Một tuyên bố mới đây của đại gia Thái đang nổi lên trên thị trường Việt Nam gây ra khôn ít lo ngại. Ông Philippe Broianigo, CEO của Central Retail tại Việt Nam công bố trong 5 năm tới sẽ đầu tư khoảng 35 tỷ Bath (1,1 tỷ USD) để mở rộng kinh doanh tại 55 tỉnh thành của Việt Nam. Ngay trong năm 2021, đại gia sừng sỏ ngành bán lẻ Thái này dự kiến sẽ giải ngân 211 triệu USD để mở 4 trung tâm thương mại tại một số tỉnh thành.

Thương hiệu này đã sở hữu 37 trung tâm thương mại và 230 cửa hàng tại Việt Nam. Mục tiêu trong 5 năm tới sẽ đẩy mạnh đầu tư để có độ bao phủ lên 55 tỉnh thành, cạnh tranh sòng phẳng với các đại gia bán lẻ của Việt Nam.

Takashimaya, một đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản đang có kế hoạch mở rộng tại thị trường Việt Nam. Theo kế hoạch, Takashimaya sẽ phát triển không gian thương mại và văn phòng tại Starlake trong giai đoạn 2022 - 2025, bên cạnh hai dự án thương mại qui mô lớn khác ở Hà Nội. Theo Nikkei, đại gia gia bán lẻ Nhật Bản sẽ cải tạo một số tòa nhà hỗn hợp mà họ đã mua lại tại TP HCM và Hà Nội.

Ấn tượng nhất là đợt sóng mở rộng của các thương hiệu lớn. Nổi bật nhất là Uniqlo khi đã tự tin “đánh lớn”, lần lượt mở thêm 5 cửa hàng tại Hà Nội và TP. HCM chỉ trong 7 tháng trong năm đại dịch. Có mặt tại Việt Nam sau H&M và Zara, nhưng Uniqlo đang có tốc độ mở cửa hàng nhanh nhất. Hiện Uniqlo có 8 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM.

Hãng thời trang và dụng cụ thể thao Decathlon cũng vừa mở thêm cửa hàng thứ hai tại Mega Mall Thảo Điền (TP. Thủ Đức). Ngoài ra, các thương hiệu quốc tế từ trung đến cao cấp như Balenciaga, Tiffany & Co cũng có kế hoạch thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

{keywords}
Nhiều thương hiệu đổ bộ vào Việt Nam

Thị trường bán lẻ Hà Nội trong quý vừa qua chứng kiến sự mở rộng và gia nhập của nhiều nhãn hàng thời trang như Pandora, Weekend Max Mara. CBRE Việt Nam dự báo, các quý tới, nhiều nhãn hàng thời trang sẽ tiếp tục ra mắt, giúp thị trường bán lẻ sôi động hơn.

MUJI - thương hiệu Nhật Bản cũng đặt dấu chân đầu tiên tại Việt Nam với cửa hàng tại TP. HCM và Hà Nội. Thương hiệu thời trang thể thao Fila cũng “Bắc tiến” với 2 cửa hàng liên tiếp tại Hà Nội ở Vincom Center Phạm Ngọc Thạch và Vincom Mega Mall Ocean Park.

Trong số 66 dự án được cấp mới tại Hà Nội đầu năm 2021, có 5 dự án trung tâm mua sắm và siêu thị, đóng góp 13,48 triệu USD. Cả 5 dự án đều được phát triển bởi những nhà đầu tư lớn, theo đuổi hoạt động đầu tư dài hạn tại Việt Nam đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Con số cho thấy làn sóng các đại gia ngoại tiếp tục đổ vào Việt Nam bất chất những khó khăn do Covid-19 lan tràn toàn cầu,.

Mảnh đất tiềm năng

Đi “lội ngược dòng” này chứng minh sức hút và triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Về thị trường bán lẻ, Việt Nam có lợi thế lớn với nền kinh tế phát triển nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Trong Q1/2021, GDP của Việt Nam đạt tăng trưởng 4,5%, thể hiện các hoạt động kinh tế tích cực trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.

Vốn FDI cam kết trong quý đầu tiên tăng 18,5%, trong khi FDI giải ngân tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, số lượng dân số tăng đều và chi tiêu tiêu dùng tăng nhanh cũng khiến thị trường bán lẻ tại Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Trading Economics, doanh số bán lẻ tại Việt Nam dự báo tăng 11% trong năm 2021, vượt xa với các nước Đông Nam Á khác. Năm 2021, chi tiêu hộ gia đình Việt Nam dự kiến tăng 9,6% theo năm, tăng so với mức dự báo 0,5% năm 2020, theo Fitch Solutions. Các danh mục chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trở lại trong 2021. Theo báo cáo của McKinsey, người tiêu dùng có khả năng quay trở lại sớm hơn với hàng hóa cao cấp, như đã từng diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với mức tăng trưởng được dự báo từ 1% đến 4% vào năm 2021.

