- Hàng loạt vụ đổ bể của "đại gia" thủy sản đã làm tan tành giấc mộng làm giàu 'xổi' của không ít doanh nhân mới nổi ở miền Tây. Phá sản, nợ nần, tù tội... người đổ bệnh, người trốn ở trời Tây... kéo theo sự bất ổn của một vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước.

Liên tục xộ khám

Những ngày cuối năm 2014, giới kinh doanh miền Tây lại chứng kiến thêm một "đại gia" bị bắt để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đó là ông Trần Tấn Hải, nguyên Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu Việt Hải - Cà Mau.

Việt Hải thành lập 2008 có vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Lợi dụng chính sách ưu đãi và quan hệ một số cán bộ ngân hàng, ông Hải lập hàng loạt các hồ sơ vay vốn với số tiền lên tới 120 tỉ đồng nhưng tới ngày bị bắt lãi không đóng đã lên đến 50 tỷ đồng.

Cơ quan công an cũng đã bắt giam đối với bà Đặng Thị Ngợi, Giám đốc Xí nghiệp chế biến và xuất nhập khẩu thuỷ sản Ngọc Sinh và Phan Minh Nhật, Phó giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Minh Châu ở Cà Mau về hành vi tương tự, với số tiền chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng.

Cách đó không lâu, cơ quan công an cũng đã bắt cả loạt đối tượng trong vụ thủy sản Phương Nam vỡ nợ. Đại gia thủy sản miền Tây, Lâm Ngọc Khương của Thủy sản Phương Nam lừa đảo, bỏ trốn sang Mỹ để lại khoản nợ 1.600 tỷ đồng đã khiến 25 nguyên lãnh đạo chi nhánh, phòng chuyên môn của 5 ngân hàng bị truy tố hồi giữa tháng 12/2014 vì vi phạm cho vay.

Trước đó, đại gia Thủy sản Bình An (Bianfishco) Diệu Hiền với danh tiếng đại gia thủy sản hàng đầu khu vực cũng đã nhanh chóng rơi vào vỡ nợ với cảnh người dân vây bủa nhà cửa do không có tiền trả cho người nuôi cá. Nợ ngân hàng lên đến hàng ngàn tỷ. Nữ đại gia này sau đó đã rút hẳn về nghỉ ngơi, dưỡng bệnh.

{keywords}

Đại gia Thủy sản Bình An (Bianfishco) nhanh chóng rơi vào vỡ nợ với cảnh người dân vây bủa nhà cửa do không có tiền trả cho người nuôi cá.

Có thể kể ra cả loạt các đại gia thủy sản miền Tây như: Thiên Mã, Đông Nam, Việt An, An Khang... hùng mạnh một thời cũng kẻ "chết", người thoi thóp. Không ít người đang gánh khoản nợ quá hạn hàng trăm tỷ đồng. Trong nhiều trường hợp, đại gia bỏ mặc hay coi như 'chết hẳn', các ngân hàng, chủ nợ buộc phải chia nhau cái xác còn lại của các DN.

Theo Hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau, khoảng một phần ba các DN chế biến thủy sản xuất khẩu rơi vào tình trạng phá sản mà các ông bà chủ không còn ở Cà Mau.

Tình thế khó khăn đã khiến nhiều đại gia tìm đường rút lui khỏi lĩnh vực này. Ròng rã trong gần một năm qua, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT nắm giữ gần 60% cổ phần của Công ty Cổ phần NTACO (ATA) - DN thủy sản ở An Giang liên tục đăng ký bán ra toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ tại DN này. Tuy nhiên, đến nay, việc bán cổ phiếu không hẳn đã dễ dàng. Ông chủ này chấp nhận bán cổ phiếu bằng 30-50% so với giá trị tài sản trên sổ sách để vớt vát khoản tiền vài chục tỷ đồng.

Chơi dao hai lưỡi

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Thủy sản Vĩnh Hoàn - một trong 10 người giàu nhất trên TTCK từng có nhận định, tín dụng dễ dãi đã làm hại ngành cá tra nói riêng và thủy sản nói chung.

{keywords}

Hàng loạt vụ đổ bể của "đại gia" thủy sản đã làm tan tành giấc mộng làm giàu 'xổi' của không ít doanh nhân mới nổi ở miền Tây

Sự phát triển bùng nổ, quá nóng của lĩnh vực chế biến thủy sản cùng các dự báo giá cá tăng đã khiến hàng loạt DN vay vốn tín dụng ngân hàng để nuôi cá, chế biến cá với tỷ lệ đòn bẩy tài chính quá lớn, vượt quá nhiều so với vốn chủ sở hữu của DN. Khi cung vượt cầu và thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, thị trường trong nước bất ổn, các DN rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả nợ lẫn lãi.

Thủy sản NTACO (ATA) tính tới cuối quý III/2014 cũng có nợ ngắn hạn lên tới 644 tỷ đồng, gấp 4,2 lần vốn chủ sở hữu. Chế biến Thủy sản & XNK Cà Mau - Camimex (CMX) thậm chí còn có nợ ngắn hạn gấp 11,4 lần so với vốn chủ.

Với đòn bẩy tài chính cao, nhiều NĐT chứng khoán thực sự ngao ngán cho dù nếu gặp may các DN thủy sản có thể phất lên nhanh chóng. Nhưng, tỷ trọng nợ quá lớn trong tài sản khiến DN đối mặt nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào. Hiện cổ phiếu AVF có giá 2.600 đồng; ATA 3.900 đồng; CAD 1.900 đồng; BAS trước khi hủy niêm yết hồi năm 2012 có giá 1.500 đồng...

Hiện tượng dùng đòn bẩy tài chính cao là đặc thù của DN trong nhiều ngành nghề như BĐS, xây dựng, vận tải biển... Tuy nhiên đây cũng là việc tiềm ẩn nhiều rủi. Thủy sản vốn có rất nhiều biến động. Trong nước là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các DN nội địa với việc đẩy sản lượng nuôi trồng lên mức dư thừa trong khi đó, xuất khẩu gặp nhiều hàng rào về thuế, kỹ thuật và cả tranh giành khách bằng việc hạ giá đã đẩy DN thủy sản rơi vào khó khăn.

2012 - 2014 là giai đoạn chứng kiến sự phân cực rõ nét của các DN thủy sản. Sự phát triển quá nóng đã khiến chính các DN thủy sản vướng vào cái bẫy của chình mình. Nhiều "đại gia" ồ ạt xây dựng các cơ sở chế biến thủy sản từ... tiền ngân hàng và tay không làm nên đống nợ.

Ngược lại, các DN phát triển bền vững, vay vốn ít lại vươn lên thành các 'đế chế' trên thị trường. Năm 2014 cũng đã chứng kiến 2 đại gia thủy sản lọt tốp 10 người giàu nhất trên TTCK.

Sự khó khăn của nhiều DN cũng hứa hẹn nhiều vụ mua bán sáp nhập trong lĩnh vực thủy sản trong thời gian tới.

Mạnh Hà