Công tác chuẩn bị cho việc vận hành lại nhà Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất đang tiến đến những bước cuối cùng. Một trong 13 dự án ngàn tỷ đắp chiếu của ngành công thương tiếp tục được giải cứu.
Ông Phạm Văn Vượng, Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dung Quất (BSR-BF), cho biết: Phương án hợp tác với đối tác khởi động vận hành lại nhà máy đã được các cổ đông thống nhất thông qua tại Đại hội đồng cổ đông.
Đó là nội dung Dự thảo Hợp đồng hợp tác gia công sản phẩm giữa BSR-BF với Công ty cỏ phần đầu tư và thương mại tạp phẩm (Tocontap) .
Trên cơ sở đó, BSR-BF và Tocontap đã ký Hợp đồng hợp tác vào ngày 12/6/2018 và chuẩn bị kế hoạch thực hiện hợp đồng.
Những vấn đề phát sinh như: do nhà máy dừng hoạt động khá lâu, cần phải bảo dưỡng, sửa chữa, để bảo đảm các thông số kỹ thuật trước khi đi vào vận hành đã và đang được các kỹ sư, thợ lành nghề từ Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tăng cường, đã hoàn thành toàn bộ công tác kiểm tra. Riêng việc thay thế phụ tùng vật tư thiết bị lớn, BSR-BF đang chờ đối tác ứng kinh phí để triển khai thực hiện.
Nhà máy ethanol Dung Quất |
Hợp đồng giữa BSR - BF và Tocontap nêu rõ: BSR - BF là đơn vị nhận gia công sản phẩm chính là Ethanol từ nguyên liệu do Tocontap cung cấp. Nghĩa là Tocontap sẽ chịu trách nhiệm thu xếp nguồn nguyên liệu, tổ chức phân phối Ethanol sau khi ra thành phẩm.
Phía BSR - BF sẽ chịu trách nhiệm gia công Ethanol từ nguyên liệu sắn do Tocontap cung cấp. Hợp đồng này có thời hạn là 10 năm kể từ ngày ký, chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn 5 năm. Trong hợp đồng cũng ghi rõ, trong vòng 12 tháng đầu, phía Tocontap cam kết tiêu thụ hết toàn bộ sản lượng Ethanol mà phía BSR - BF sản xuất được.
Trong hợp đồng này, phía đối tác cũng cam kết tạm ứng kinh phí cho việc sửa chữa nhà máy và chi phí gia công. Kinh phí này sẽ được chuyển ngay cho phía BSR - BF khi kế hoạch và dự toán chi phí bảo dưỡng sửa chữa được thông qua giữa 2 bên. Phía Tocontap cũng đồng ý tạm ứng 70% chi phí gia công bằng tiền mặt cho phía BSR - BF trong vòng một tuần kể từ khi hai bên thống nhất kế hoạch sản xuất theo từng đợt, hoặc theo quý, theo tháng do bên BSR - BF cung cấp.
Ông Phạm Văn Vượng nói thêm: Hiện BSR-BF đã hoàn chỉnh hồ sơ về kế hoạch triển khai bảo dưỡng, sửa chữa gửi cho phía đối tác Tocontap. Trong đó, có những tính toán hết sức cụ thể: trong khoảng thời gian còn lại của năm 2018, BSR - BF sẽ sản xuất khoảng 7.000 m3 Ethanol cho Tocontap và số lượng 35.000 m3 còn lại như đã ký trong hợp đồng sẽ sản xuất vào năm 2019.
Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất ra đời nhằm thực hiện đề án phát triển nhiên liệu sinh học của Chính phủ. Ngay từ năm 2013, nhà máy đã sản xuất những lô sản phẩm đầu tiên. Sản phẩm của nhà máy đã được phối trộn với xăng khoáng A92, thành xăng sinh học E5.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó trở đi giá dầu thô liên tục sụt giảm, cùng với đó giá nguyên liệu “đầu vào” để sản xuất Ethanol lại tăng cao, giá thành sản phẩm vì thế cũng “đội trần”, không thể tiêu thụ được. Những hệ lụy đó đưa nhà máy vào cảnh thua lỗ, thiếu vốn hoạt động. Các cổ đông đều là doanh nghiệp Nhà nước, việc tiếp tục “rót” vốn cho nhà máy không thể thực hiện được vì những quy định của pháp luật. Từ đó nhà máy phải dừng sản xuất đến nay.
Mới đây, báo cáo của Bộ Công Thương cho hay, dự án ethanol Dung Quất là một trong 4 dự án bị Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an.
Thanh tra quá trình xây dựng Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất (Ethanol Dung Quất, tại tỉnh Quảng Ngãi), Thanh tra Chính phủ đã kết luận có dấu hiệu cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC,...
Tại bản kết luận này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất có vốn nhà nước trên 30% tổng mức đầu tư, do đó phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên PVN - đại diện vốn Nhà nước của các đơn vị thành viên tại PCB và chủ đầu tư PCB đã thực hiện chỉ định thầu.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí chưa có kinh nghiệm với vai trò đứng đầu liên danh thực hiện dự án. Do đó Thanh tra Chính phủ khẳng định: Việc chỉ định thầu không thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Đấu thầu.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, Hợp đồng EPC đã được điều chỉnh tăng từ 59,177 triệu USD thành 67 triệu USD, tăng 7,723 triệu USD, trong đó 3,245 triệu USD tăng không có cơ sở. Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, vốn đầu tư đã sử dụng cho dự án là 2.124 tỷ đồng, tăng 631 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư khi phê duyệt dự án (tăng 42%) làm tăng chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí vốn vay dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.
L.Bằng