Chủ tịch ngàn tỷ chỉ một đôi giày
Chia sẻ với báo chí, ông Trần Trọng Kiên, chủ tịch của Thiên Minh Group cho biết, ông bắt đầu kinh doanh từ năm 21 tuổi. Do nhà nghèo nên sau khi tốt nghiệp trường Y, ông chọn kinh doanh. Ông thấy mình may mắn khi xuất phát điểm thấp, nhưng khi tôi bắt đầu làm kinh doanh, thì ngành du lịch mà tôi tham gia tăng trưởng rất nhanh. Chỉ trong vòng vài năm, khi ngoài 20 tuổi, tôi đã thành triệu phú. 30 tuổi ông đã có cả chục triệu USD tài sản.
Ông quan điểm: “Tiền kiếm được cũng chỉ cần để mua đến 2-3 căn nhà là đủ, mua quần áo để mặc, lo cho con cái học hành. Còn giày thì 10 năm đi không đổi”. Ông không quan tâm giá trị tuyệt đối của số tiền kiếm được mà quan tâm đến việc mình sẽ dùng nó để tăng trưởng và đóng góp như nào để cho cộng đồng.
“Tôi biết mình không thể nào so sánh về sự giàu có so với những người Việt Nam giàu nhất bây giờ. Nhưng tôi cũng hiểu mình có một số tiền tích luỹ nhiều hơn phần lớn những người Việt khác”, ông nói.
Khối tiền 3,5 ngàn tỷ chưa biết bao giờ đòi được
CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Itaco (ITA) do nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến làm chủ tịch vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên với khá nhiều nội dung đáng chú ý.
Trong đó, một điểm mà kiểm toán đặc biệt lưu ý là về khả năng thu hồi khoản đầu tư và phải thu từ 2 công ty có liên quan với tổng trị giá hơn 3,5 ngàn tỷ đồng. Kiểm toán nghi ngờ khả năng thu hồi khoản tiền khổng lồ liên quan đến Nhiệt điện Kiên Lương.
Sự đắp chiếu của dự án cũng gắn liên với sự mất tích bí ẩn của chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến trong nhiều năm qua. Bà Yến không xuất hiện trong 6 đại hội cổ đông liên tiếp của doanh nghiệp này. Sáu năm liên tục, ông Đặng Thành Tâm (nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13) thế vai người chị.
Tuy nhiên, bà Yến vẫn ký các văn bản điều hành quan trọng của ITA. Trong báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2019, bà Đặng Thị Hoàng Yến vẫn tham dự đủ cả 4 cuộc họp, tương ứng với tỷ lệ tham dự 100%.
Thêm 10 ngàn tỷ, đại gia Hồ Hùng Anh làm vụ lớn
Techcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh vừa có nghị quyết phát hành 10 ngàn tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi có kỳ hạn tối đa 3 năm trong năm nay. Sau khi phát hành, dự kiến vốn chủ sở hữu của Techcombank sẽ tăng lên hơn 61 ngàn tỷ đồng. Việc huy động vốn được giải thích là để đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung dài hạn và kế hoạch kinh doanh của Techcombank năm 2019.
Hồi tháng 4/2018, Techcombank đã bán hơn 164 triệu cổ phiếu cho NĐT nước ngoài, thu về 21.000 tỷ (hơn 920 triệu USD). Với số tiền lợi nhuận tích lũy và thặng dư lớn, ngay sau khi lên sàn, Techcombank chốt danh sách cổ đông để chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 200% tăng vốn từ hơn 11,6 ngàn tỷ đồng lên gần 35 ngàn tỷ đồng, trở thành một trong 3 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam, chỉ thua một chút so với Vietcombank.
Con trai đại gia Lê Viết Hải ra tay
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa công bố thông tin về việc ông Lê Viết Hiếu, Phó Tổng Giám đốc của tập đoàn đã hoàn tất mua 200.000 cổ phiếu HBC, qua đó trở thành cổ đông của Hòa Bình với tỉ lệ sở hữu 0,09%.
Ông Lê Viết Hiếu là con trai của ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Xây dựng Hòa Bình. Ông Hải hiện là cổ đông lớn nhất của Hòa Bình với 37 triệu cổ phiếu HBC, tương ứng tỉ lệ sở hữu 16,05%. Ông cũng vừa mua vào một triệu cổ phiếu HBC từ ngày 15-21/8 theo phương thức khớp lệnh trên sàn.
Cùng với ông Hải, Phó TGĐ Nguyễn Văn Tịnh và giám đốc tài chính Trần Quang Đại cũng đã mua vào hàng trăm ngàn cổ phiếu HBC.
Trước đó vào đầu tháng 8, hàng loạt lãnh đạo và những người liên quan của Hòa Bình đã đăng ký mua vào 2,7 triệu cổ phiếu HBC trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến đầu tháng 9 qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Hiện cổ phiếu HBC quanh ngưỡng 13.500 đồng/cp, mức thấp nhất trong gần 3 năm qua.
Đại gia kiếm lợi trăm tỷ
Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank kéo dài nhiều năm qua, nhất là sau khi ông Lê Hùng Dũng nghỉ hưu năm 2015. Tình hình trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, đặc biệt từ sau ngày 22/3/2019, thời điểm 7 thành viên HĐQT Eximbank đã họp và bầu ra Chủ tịch HĐQT mới là bà Lương Thị Cẩm Tú thay cho ông Lê Minh Quốc.