Về triển vọng, Việt Nam hiện có chỉ số kinh tế vĩ mô hứa hẹn như tăng trưởng GDP mạnh mẽ, tăng trưởng chi tiêu đi kèm vớiquá trình đô thị hoá nhanh. Nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh hấp dẫn, Việt Nam được xem như một điểm đến đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với đà tăng trưởng GDP, tốc độ đô thị hoá tại Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục diễn ra nhanh chóng. Số lượng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đồng thời gia tăng. Theo nghiên cứu của World Bank, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện chiếm 13% tổng dân số và sẽ đạt 26% vào năm 2026.

Tăng trưởng này sẽ tạo ra sự thay đổi lạc quan trong tổng chi tiêu tiêu dùng nội địa. Hơn nữa, việc GDP bình quân đầu người gần chạm mức 3,000 USD cũng đồng thời cho thấy tiềm năng đáng kể cho ngành bán lẻ tại Việt Nam.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ nhất tại khu vực, điều này đã thúc đẩy các công ty toàn cầu đầu tư nhiều hơn nữa vào thị trường thương mại điện tử trong nước.

{keywords}
Việt Nam là thị trường tiềm năng trong khu vực

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, đưa thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD.

Theo Kế hoạch Tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025, có tới 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hoá và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600USD/người/năm.

Doanh số thương mại điện tử mô hình B2C tăng 25%, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Theo dự báo, 55% tổng dân số Hà Nội sẽ mua sắm trực tuyến trên các nên tảng thương mại điện tử, với tăng trưởng doanh thu đạt 20%/năm vào năm 2025.

Ông Yoshio Murata, Chủ tịch Takashimaya cho hay: "Việt Nam còn rất nhiều dư địa để chúng tôi mở rộng danh mục đầu tư trong nhiều lĩnh vực tại nước này".

Giữ vị thế sân nhà

Sự có mặt của các đại gia ngoại khiến áp lực với các doanh nghiệp nội ngày càng tăng trước nguy cơ mất vị thế trên sân nhà.

Trong lĩnh vực thời trang, dữ liệu từ Euromonitor cho biết ba doanh nghiệp nắm thị phần lớn nhất thị trường thời trang Việt Nam đều là nằm trong tay nước ngoài, dẫn đầu là Adidas với 1,5%. Các doanh nghiệp Việt theo ngay sau tốp 3 là những doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu không còn xa lạ như Biti’s, Canifa, Việt Tiến, May 10.

Để tồn tại, theo CTCP Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC), ngành thời trang trong nước phải chú trọng hơn vào tính bền vững, bao gồm vật liệu sản xuất từ các nguồn thân thiện môi trường, nguồn vật liệu tái chế và ít dùng hóa chất, quy trình sản xuất đảm bảo các yếu tố tiết kiệm năng lượng, phúc lợi lao động. Bên cạnh đó, phân phối trên kênh thương mại điện tử ngày càng phổ biến, người tiêu dùng chuyển sang kênh trực tuyến nhiều hơn.

Như câu chuyện trong lĩnh vực bán lẻ là một ví dụ. Lĩnh vực này từng bị cảnh báo đại gia ngoại thâu tóm khi hàng loạt các tên tuổi nước ngoài xâm nhập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nội địa đã chứng minh không dễ để mất thị trường nội địa một cách dễ dàng.

Thị trường bán lẻ tại đã có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp nắm giữ thị trường chủ yếu vẫn là những thương hiệu nội địa như Vingroup, Masan và MWG.

Do không đủ khả năng cạnh tranh, một số nhà bán lẻ nước ngoài đã phải rời khỏi thị trường. Trong khi đó, những doanh nghiệp nội địa đã nắm bắt thành công cơ hội M&A để tăng quy mô cũng như mở rộng thêm thị phần thị trường bán lẻ trong nước.

Theo số liệu từ Kantar Worldpanel, top 4 siêu thị, đại siêu thị chiếm thị phần cao nhất tại Việt Nam là Saigon Co.op, Central Retail, The CrownX và Bách Hóa Xanh. Như vậy, chỉ duy nhất một tên tuổi ngoại góp mặt là Central Retail.

The CrownX được Alibaba và Baring Private Equity Asia rót 400 triệu USD mua cổ phần phát hành mới. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ Việt Nam này được định giá đến 6,9 tỷ USD (trước phát hành).

Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế nên việc chịu sức ép cạnh tranh với hàng ngoại nhập và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là điều khó tránh khỏi.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh. Chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh vị thế “sân nhà”.

D.Anh