ đào tạo.
Là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giáo dục đại học đào tạo kỹ sư đáp ứng yêu cầu ngành công nghiệp về IoT cung cấp nhân lực đáp ứng các cho nhu cầu của cách mạng công nghệ 4.0, việc hợp tác của Đại học Bách khoa Hà Nội với tập đoàn Keysight Technologies nhằm đẩy mạnh cơ hội trang bị cho sinh viên khối kỹ thuật chương trình đào tạo theo chuẩn công nghiệp tiên tiến, kinh nghiệm thực hành, sử dụng thiết bị kiểm tra, đo lường phục vụ trong sản xuất, nghiên cứu và phát triển các ứng dụng thực tiễn.
Cụ thể, theo thỏa thuận hợp tác, gói tài trợ có tổng trị giá 60.500 USD được tập đoàn Keysight Technologies và Công ty ASIC tài trợ cho Đại học Bách khoa Hà Nội bao gồm 2 module chương trình giảng dạy và đào tạo sinh viên sẵn sàng cho ngành công nghiệp IoT. Mỗi module gồm 5 trạm (stations) với đầy đủ chương trình giảng dạy, kit đào tạo thực hành và các thiết bị đo đi kèm.
Ngay sau lễ ký, lãnh đạo tập đoàn Keysight Technologies, Công ty ASIC và Đại học Bách khoa Hà Nội đã cắt băng khánh thành và khai trương phòng thí nghiệm IoT tại phòng 611, tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu. Đây là phòng thí nghiệm trực thuộc Viện Điện tử Viễn thông của trường.
Gói thiết bị hỗ trợ giảng dạy phục vụ đào tạo IoT của Keysight Technologies cho Đại học Bách khoa Hà Nội có tổng giá trị gói tài trợ là 60.500 USD (Ảnh: Kim Chi). |
Gói thiết bị hỗ trợ giảng dạy phục vụ đào tạo IoT của Keysight Technologies cho Đại học Bách khoa Hà Nội có tổng giá trị gói tài trợ là 60.500 USD (Ảnh: Kim Chi). |
Hợp tác giữa Đại học Bách khoa Hà Nội với tập đoàn Keysight Technologies, Công ty ASIC sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ, giảng viên và sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung và Viện Điện tử Viễn thông nói riêng được tiếp cận các nguồn tài nguyên phục vụ đào tạo giảng dạy IoT theo các chuẩn công nghiệp tiên tiến nhất.
Cùng với đó, các sinh viên sau khi học xong và đạt kết quả tốt sẽ được hãng Keysight Technologies cấp chứng chỉ chứng nhận có giá trị trên toàn cầu và có cơ hội làm việc cho các hãng công nghệ lớn như: Qualcomm Technologies, Samsung, OPPO, Xiaomi, MediaTek, UNISOC (Spreadtrum), Motorola Mobility và tại Việt Nam có Vinsmart, Vinfast, Viettel, VNPT, Mobifone và các doanh nghiệp FDI.
Sự hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội cũng là cơ hội để tập đoàn Keysight Technologies được tiếp cận và hỗ trợ cho các trường đại học kỹ thuật tại Việt Nam phát triển đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hứa hẹn sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên toàn cầu.