Khất lần chậm trả

CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà - Sudico (SJS) vừa ra thông báo điều chỉnh thời gian thanh toán cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt tỷ lệ 10% (tương đương 1.000 đồng/cp) cho cổ đông. Thay vì sẽ chi trả vào ngày 15/4/2019 như kế hoạch, Sudico lùi thời gian thanh toán sang 30/9/2019. Lý do điều chỉnh: Sudico chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt cho các cổ đông như đã thông báo.

Như vậy, đây là lần thứ 4 Sudico xin khất thời hạn thanh toán cổ tức 2016 cho cổ đông do không thu xếp được nguồn tiền. Lần đầu tiên đã cách đây vài năm.

Tại thời điểm chốt quyền, vốn điều lệ Sudico là 1.000 tỷ đồng, tương ứng 100 triệu cổ phiếu lưu hành. Như vậy, số tiền cổ tức mà Sudico sẽ phải chi trả là 100 tỷ đồng. Trong khi đó, đến cuối năm 2018, số dư tiền và tương đương của doanh nghiệp chỉ là hơn 40 tỷ đồng.

Trong khi chưa có tiền trả cổ tức năm 2016, Sudico lại vừa thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2017 cũng tỷ lệ 10% cho cổ đông, tương đương 115 tỷ đồng.

{keywords}
VCR lùi cổ tức 8 năm.

Hiện tượng chậm hoãn cổ tức trên thị trường chứng khoán không phải là hiếm.

CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex - Vinaconex ITC (VCR), một công ty con của Tổng công ty Vinaconex, cũng vừa công bố nghị quyết HĐQT 3 với nội dung điều chỉnh ngày thanh toán cổ tức năm 2010 (tỷ lệ 15% bằng tiền mặt) rời sang đến ngày ngày 30/3/2020.

So với kế hoạch ban đầu, Vinaconex ITC của ông Dương Văn Mậu lùi thời gian thanh lên tới 8 năm. Lý do vẫn không có nhiều thay đổi: do công ty chưa thu xếp, bố trí được nguồn tiền. 

Trước đó, Sông Đà 9.06 (S96) cũng hoãn thời gian trả cổ tức bằng tiền năm 2010 thêm 3 năm, kéo dài sang cuối năm 2021 cũng với lý do chưa thu xếp được nguồn tiền. Đây cũng là lần thứ 9 công ty khất hẹn trả cổ tức và khiến các cổ đông mòn mỏi chờ đợi 10 năm.

Từng là một trong các siêu cổ phiếu thu hút sự chú ý của giới đầu tư hồi những năm 2009-2010 nhưng số phận S96 giờ khá bi đát, giá chỉ bằng 1/100 lần so với đỉnh cao trước đó, khoảng 400 đồng/cp và chỉ còn đăng ký giao dịch trên Upcom.

HCD của CTCP Đầu tư sản xuất và thương mại HCD thuộc nhóm các doanh nghiệp chậm trễ trì hoãn cổ tức. HCD thậm chí còn bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) ra công văn nhắc nhở vì việc chậm chi trả cổ tức năm 2017 sau khi doanh nghiệp rời ngày thanh toán từ 20/3 sang 30/9/2019.

{keywords}
Dự án khu đô thị Cái Giá từ 2011.

Đây là lần thay đổi thứ 3 cho đợt trả cổ tức 6% này. Lý do của HCD khác đôi chút: Công ty đang ưu tiên nguồn tiền để nhập nguyên liệu dự trữ cho sản xuất - kinh doanh và đầu tư bổ sung dây chuyền máy móc để mở rộng sản xuất.

