Giàu siêu tốc bằng đất, để lại gia sản cho con, văn hóa-đạo đức không lớn nhanh bằng đồng tiền...-một bức tranh về giới đại gia giàu siêu tốc tại Việt Nam.
"Phú nhị đại" ở Việt Nam
Lý giải về việc Việt Nam có nhiều người giàu siêu tốc, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, trong khi tất cả những người sản xuất từ cái kim, sợi chỉ, con vít, xe ô tô... đều chìm trong khó khăn thì rất nhiều người giàu nhanh bằng đất.
Việt Nam có nhiều người trở thành đại gia nhờ sở hữu một khu đất vàng, đất kim cương không qua đấu thầu mà qua bán chỉ định, bán hóa giá...
"Nói về giàu siêu tốc chỉ có các đại gia bất động sản mà thôi. Không có ngành nghề nào có thể siêu giàu được ở Việt Nam bởi sản xuất của chúng ta không cạnh tranh lại với các nước xung quanh và trên thế giới do công nghệ lạc hậu, tay nghề kém, lãi suất ngân hàng rất cao.
Bởi giàu nhanh như vậy nên nhiều đại gia chơi hoang. Tất nhiên cũng có những đại gia rất tiết kiệm trong tiêu dùng cá nhân như ông Đoàn Nguyên Đức. Ông này chẳng dùng thứ gì cao cấp, trừ chiếc máy bay nhưng cuối cùng cũng đã bán.
Thế nhưng, thông thường thế hệ thứ hai mới là thế hệ xài sang nhiều. Chúng được cha mẹ nuông chiều, cho xài sang từ nhỏ. Vậy nên mới có những "sửu nhi" có hàng chục siêu xe, mỗi chiếc dăm mười tỷ đồng, cộng lại giá trị những chiếc siêu xe cũng lên đến cả trăm tỷ đồng", ông Nguyễn Văn Đực nói.
Dàn siêu xe của các đại gia nối đuôi nhau trên đường phố Đà Nẵng ở Car Passion 2011. Ảnh minh họa |
Theo Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, đây cũng là nguyên nhân lý giải tại sao đại gia Việt Nam ít đóng góp cho xã hội mà chỉ chăm chăm giữ tài sản cho con cháu của mình.
Nó xuất phát từ truyền thống Đông Á "hy sinh đời bố, củng cố đời con". Người ta có thể làm giàu bằng mọi cách, kể cả những cách bất chính vô lương nhục nhã, để rồi cuối cùng số tiền ấy được dành cho con cháu họ.
"Quan niệm để lại sản nghiệp cho con quá nặng nề ở Trung Quốc, Việt Nam... Ở các nước phát triển, người ta rèn cho con tính tự lập từ nhỏ. Thế nên, mới có chuyện con của tổng giám đốc hay chủ tịch HĐQT khi vào công ty vẫn chỉ làm nhân viên quèn.
Ngược lại, ở Việt Nam, có những trường hợp con mới 1-2 tuổi đã giao thừa kế trong khi nhu cầu của bé là tình thương vui chơi và thức ăn, ra trường 1-2 năm đã cho làm phó tổng giám đốc, thành viên HĐQT, mà đứa con ấy không biết làm gì, thậm chí quậy phá nát uy tín công ty.
Bởi người ta quá nôn nóng muốn cho con kế vị một cách nhanh chóng nên đặt nó vào một vị trí quá lớn so với năng lực của nó. Rõ ràng, họ muốn công ty mình trở thành một đế chế và "con vua rồi lại làm vua" .
Tại sao ông ta không để lại tài sản đó cho ban quản trị điều hành và con trai có thể tham gia ban quản trị hay làm người bảo vệ, tùy năng lực của anh ta? Tài sản đó vẫn thuộc về đứa con nhưng anh ta không tham gia quản lý nếu trình độ chỉ là người bảo vệ", ông Nguyễn Văn Đực phân tích.
