Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a về Xây dựng Chính phủ điện tử. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết, Việt Nam có nhiều dự án, chương trình về công nghệ thông tin, nhưng đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành một Nghị quyết về Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, một điểm trong nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp CNTT nhỏ băn khoăn. Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc CMC cho rằng, trong nghị quyết này có ghi rõ “Các doanh nghiệp CNTT lớn, trước hết là các doanh nghiệp nhà nước nòng cốt, có giải pháp huy động, tập hợp các doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ tham gia xây dựng, vận hành hệ thống thông tin để phục vụ quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương tới doanh nghiệp, người dân”. Ông Nguyễn Trung Chính đặt ra câu hỏi, tiêu chí thế nào để đánh giá doanh nghiệp CNTT lớn và doanh nghiệp CNTT nhỏ?

Cũng bày tỏ mối quan ngại về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Tổng giám đốc NetNam đưa ra câu hỏi, điều khoản này không rõ là doanh nghiệp nào? Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có chỉ đạo doanh nghiệp CNTT lớn phải tạo điều kiện doanh nghiệp nhỏ. Nhưng chúng tôi đang vẫn đang phải chờ đợi doanh nghiệp nhà nước lớn suy nghĩ hợp tác”, ông Vũ Thế Bình nói.

Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Công ty DTT lại đề cập đến vấn đề khó có chuyện doanh nghiệp CNTT lớn, trước hết là các doanh nghiệp nhà nước nòng cốt, có giải pháp huy động, tập hợp các doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ mà thậm chí doanh nghiệp CNTT lớn đang lấy việc của doanh nghiệp nhỏ. Ông Nguyễn Thế Trung dẫn chứng, khi DTT đang làm dịch vụ công cấp 4 cho Bộ Y tế, thì bất ngờ Viettel nhảy vào và thế chân để làm dịch vụ này. “Chúng tôi rất yêu nước vì vậy mới muốn làm Chính phủ điện tử, nhưng tình hình này thì có lẽ anh em phải đi bán phở” ông Nguyễn Thế Trung nói.

Trả lời về những vấn đề này, ông Lê Mạnh Hà cho rằng, nếu doanh nghiệp có sản phẩm tốt sẽ được lựa chọn. Việc xây dựng Chinh phủ điện tử sẽ tôn trọng tất cả các doanh nghiệp cùng tham gia.

Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hà cũng giải thích rằng, trong việc xây dựng vận hành dịch vụ công có nhiều phần phải đầu tư rất lớn từ đầu vì vậy doanh nghiệp nhỏ không thể làm được nên phải để cho các doanh nghiệp CNTT lớn. Những mảng cần đầu tư lớn, lâu dài và phải đảm bảo an toàn thông tin thì phải để doanh nghiệp CNTT lớn làm.

“Những nội dung trong Nghị định này có thể hiểu phải để doanh nghiệp nhà nước lớn thực hiện vì có nhiều công việc cần tập trung nguồn lực lớn, độ tập trung cao. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ lên danh sách dịch vụ công của các bộ ngành để các doanh nghiệp tham gia” ông Lê Mạnh Hà nói.