Giới đầu tư còn chứng kiến nhiều gương mặt khất lần chậm hoãn chi trả cổ tức như CTCP Sông Đà 6 (SD6) với 4 lần khất và cho đến nay vẫn chưa trả tiền; CTCP Xây dựng số 5 (VC5) cũng có tới 7 lần điều chỉnh thời gian thanh toán cổ tức; Giao thông Đồng Nai (DGT) lùi cổ tức 2015 lần thứ 5; Đầu tư Phát triển Cường Thuận Idico (CTI), Đầu tư Xây dựng và Công nghệ Tiến Trung (TTZ),...

Đại gia: người gặp khó, kẻ tính đại cục

Phần lớn doanh nghiệp chậm hoãn trả cổ tức là do gặp khó khăn về dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ, lãi ít hoặc thậm chí có nguy cơ phá sản, bị cảnh báo về khả năng tiếp tục hoạt động.

Vinaconex ITC (VCR) là chủ đầu tư dự án khu đô thị có một không hai bên bờ vịnh Cái Giá của đảo Cát Bà, từng được Vinaconex giới thiệu có tổng vốn đầu tư lên tới tỷ USD. Tuy nhiên, dự án mang tính sống còn của Vinaconex ITC đã đắp chiếu nhiều năm qua.

VCR trải qua một thời gian dài làm ăn bết bát và chìm nổi với dự án, đặc biệt là năm 2017, UBND TP. Hải Phòng đã yêu cầu tạm dừng các hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN này tại Khu đô thị du lịch Cái Giá.

Dự án dậm chân tại chỗ, doanh nghiệp thua lỗ và gánh khoản nợ thuế nộp Nhà nước chưa kể phải trả ngắn hạn khác lên tới hàng trăm tỷ đồng. VCR lỗ lũy kế hàng chục tỷ đồng. Tài sản gần 870 tỷ đồng, trong đó có tới hơn 90% được ghi nhận là chi phí tài sản dở dang tại khu đô thị Cái Giá.

Gần đây, Hải Phòng quyết định hủy bỏ việc thu hồi khu đất do Vinaconex ITC quản lý tại Cát Bà, khôi phục tình trạng đầu tư cho dự án. Cổ phiếu CVR tăng giá mạnh trở lại. Tuy nhiên, hiện tình trạng của VCR vẫn rất tệ hại, quý 1/2019 lỗ hơn 1,7 tỷ đồng và không có doanh thu. 

{keywords}
Dự án của VCR vẫn còn trên giấy.

VCR vừa lên kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng cho công ty mẹ Vinaconex để tái khởi động dự án Cái Giá. Tuy nhiên, đại gia hàng đầu Vinaconex đang không thể hoạt động do HĐQT bị vô hiệu sau quyết định của tòa án do xung đột hai nhóm cổ đông: nhóm đại gia bất động sản số 1 An Quý Hưng và nhóm Cường Vũ.

Khả năng trả cổ tức đúng hẹn sau 8 năm lùi hoãn dường như vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Hay như trường hợp ông lớn BĐS một thời Sudico, chuyện trả cổ tức được hay không cũng rất mơ hồ. Sudico Sông Đà trở thành cái bóng của chính mình với một thời từng là đại gia BĐS với quỹ đất khổng lồ tại nhiều dự án lớn. Cũng giống như VCR, SJS hiện chỉ có một dự án trọng điểm đáng chú ý là khu đô thị Nam An Khánh 280ha. Đại gia này đã phải xà xẻo đất bán cho nhiều công ty lớn nhỏ. Cổ phiếu SJS giảm 8 phiên gần đây, trong đó có 2 phiên sàn.

Hiện tượng hàng loạt doanh nghiệp chây ì trả cổ tức chủ yếu do thua lỗ, lãi ít và đang gặp khó khăn về dòng tiền. Nhưng cũng có những đơn vị có lãi, thậm chí lãi lớn nhưng các cổ đông lớn còn tính việc đại sự. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng chỉ ra văn bản nhắc nhở chứ không có chế tài. Việc này được quyết định tại ĐHĐCĐ của doanh nghiệp nên cổ đông chỉ biết ấm ức.

Tuấn Linh