Ông dẫn chứng, Bill Gates để lại 99,95% tài sản cho từ thiện, còn con ông ta chỉ được 0,05% số tiền sản khổng lồ đó. Bill Gates cũng vận động hàng trăm tỷ phú Mỹ hiến tối thiểu 50% tài sản để làm từ thiện.
Nhưng ở Việt Nam không có ai làm được như vậy. Họ thường cất một ngôi trường, xây một ngôi chùa... nhưng chưa ai dám tuyên bố sẽ để lại cho xã hội 50% tài sản của mình. Họ dành hết tài sản cho con mình mặc dầu có những người giàu lên nhờ cướp tài nguyên, môi trường của đất nước.
Nhiều đại gia nước ngoài giàu lên một cách chân chính, phát triển sự giàu có của họ bằng tài năng, trí tuệ, tổ chức quản lý chứ không phải bằng cách kết nhóm lợi ích, chiếm đoạt, mua chuộc, giành giật…
Từ cách kiếm tiền đến sử dụng đồng tiền, đại gia Việt kém hơn nước ngoài rất nhiều, ông Nguyễn Văn Đực nhận xét.
Thiếu tự tin nên phải xài sang
Theo ông Đực, nước ngoài vẫn có chuyện người giàu khoe của nhưng đại gia thực sự không nghĩ đến tiền nữa. Họ chú ý đến sở thích hơn, và từ thiện cũng là một sở thích.
Theo đó, quan điểm làm từ thiện đã thay đổi. Trước đây, nhiều người nghĩ khi chết mới từ thiện nhưng thực tế nếu chết rồi, người ta đâu thể nhìn thấy mặt đứa bé hớn hở, vui tươi khi được cứu đói, hay ông già hồ hởi khi được cấp một căn nhà.
Vì thế, nhiều người nước ngoài giàu có làm từ thiện khi còn rất trẻ, còn đương chức đương quyền.
"Đó là việc mà những người siêu giàu ở Việt Nam nên học tập, từ cách kiếm tiền chân chính, có trí tuệ, có ích cho xã hội đến cách tiêu tiền, để giành tiền và cách truyền ngôi cho con như thế nào", ông Đực nhấn mạnh.
Ông cũng chỉ ra thực tế, nhiều người trẻ trên thế giới giàu rất nhanh nhưng họ giàu chân chính. Có những người giàu từ nhiều đời nên họ không chỉ giàu mà còn sang do văn hóa được dạy kỹ càng, chuẩn mực như một quý tộc.
Chính tinh thần hiệp sĩ tạo nên cho họ một phong cách phóng khoáng, nhân bản, vị tha, bao dung và yêu thương mọi người.
Trong khi đó, ở Việt Nam, khá nhiều trường hợp thành công không phải nhờ năng lực. Có những người học vị cao nhưng cũng có người học vấn thấp. Những người ấy giàu quá nhanh, đến mức văn hóa, đạo đức không trưởng thành bằng đồng tiền họ kiếm được.
Bởi thấp văn hóa nên tuy nhiều tiền của nhưng họ không tự tin và càng không tự tin thì càng phải đắp điếm bằng những thứ xa xỉ.
"Vì thế mới có hiện tượng một nhà siêu giàu ở tỉnh xa khi tổ chức đám cưới cho con đã bỏ hàng tỷ đồng mời các ca sĩ số 1... Mẹ chồng tặng vàng cho cô dâu nhiều đến nỗi đeo trĩu cổ, hàng chục chiếc xe siêu sang xếp hàng dài đến dự...
Lẽ ra họ có thể làm nhỏ hơn và số tiền dư lại đem cúng chùa, nhà thờ hoặc xây trường học, nhà tình nghĩa, giúp người bệnh tật, học trò nghèo khó... Những việc làm ấy còn gây tiếng vang hơn việc đeo hàng kilogram vàng lên cổ cô dâu", ông Nguyễn Văn Đực bày tỏ.
(Theo Báo Đất Việt)