Hàng loạt các doanh nghiệp đang tận dụng dòng vốn khổng lồ trong và ngoài nước để thực hiện chiến lược mở rộng quy mô, mở rộng thị phần và củng cố vị trí đầu ngành. Trong khi đó, ông trùm bất động sản công nghiệp Đặng Thành Tâm dường như ngày càng thất thế.
Bộ Xây dựng vừa thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho công ty mẹ - Tổng công ty IDICO. Theo đó, CTCP Tập đoàn SSG và Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco của ông chủ kín tiếng Vũ Quang Hội được chọn là nhà đầu tư chiến lược, còn Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) của ông Đặng Thành Tâm bị loại.
KBC của ông Đặng Thành Tâm bị loại vì không thực hiện đầy đủ các yêu cầu bắt buộc như: Giấy bảo lãnh theo quy định; Chứng minh có đủ vốn mua cổ phần đăng ký (trừ nguồn vốn đã đi đầu tư) hoặc giấy bảo lãnh, giấy phong tỏa tài khoản của ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tín dụng đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nơi nhà đầu tư mở tài khoản.
Tại hồ sơ đăng ký, nhà đầu tư chỉ cung cấp thư cam kết cấp tín dụng của Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Đống Đa.
Như vậy, KBC của ông Đặng Thành Tâm đã trượt khỏi một cuộc cạnh tranh để trở thành cổ đông chiến lược của một doanh nghiệp bất động sản công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam.
Bản thân KBC của ông Đặng Thành Tâm cũng là một doanh nghiệp bất động sản công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam với hàng loạt các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang… cho Samsung và nhiều doanh nghiệp FDI thuê.
Ông Đặng Thành Tâm còn được biết đến với Itaco (ITA) với khu công nghiệp Tân Tạo. Ông Đặng Thành Tâm hiện là cổ đông cá nhân lớn nhất tại KBC. Tại ITA, bà Đặng Thị Hoàng Yến (chị gái ông Tâm, vắng mặt nhiều năm nay) đang là cổ đông cá nhân lớn nhất.
Vài năm gần đây, hàng loạt các doanh nghiệp đang tận dụng dòng vốn khổng lồ trong và ngoài nước để thực hiện chiến lược mở rộng quy mô, mở rộng thị phần và củng cố vị trí đầu ngành như trường hợp Vingroup, Thế Giới Di Động, Mía đường nhà ông Đặng Văn Thành, Pan Food của ông Nguyễn Duy Hưng, Novaland của ông Bùi Thành Nhơn, GTNFoods…
Trong khi đó, ông trùm bất động sản công nghiệp Đặng Thành Tâm dường như ngày càng thất thế. Trong vài năm gần đây, nhà Đặng Thành Tâm liên tiếp vận đen với KBC và ITA nợ nần chống chất, làm ăn không hiệu quả. Ông Đặng Thành tâm đã phải bán và bỏ nhiều dự án tâm huyết như dự án tháp bông lúa Diamond Rice Flower cao 100 tầng tại Hà Nội...
Theo kế hoạch của Bộ Xây dựng, do KBC bị loại, trong 45% vốn chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, còn 15% vốn chưa được đăng ký mua. Do đó, nếu SSG và Bitexco muốn mua thêm thì nộp hồ sơ đăng ký.
Bộ Xây dựng cũng sẽ giải tỏa phong tỏa tiền đặt cọc 162 tỷ đông của Kinh Bắc KBC.
Sau khi lựa chọn được 2 nhà đầu tư chiến lược, Bộ sẽ đàm phán về giá mua cổ phần với số lượng cổ phần đã đăng ký. Giá đàm phán xoay quanh mức giá đấu bình quân của cuộc đấu giá 23.940 đồng/cổ phần.
Trước đó vào ngày 5/10, thị trường đã chứng kiến một cuộc đấu giá nóng bỏng cổ phiếu IDICO, với giá khởi điểm 18.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc, giá trúng thầu cao nhất là 28.600 đồng/cổ phiếu, giá trúng thầu thấp nhất là 23.200 đồng/cổ phiếu. Giá trúng thầu bình quân là 23.940 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị trúng giá là 1.324 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), hoạt động mua bán vốn cổ phiếu diễn ra sôi động trong hơn 1 năm qua. Hàng loạt các hàng hóa mới, quy mô khủng, triển vọng lớn đã lên sàn. Trừ một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và tái cấu trúc mất nhiều thời gian như KBC, ITA, có rất nhiều doanh nghiệp cũ lớn mạnh không ngừng.
TTCK được dự báo sẽ tiếp tục phát triển và hoạt động mua bán cổ phần qua các hình thức IPO, thoái vốn, M&A sẽ tiếp tục sôi động.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên TTCK. Vn-Index tăng điểm phiên thứ 8 liên tiếp. Trong phiên vừa qua, nhiều cổ phiếu blue-chips chùng lại sau một thời gian dài tăng liên tục và đưa VN-Index lên mức cao kỷ lục gần thập kỷ.
VNM, PLX, SAB, BHN, MSN giảm điểm trong khi VIC, VRE không còn tăng trần nhưng thị trường vẫn khá tích cực nhờ hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn khác như GAS, MWG, VJC, HPG, HSG.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng ACB, BID, CTG, VCB, VPB, MBB… diễn biến tích cực. Nhóm mid-cap BMI, NLG, CMG, AAA, HII…giao dịch tích cực.
Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Theo BVSC, với diễn biến tích cực xoay vòng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong các phiên gần đây, đà tăng của chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn. Mặc dù vậy, thị trường cũng sẽ tiếp tục có diễn biến phân hóa mạnh với áp lực bán ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ duy trì ở mức cao.
Còn theo SHS, lực cầu đối ứng ở nhóm này khá tốt đã giúp cho thanh khoản khớp lệnh tiếp tục tăng lên. Mẫu hình doji tiếp tục được hình thành, cho thấy sự giằng co và do dự của nhà đầu tư cho nên có thể đây là một nhịp nghỉ trước khi chỉ số vươn tới những tầm cao khác.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/11, VN-index tăng 1,56 điểm lên 880,9 điểm; HNX-Index tăng 0,28 điểm lên 107,06 điểm. Upcom-Index tăng 0,22 điểm lên 52,66 điểm. Thanh khoản đạt 275 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt hơn 9,7 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
H. Tú