- Chính phủ quyết định phương án bán vốn nhà nước tại công ty sở hữu Tràng Tiền Plaza. Theo đó Nhà nước vẫn sẽ nắm đa số vốn tại Tràng Tiền Plaza.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 1001/QĐ-TTg phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đến năm 2020.

Một trong những điểm đáng chú ý của Quyết định 1001 là đến năm 2020, SCIC sẽ thực hiện cổ phần hóa và bán vốn tại 5 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến Đá An Giang; Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư Thương mại Tràng Tiền; Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển HPI; Công ty TNHH MTV In và phát hành biểu mẫu thống kê và Công ty TNHH MTV In thống kê TPHCM.

Hiện tại, ngoại trừ Công ty TNHH 2TV Đầu tư Thương mại Tràng Tiền - đơn vị sở hữu Tràng Tiền Plaza, tỷ lệ vốn Nhà nước là 90% thì 4 DN còn lại, Nhà nước đều đang sở hữu 100% vốn. Theo lộ trình, Công ty TNHH 2TV Đầu tư Thương mại Tràng Tiền sẽ thực hiện cổ phần hóa trong năm 2018 và hoàn thành xác định giá trị DN trong tháng 5/2018. Sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm 51% vốn tại DN này.

{keywords}

Như vậy Quyết định 1001 đã cho thấy Nhà nước vẫn nắm giữ 51% vốn tại DN này.

Mới đây việc bán cổ phần Tràng Tiền Plaza cũng thu hút sự chú ý của dư luận. SCIC và Bộ Tải chính đề xuất giữ 51% vốn tại công ty sở hữu Tràng Tiền Plaza nhưng Bộ Công Thương góp ý nên bán hết do đây không phải diện DN nhà nước nắm giữ vốn.

Theo phương án bán vốn nhà nước được SCIC trình các cơ quan chức năng, với Công ty TNHH MTV đầu tư thương mại Tràng Tiền - chủ trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, SCIC đang nắm 90% vốn điều lệ. Do DN có đặc điểm mang tính biểu tượng lịch sử, văn hóa đặc biệt của thủ đô Hà Nội, SCIC đề nghị thực hiện cổ phần hóa và tiếp tục nắm giữ 51% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại có ý kiến khác. Bộ Công Thương đề nghị thoái hết vốn nhà nước tại DN này do lĩnh vực kinh doanh thương mại nhà nước không cần nắm giữ cổ phần.

Trước đó, trao đổi với PV. VietNamNet việc SCIC muốn tiếp tục nắm 51% vốn tại Tràng Tiền Plaza, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho rằng: Việc bán vốn nhà nước tại công ty sở hữu Tràng Tiền Plaza chắc chắn có liên quan đến vấn đề hiệu quả hoặc người ta (SCIC - PV) thấy thời điểm này chưa hợp lý, người ta muốn gia tăng giá trị để bán giá trị cao hơn.

Khi ấy, ông Tiến cũng cho hay Tràng Tiền Plaza nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh Nhà nước không cần nắm giữ, do đó đang trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét có cần nắm giữ vốn Nhà nước tại đây nữa hay không.

Theo đại diện Bộ Tài chính, vấn đề chính khi bán vốn Nhà nước của Tràng Tiền Plaza là đất bởi vị trí này gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, mang trong mình nhiều giá trị lịch sử. Do đó quan điểm của đại diện Bộ Tài chính là “việc bán nó phải hết sức thận trọng”.

Hiện Tràng Tiền Plaza được Tập đoàn IPP của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn thuê để làm trung tâm hàng hiệu, phục vụ chủ yếu tầng lớp có thu nhập cao và khách nước ngoài. Còn chủ sở hữu khu trung tâm thương mại này là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền (SCIC sở hữu 90% và Tổng công ty Thương mại Hà Nội sở hữu 10% vốn điều lệ).

Lương Bằng