Vụ hồ sơ Paradise, bầu Hiển, ông Dương Công Minh, Đỗ Minh Phú,... sẽ buộc phải lựa chọn chỉ 1 vị trí: chủ tịch ngân hàng hoặc chủ tịch doanh nghiệp - đây là những thông tin đáng chú ý tuần qua.

Hơn 200 đại gia Việt có tên trong Paradise

Theo công bố của Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), Việt Nam có 92 thực thể nước ngoài (Offshore Entities), 22 cá nhân và 171 địa chỉ được nhắc đến trong các hồ sơ. Một số tổ chức, cá nhân trong hồ sơ có liên quan tới những  cái tên và địa danh khá nổi tiếng như: Phu Quoc, Hoi An, Furama, Ha Noi, TP.HCM,...

Một số cá nhân đã lên tiếng cho rằng, việc có tên trong danh sách là điều bình thường, hoàn toàn hợp pháp, hợp lệ. Nhưng đó chỉ là số rất ít. Phần lớn tài sản, giao dịch của các cá nhân, tổ chức, sự di chuyển của dòng tiền vẫn là một bí ẩn.

Ông chủ Vingroup lọt top 500 người giàu nhất hành tinh

Theo số liệu mới nhất của Forbes, tính đến hết ngày 23/11, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã tăng lên 4,2 tỷ USD và chính thức lọt vào top 500 người giàu nhất hành tinh. Ông Vượng hiện là người giàu thứ 490.

{keywords}
Bảng xếp hạng ông Phạm Nhật Vượng

Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang tăng chóng mặt trong năm 2017, từ mức 2,4 tỷ USD hồi tháng 3, chỉ sau 8 tháng tài sản của ông Vượng đã tăng thêm 1,8 tỷ USD.

Đây là điều nhiều người đoán trước được bởi trong lần cập nhật gần nhất là 3 hôm trước, nhiều người đã tự nhẩm tính được khối tài sản của ông Vượng sẽ tăng lên nhanh chóng khi cổ phiếu VIC của Vingroup và cổ phiếu VRE của Vincom Retail liên tục đạt đỉnh cao mới.

Cựu CEO FPT: FPT từng lạc lối 10 năm

Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam chia sẻ: "Chúng tôi từng mơ ước trở thành Microsoft và đọc rất nhiều sách của Bill Gates nhưng cũng mất 10 năm lạc lối, càng đi càng xa đích.

Năm 1998, ông cùng ông Trương Gia Bình tới Ấn Độ và đó là cột mốc thay đổi hoàn toàn quan điểm của nhóm. Và theo ông, phải đi chứ ngồi bàn không thì vô nghĩa.

“Khi sang Ấn Độ, tôi thấy đây là nơi tiệm cận ngang và phù hợp với mình. Đó là xây dựng công nghệ cao tại quốc gia vẫn còn nghèo. Ở Ấn Độ, có doanh nghiệp bề ngoài nhìn như Microsoft nhưng bên trong thì còn tệ hơn ở Việt Nam”, ông Nam kể.

Chủ tịch ngân hàng hoặc chủ tịch doanh nghiệp

Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Thực tế hiện nay đa số chủ tịch HĐQT của các ngân hàng tư nhân đều nắm giữ vị trí chủ tịch hoặc thành viên Hội đồng quản trị của rất nhiều doanh nghiệp khác.

Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển hiện là Chủ tịch của Tập đoàn T&T, Chứng khoán SHS,... Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh là Chủ tịch HĐQT của CTCP Him Lam. Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú là Chủ tịch HĐQT của Doji Group. Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh là Phó Chủ tịch HĐQT của Masan Group. Chủ tịch VIBank Đặng Khắc Vỹ là Chủ tịch Công ty Mareven Food Holdings.

Chủ tịch ABBank Vũ Văn Tiền là Chủ tịch Geleximco. Chủ tịch Kiên Long Bank Võ Quốc Thắng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Đồng Tâm Group.