Bà Lương Thị Cẩm Tú được biết đến là một gương mặt đại diện của NamABank. Bà Tú (1980) từng là TGĐ Ngân hàng Nam Á (NamABank) của cố doanh nhân Tư Hường. Bà Tú vào HĐQT Eximbank tháng 4/2018 tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của nhà băng này.
Cuộc chiến quyền lực tại Eximbank nóng rực trở lại bắt đầu từ cuối tháng 3/2019 sau khi thành viên HĐQT Lương Thị Cẩm Tú được bầu giữ chức vụ chủ tịch HĐQT của ngân hàng nhiệm kỳ VI (2015-2020) thay cho ông Lê Minh Quốc dù ông Quốc chưa hết nhiệm kỳ.
Ông Minh Quốc đã có đơn kiện và tòa án TP.HCM đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng. Tuy nhiên, ông Lê Minh Quốc sau đó có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí chủ tịch HĐQT.
Ông Cao Xuân Ninh (1962) sau đó được bầu làm chủ tịch Eximbank thay cho 2 nhân vật đối đầu trong một cuộc chiến tranh giành chiếc ghế cao nhất tại Eximbank trong nhiều tháng trước đó.
Dù vậy, loạt diễn biến vừa qua, bao gồm hoãn ĐHĐCĐ cuối tháng 5, ĐHĐCĐ bất thành cuối tháng 6, hay việc ông Cao Xuân Ninh xin từ chức Chủ tịch cho thấy HĐQT Eximbank vẫn còn rất nhiều xung khắc.
Đức Long Gia Lai thay CEO
Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai vừa công bố bổ nhiệm ông Trần Cao Châu vào vị trí Tổng Giám đốc. Đồng thời, DLG cũng tiến hành miễn nhiệm chức danh này đối với ông Nguyễn Trung Kiên.
Chia sẻ về vấn đề này, nguyên Tổng Giám đốc DLG, ông Nguyễn Trung Kiên cho biết, trong suốt quá trình điều hành, bản thân ông cũng đã nỗ lực hết sức, nhưng nhiều kế hoạch đưa ra chưa theo đúng Nghị quyết HĐQT dẫn đến không phát huy được hiệu quả như mong đợi.
Bản thân ông Kiên thừa nhận mình không đáp ứng được kỳ vọng mà HĐQT giao phó. Vì vậy, việc thoái vị và nhường vị trí Lãnh đạo này cho người kế nhiệm có đủ tầm, đủ kinh nghiệm, năng lực và bản lĩnh để điều hành xuyên suốt Nghị quyết HĐQT là tất yếu. Bản thân ông lui về vị trí phù hợp hơn, khai thác đúng năng lực bản thân để phát huy hiệu quả tốt nhất.
Vinaconex bổ nhiệm Phó tổng Giám đốc thứ 5
Ngày 06/9/2019, Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) đã quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Khắc Hải, kỹ sư Xây dựng, Thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinaconex 25 giữ chức vụ Phó tổng Giám đốc với thời hạn bổ nhiệm 05 năm, kể từ ngày 06/9/2019. Ông Nguyễn Khắc Hải sinh ngày 3/2/1973 tại Nghi Lộc, Nghệ An.
Như vậy, sau khi được bổ nhiệm thêm, Vinaconex có 5 Phó tổng Giám đốc, gồm các ông: Thân Thế Hà, Dương Văn Mậu, Nguyễn Hữu Tới, Lê Doanh Yên và Nguyễn Khắc Hải. Tổng giám đốc là ông Nguyễn Xuân Đông. Chủ tịch HĐQT là ông Đào Ngọc Thanh.
Theo BCTC hợp nhất quý II mới được công bố, Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần 2.297 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm 5% đẩy lợi nhuận gộp tăng 3% lên 284 tỷ đồng. Vinaconex kết thúc quý II với khoản lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 174 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. EPS đạt 394 đồng.
Quốc Cường Gia Lai lợi nhuận sụt giảm
Giải trình báo cáo riêng, QCG nêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng, chủ yếu do đặc thù của hoạt động kinh doanh bất động sản dài (thường 2-3 năm), do lượng sản phẩm bàn giao trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng so với cùng kỳ năm 2018 với giá trị là 419,9 tỷ đồng, tương đương tăng 320,4%.
Căn cứ các nguyên nhân chủ yếu trên, lợi nhuận trước thuế của 6 tháng đầu năm 2019 tăng so với cùng kỳ 2018 là 10,6 tỷ đồng, tương ứng 66,4%; lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2019 tăng so với cùng kỳ 2018 là 7,6 tỷ đồng, tương ứng 57,2%.
Về báo cáo tài chính hợp nhất, tương tự doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng, lượng sản phẩm bàn giao trong 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ 2018 với giá trị 136,7 tỷ đồng, tương đương 31,3%.
Tuy nhiên do giá bán sản phẩm ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 không tốt so với cùng kỳ năm trước đã làm giảm lợi nhuận so với cùng kỳ.
Bảo Anh(Tổng hợp)