Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace (TP.HCM) vừa được Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) rao bán theo hình thức đấu giá với giá khởi điểm là 356 tỷ đồng. Mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng kí và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua tài sản sẽ do người trúng đấu giá chi trả.
Trước đó, vào cuối năm 2019, trung tâm tiệc cưới này được rao bán với giá 535 tỷ đồng. Như vậy, mức giá rao bán hiện nay của trung tâm tiệc cưới này đã giảm khá mạnh so với cuối năm ngoái.
Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace được xây trên khu đất rộng 2.675m2, thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM. Với mức đầu tư hơn 580 tỷ đồng, trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace và khách sạn MerPerle Crystal Palace có quy mô 2 tầng hầm, 8 tầng nổi và sân thượng, gồm 4 phòng tiệc cưới sức chứa hơn 1.500 khách, cùng 80 phòng khách sạn chuẩn 4 sao. Trung tâm này được khai trương vào tháng 10/2015 và có thời hạn sử dụng đến năm 2058.
Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại TP.HCM (Ảnh: Khoa Học & Đời Sống) |
Chủ của Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace là Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Vy (Công ty Khải Vy).
Báo Đấu Thầu thông tin, Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace là tài sản lớn nhất của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy bị đưa ra bán đấu giá. Danh sách tài sản bán đấu giá thuộc sở hữu của Tập đoàn Khải Vy còn gồm 8,75 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Hòn Tằm Biển Nha Trang. Giá khởi điểm của lô cổ phần này được BIDV Chi nhánh Phú Tài, Bình Định đề xuất ở mức 163,78 tỷ đồng.
Công ty Khải Vy được thành lập vào tháng 5/2000, tiền thân là Nhà máy Chế biến gỗ Duyên Hải. Theo giấy đăng ký kinh doanh vào cuối tháng 12/2010, Công ty có vốn điều lệ là 80 tỷ đồng, do vợ chồng doanh nhân Đoàn Văn Trang và Mai Thị Mai nắm giữ 98,5%.
Ban đầu, công ty này tập trung vào lĩnh vực sản xuất đồ gỗ sau đó mở rộng thêm lĩnh vực kinh doanh, phát triển thành mô hình tập đoàn đa ngành. Năm 2007, Khải Vy đầu tư 3 triệu USD vào lĩnh vực trồng rừng ở Đắk Nông với quy mô trên 3.000 ha.
Khải Vy còn được biết đến là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn như: Khu du lịch nghỉ dưỡng trên đảo Hòn Tằm có diện tích 114 ha, tổng vốn đầu tư 42 triệu USD, với 49 bungalow và 15 căn villa. Công ty Khải Vy còn là chủ của khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (tại phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM) có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 8.231 tỷ đồng, phát triển trên diện tích 77.354,8 m2, chia làm 2 khu thấp tầng với 120 nền biệt thự - nhà liền kề và 8 khối căn hộ cao tầng...
Quy mô vốn điều lệ của Khải Vy cũng nhiều lần thay đổi. Từ đầu năm 2018 tới nay, vốn điều lệ của Công ty từ mức hơn 713,1 tỷ đồng giảm xuống còn 358,76 tỷ đồng. Ông Trang cũng thoái lui khỏi nhiều doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của Khải Vy.
Người thay thế ông Trang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Khải Vy là ông Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 1960). Ông Bảo cũng đảm nhiệm vai trò đại diện cho nhiều công ty khác trong "hệ sinh thái" của Khải Vy như: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Khải Vy, Công ty Cổ phần Merperle Đà Lạt, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Duyên Hải.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)