Tháng trước, người ta bắt gặp một người đàn ông khom lưng bới thùng rác trong một công viên ở Thượng Hải, Trung Quốc. Đó là ông Chen, hơn 70 tuổi, vô gia cư, kiếm sống bằng nghề nhặt rác và bán phế liệu.

Thật khó có thể tin rằng, ông Chen từng là một ông chủ rất nổi tiếng, nhưng mọi thứ đã thay đổi sau một quyết định, thông tin từ Toutiao. 

Gia đình giàu có

Đầu năm 2002, ông Chen khiến hàng xóm sốc khi muốn bán 2 căn nhà ở Thượng Hải, để cùng gia đình di cư sang Mỹ sống, với hy vọng con trai nhận được một nền giáo dục chất lượng cao.

Lý do ông đưa ra quyết định này một phần xuất phát từ sự kỳ vọng của cha mẹ dành cho con cái, một phần là muốn noi theo “tấm gương” của gia tộc.

bannhachoconduhoc1jpg.jpg
Vì tương lai con cái, ông Chen bán nhà cho con sang Mỹ

Ông Chen nói mình là chắt nội của Chen Qubing, một nhà thơ nổi tiếng ở Trung Quốc hiện đại. Trong những năm loạn lạc, để ủng hộ ông Chen Qubing, gia đình thậm chí còn bán cả một con phố ở Tô Châu. 

Do ảnh hưởng của truyền thống gia đình, khi còn trẻ, ông Chen cũng ôm ấp hoài bão lớn.

Ông Chen sinh ra ở Thượng Hải. Ông kết hôn vào năm 25 tuổi. Nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ nên ông có được một công việc ổn định. Sau 10 năm, mọi thứ đối với ông đều rất viên mãn.

Năm 1993, ông Chen bắt đầu kinh doanh riêng. Ông kiếm được lợi nhuận 400.000 Nhân dân tệ (hơn 1,4 tỷ đồng) trong 25 ngày. Đây là số tiền rất lớn vào thời điểm đó. Sau đó, ông lập công ty xây dựng, liên tiếp mua 2 căn nhà ở Thượng Hải. 

Quyết định sai lầm

Nhiều năm trước, ông nội của ông Chen đã di cư sang Mỹ. Sau đó, mọi người trong gia đình nội, ngoại cũng lần lượt sang Mỹ.

bannhachoconduhoc2.jpg
Ông không ngờ tuổi già phải đi nhặt rác kiếm sống

Ông Chen khi đó là người duy nhất trong gia đình do dự, không muốn rời xa quê hương. Nhưng cuối cùng, ông cũng không thể cưỡng lại sự thuyết phục của gia đình và tin vào nền giáo dục chất lượng cao của Mỹ.

Để con trai vào được một trường đại học hàng đầu, ông đã đưa ra quyết định thay đổi cuộc đời mình.

Để sang Mỹ, ông Chen buộc phải huỷ hết các giấy tờ của mình, đồng nghĩa với việc từ bỏ mọi quyền lợi ở Trung Quốc. Ông Chen không hề do dự. Vì tương lai của con cái, ông mang theo tất cả tiền bạc, cùng gia đình sang Mỹ.

Chớp mắt 11 năm đã qua, nhưng ông vẫn chưa thể hòa nhập được với cuộc sống ở Mỹ. Ông không có cảm giác thuộc về nơi này. Khi chứng kiến cảnh người già ở Mỹ sống một mình, ông lo sợ bản thân cũng sẽ như vậy.

Năm 2012, ông Chen, khi đó 58 tuổi, lặng lẽ trở về Trung Quốc một mình mà không nói với bất kỳ người nào trong gia đình. Ông cố gắng tìm lại những thứ mà mình đã đánh mất suốt 10 năm.

Tuy nhiên, việc trở về không hề dễ dàng. Khi di cư sang Mỹ, ông đã huỷ hết các giấy tờ có liên quan. Vì không có hộ khẩu, nên ông không được hưởng các quyền lợi như một công dân Trung Quốc hợp pháp.

Sau khi tiêu hết tiền, ông đành sống lang thang, ngủ ngoài lề đường. Ông kiếm sống bằng nghề nhặt rác, bán phế liệu. Ngày nào may mắn thì kiếm được 20 Nhân dân tệ (70 nghìn đồng), còn không thì chỉ đủ tiền ăn bánh bao hấp.

Suốt thời gian qua, ông Chen ngủ trong công viên vào mùa hè, đông thì chui vào ga xe lửa tá túc.

Cuộc sống hiện tại

Năm nay, ông Chen đã ngoài 70 tuổi, gầy gò, suy dinh dưỡng, răng rụng, dáng vẻ hốc hác, đôi mắt sâu hoắm. Tuy vậy, ông vẫn chưa từng nhờ gia đình bên Mỹ giúp đỡ.

Ông tiết lộ, vợ ông không chấp nhận sự kém cỏi của ông sau khi sang Mỹ, nên họ đã ly hôn từ lâu. Về con trai, ông chia sẻ: “Thằng bé học làm phim hoạt hình, đã lập gia đình và khởi nghiệp ở Mỹ. Cuộc sống của nó rất tốt, nhưng hiện tại nó không liên lạc với tôi. Tôi cũng không tìm nó”.

Không rõ 2 cha con đã xảy ra mâu thuẫn gì, nhưng hơn chục năm qua họ không liên lạc với nhau. Người con cũng chưa bao giờ can thiệp vào cuộc sống của cha mình và không cấp dưỡng bất cứ đồng nào.

bannhachoconduhoc.jpg
Cuộc đời đầy thăng trầm của ông khiến người ta xót xa

Có vẻ như ông Chen cũng không muốn cầu cứu con trai mình. 

Ông Chen cho biết, mong muốn lớn nhất của ông bây giờ là khôi phục lại hộ khẩu ở Trung Quốc. Ông đã tìm kiếm sự giúp đỡ khắp nơi nhưng đều gặp trở ngại, thậm chí có nơi còn từ chối với lý do “cư trú bất hợp pháp”.