Ở Việt Nam, đàm phán với đối tác xong, sau đó lặng lẽ đi đêm, đạp giá, giành hợp đồng là chuyện thường, công ty to, danh tiếng cũng làm vậy, đâu như anh chụp hình dạo nghèo ở Thái Lan. Thà chịu mất món lợi của mình mà giữ giá thị trường, không di hại cho người sau.
Nhóm bạn ngồi kể chuyện du lịch trong những ngày hè nóng điên. Một số người trong nhóm đi Thái, họ nói, biết cách đi thì còn…rẻ hơn đi Hà Nội (không phải mình quảng bá chọ du lịch Thái Lan nhé).
Một anh bạn kể, đi du lịch, định vứt hết chuyện làm ăn nhưng tình cờ lại gặp câu chuyện nhỏ , khiến mấy đêm nằm cứ nghĩ mãi chuyện…làm ăn.
Hôm vào thăm một thắng cảnh, có một anh chụp hình dạo chụp ảnh cho gia đình, xong thì chào giá, 100 baht 1 tấm, có 10 tấm.
Anh bạn trả giá: “70 baht đi”.
Anh chụp hình cười: “Đi chơi vui đừng bớt giá mà, hình cả nhà đẹp lắm”.
Nhìn thoáng thấy ảnh đẹp thiệt, nhưng anh bạn tôi khăng khăng chỉ trả 70 baht 1 tấm, chắc mẩm là hình của nhà mình, ép riết họ phải chịu, không hạ giá thì bán cho ai.
Đi một vòng, 2 giờ sau quay lại, không thấy anh chụp hình đâu nữa.
Tìm mãi không thấy, bèn hỏi một người bán hàng cạnh đấy, anh trả lời: “Anh ấy chờ lâu không được, đã đem vứt tất cả ảnh vào thùng rác rồi”.
Đắng thật.
Thà mất một món thu nhập (chắc không nhỏ với 1 người chụp hình dạo) nhưng cương quyết không… phá giá thị trường, di hại làm ăn người khác lần sau.
Anh bạn tôi nói: “Thái độ của anh chụp hình dạo khiến anh giật thót cả người”.
Ở Việt Nam, đàm phán với đối tác xong, sau đó lặng lẽ đi đêm, đạp giá, giành hợp đồng là chuyện thường, công ty to, danh tiếng cũng làm vậy thôi.
Ngành thủy sản, dệt may, thực phẩm… càng xuất khẩu mạnh càng… đạp nhau mạnh. Không như anh chụp hình dạo nghèo, hành nghề đơn lẻ.
Đoàn kết, giữ gìn công ăn việc làm cho nhau, mỗi người góp một chút để giữ cái nồi cơm lớn hơn cho mọi người, biết vậy nhưng bây giờ, quán tính là đâu có ai tin ai, đâu ai chịu thua ai (rồi tất cả đều thua).
Tìm đâu ra cách ứng xử của anh chụp hình dạo kia trong cuộc cạnh tranh thảm khốc ở xứ mình mỗi ngày?
Hãy nhìn bức ảnh bờ biển đầy rác , tác phẩm của những khách du lịch trẻ tuổi. Thay vì họ nêu gương nhặt rác để nhắc nhở mọi người bảo vệ môi trường, họ là thủ phạm.
Mỗi sáng sớm, tôi đi bộ dọc bờ kè kênh Nhiêu Lộc. Không ngày nào là không thấy cảnh những thùng rác dọc bờ kè bị ngập những túi rác, ói ngược ra ngoài khắp chung quanh.
Rác là rác sinh hoạt gia đình chứ không phải của khách vãng lai.
Những gia đình có tiền của, kín cổng cao tường chung quanh, mỗi sáng dắt chó đi “bậy bạ” ngoài đường đã len lén mang rác ra nhét vào các thùng rác đó, để tiết kiệm vài chục nghìn mỗi tháng.
Tôi nhớ lời một nhà báo Anh viết trên The Guardian: Người Việt Nam coi đường phố như nhà vệ sinh công cộng.
Bên cạnh những thùng rác đầy ngập rác gia đình đó là những vạt gạch lồi lõm, nứt bể, lở lói tố cáo kiểu lát đường cẩu thả rút ruột vật tư.
Cảnh tượng thật là đúng kiểu “nhà nước nhân dân cùng làm”, cũng chẳng ai chịu thua ai.
Không thể nêu tên ai trong những cảnh-phát-ngượng mà người Việt, trong cơn khủng hoảng niềm tin đang gậy ra cho mọi người và cũng lại đang hứng chịu mỗi ngày.
Và tôi nhớ đến bài hát “Dựng lại người, dựng lại nhà” của Trịnh.
Công trình “dựng lại người” bây giờ sao mà khó, nhìn đâu cũng thấy cảnh gai mắt trái tai, ngay từ những chuyện nhỏ li ti vài chục nghìn tiền đổ rác cho đến chuyện chà đạp nhau giành hợp đồng, phá giá nhau kéo nhau cùng xuống đáy.
Tất cả phải bắt đầu từ giáo dục, phải không, mà cái nền giáo dục xứ mình, thôi rồi…
Theo Kim Hạnh/ Tiếp thị Thế giới