Sếp lớn ngân hàng sẽ có sự thay đổi lớn

Cường Đôla âm thầm vận hạn ngàn tỷ

Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai của nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô-la) tiếp tục kéo dài chuỗi ngày giảm giá. Túi tiền của ông Cường và gia đình giảm mạnh, trái ngược với sức nóng trên thị trường chứng khoán cũng như những ồn ào với các hotgirl hàng đầu showbiz Việt.

Trong khoảng 5 tháng qua, cổ phiếu QCG đã giảm khoảng 55%, từ đỉnh cao gần 30 ngàn đồng/cp thiết lập hồi cuối tháng 6 xuống 13.550 đồng/cp như hiện tại.

Với cú giảm sốc vừa qua, khối tài sản nhà ông Nguyễn Quốc Cường đã giảm tổng cộng khoảng 2,3 ngàn tỷ đồng.

Bầu Đức trượt dài

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã hoàn tất giao dịch bán 23 triệu cổ phiếu HAG theo phương thức thỏa thuận từ ngày 30/10 đến 20/11/2017 và giảm sở hữu xuống 35% vốn.

Trong khoảng thời gian này, cổ phiếu HAG nhiều giao dịch thỏa thuận với mức giá từ 7-8 ngàn đồng/cp. Hiện tại, cổ phiếu HAG có giá trên sàn là 7.500 đồng/cp. Như vậy, số tiền Bầu Đức thu về khoảng 170 tỷ đồng.

Từ vị trí số 1 cách đây chưa tới 10 năm (2008 và 2009), ông Đoàn Nguyên Đức đã rớt hạng nhanh chóng. Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức giờ chỉ còn là một cái bóng mờ nhạt trước hàng loạt các doanh nghiệp lớn và làm ăn tốt đẹp khác.

{keywords}
Vận hạn của ông Đức

Mẹ chồng Hà Tăng mạnh tay chi tiền

Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPGroup) do bà Lê Hồng Thủy Tiên làm tổng giám đốc vừa chi ra khoảng 80 tỷ đồng mua hơn 3 triệu cổ phiếu SAS và nâng tổng số cổ phiếu cổ phiếu SAS nắm giữ lên hơn 34,6 triệu đơn vị (gần 26%).

Cựu diễn viên Lê Hồng Thủy Tiên - mẹ chồng Tăng Thanh Hà gần đây bất ngờ trở thành 1 trong người giàu có hàng đầu trong giới doanh nhân Việt Nam sau khi ông Johnathan Hạnh Nguyễn chuyển giao phần lớn cổ phần cho vợ và con.

Nguyên Chủ tịch Vinashin lại bị truy tố thêm lần nữa

VKSND tỉnh Phú Yên vừa truy tố nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin, Phạm Thanh Bình tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, Phạm Thanh Bình cũng đã bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xử phạt 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vinashin.

{keywords}
Cựu lãnh đạo ngân hàng

Hoàn tất cáo trạng truy tố Trầm Bê và Phạm Công Danh

VKSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can trong vụ sai phạm xảy ra tại các ngân hàng: Xây dựng (VNCB), Sacombank; Tiên Phong; BIDV.

Theo đó, Phạm Công Danh và Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch Sacombank), cùng các bị can khác bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, kết luận điều tra vụ án từng bị trả lại để điều tra bổ sung. Theo kết luận điều tra bổ sung, để có nguồn tiền thanh toán khoản vay 1.700 tỷ đồng tại BIDV, Phạm Công Danh đã đến gõ cửa Trầm Bê.

Giám đốc Quỹ tín dụng ‘ôm’ 50 tỷ trốn ra nước ngoài

Sau rất nhiều lần hứa nhưng không trả, một số người có gửi số tiền lớn đã buộc ông Vũ Công Liêm, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình phải viết giấy cam kết trả nợ. Mỗi lần người dân đến lấy tiền lãi hoặc rút tiền gốc, một số cán bộ và nhân viên làm việc tại đây đều hứa và xin khất lại.

Trước khi cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng thì giám đốc quỹ này đã bỏ trốn ra nước ngoài. Theo thống kê của cơ quan chức năng, khoảng 80 người gửi hơn 50 tỷ đồng vẫn chưa thể rút được tiền tại quỹ này.

Bảo Anh (Tổng hợp)