-“Đất ở đây rẻ nhất cũng 60 triệu/m2, để làm cái hồ cảnh quan hơn 3ha, bên em đã hy sinh hơn 1 ngàn 800 tỷ. Không có chủ đầu tư nào chịu chơi làm tiện ích trong dự án như vậy ở Q.2 đâu”. Con số khủng khiếp từ môi giới khiến khách hàng từ gật gù đến hoài nghi…
Từ siêu dự án đến siêu tiện ích
Có mặt tại buổi lễ khởi công hồ cảnh quan được xem là lớn nhất khu Đông, tại Nam Rạch Chiếc, anh Nam, một khách hàng tìm mua nhà phố, khá ấn tượng với cách giới thiệu của môi giới. Tuy nhiên, với kinh nghiệm mua nhà dự án khá nhiều, anh hỏi lại:
- Thế nếu không có cái hồ này thì bên em có bán được giá 60 triệu/m2 không?
Câu hỏi xoáy làm môi giới hơi khựng lại:
- Dạ, em nghĩ là anh mua nhà chắc cũng nhiều nên anh biết rõ hơn em. Nếu dự án của bên em không có sự khác biệt, đẳng cấp hơn thì đâu có xứng tầm với anh. Mà lúc đó anh đâu cần em làm gì…
Khoe tiện ích thành mốt mới của dân môi giới |
Câu chuyện này đã phần nào cho thấy cuộc đua tạo ra sự khác biệt để hút khách của các dự án. Trước đây, vị trí, giá, chủ đầu tư là 3 yếu tố được quan tâm hàng đầu thì nay tiện ích đã trở thành điểm nhấn để lựa chọn.
Phân khúc cao cấp vẫn là điểm nóng của “đấu trường” tiện ích. Trong đó, có thể kể đến siêu dự án River City (Q.7) với 99 tiện ích; Valéo Đầm Sen (Q.Tân Phú) dành nguyên không gian tầng trệt để thiết kế 18 tiện ích phù hợp với gia đình 3 thế hệ; The Golden Star (Q.7) được đầu tư hệ thống xử lý nước công nghệ cao, nước lọc tại vòi đạt tiêu chuẩn nước uống trực tiếp, hồ bơi Sky View tràn bờ tầng 21, điều chỉnh nhiệt độ theo thời tiết…
Cá biệt, ở mức giá căn hộ khoảng 1 tỷ/căn, dự án Dream Home Palace (Q.8) được thiết kế với hơn 20 tiện ích cao cấp. Tương tự, dự án Him Lam Phú Đông cạnh đại lộ Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) cũng mang ý tưởng “all in one” - tất cả tiện ích trong một khu bán biệt lập.
Đi kèm với tiện ích luôn là mức giá tương ứng được chủ đầu tư tính toán. Chưa có số liệu nghiên cứu nào về giá trị bất động sản tăng lên cùng với các tiện ích được công bố. Nhưng, mức giá bán giữa căn hộ thường và căn hộ có tiện ích vượt trội cùng khu vực có thể lên đến trên dưới 5 triệu/m2. Điều này có thể nhận thấy qua so sánh các dự án như: Saigon Mia và Hoàng Tháp Plaza (khu Trung Sơn); River City và Jamona Apartment (Q.7)…
Không tính kỹ là tiện ích bỏ hoang
Trở lại một số dự án trước đây, do thiếu tính toán nên chuyện tiện ích trên giấy thì đẹp mà thực thế bỏ hoang không hiếm. Tại khu dân cư đường Trần Trọng Cung (Q.7) trước đây chủ đầu tư thiết kế cả trung tâm thương mại và trường học. Tuy nhiên, gần 10 năm nay, 2 khu đất này vẫn bỏ hoang. Lý do, là không tìm được đối tác, mà nếu có đối tác thì họ cũng đánh giá các tiện ích này xung quanh đã quá nhiều, làm nữa không đủ người sử dụng sẽ không hiệu quả.
Tiện ích đập đi xây lại vì thiếu hợp lý tại chung cư Khánh Hội |
Tình trạng bỏ hoang khu thương mại cũng xảy ra tại nhiều chung cư như: Era Town (Q.7), The Vista (Q.2). Chung cư Khánh Hội (Q.4) thì nhiều lần thay đổi công năng, dịch vụ tạicác tầng thấp để phù hợp với nhu cầu của cư dân…
Theo ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng Giám đốc Him Lam Land, việc đưa vào các tiện ích phục vụ cư dân phải dựa trên tính toán về quy mô dân số, nhu cầu để thiết kế phù hợp về lâu dài. Nếu chỉ vẽ ra cho đẹp thì rất dễ, nhưng đến khi vận hành mới thấy, một sự tính toán sai thực tế sẽ gây lãng phí lớn mà cư dân phải chịu.
Mặt khác, ở giai đoạn vận hành, ông Nguyễn Duy Thành, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home) cho rằng, có những tiện ích vẽ ra ai nhiều người thích, nhưng chi phí quản lý đội lên thì liệu dân có chấp nhận không? Một khi chi phí vận hành vượt quá mức chi trả có thể thì chủ đầu tư cũng chỉ có thể gánh một thời gian đầu, còn trả về Ban quản trị thì việc duy trì tiện ích này sẽ trở thành gánh nặng.
Quốc Tuấn