Nhắm mắt vay chục tỷ

Một doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực thẩm mỹ kể rằng đã vay của một nhóm người tổng số tiền 25 tỷ đồng, có khoản phải chịu lãi suất 1,5%/ngày. Sau đó, cô đã trả nợ 17,7 tỷ đồng qua tài khoản, chưa kể tiền mặt trao tay trực tiếp. Khi công việc trục trặc, không kịp xoay tiền thì bị các đối tượng đòi nợ đến nhà ép ghi giấy vay nợ tới 33 tỷ đồng.

Chúng thu giữ hộ khẩu, căn cước công dân và đe dọa nếu không thanh toán sẽ không để gia đình yên ổn. Sau đó, nhóm này còn đến nhà bố mẹ cô để gây sức ép buộc trả nợ thay. Chúng còn quay phim, chụp ảnh các buổi gặp và dùng giấy mượn nợ để tố cáo ra cơ quan công an, bôi nhọ trên mạng xã hội và nhắn tin đe doạ liên tục khiến cô không yên ổn suốt năm qua.

Điều đáng nói, nạn nhân này không chỉ vay nặng lãi của một nhóm mà vài nhóm khác nữa, với lãi suất còn cao hơn, lên đến 1,75-2,5%/ngày.

{keywords}
Bất chấp “lãi suất cắt cổ”, nhắm mắt vay tín dụng đen chục tỷ kinh doanh

Hiện tượng giới kinh doanh “dính vào” tín dụng đen như trường hợp trên thời gian qua không phải là hiếm. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, không ít người thuộc giới kinh doanh đã trở thành nạn nhân của đại gia cho vay nặng lãi Thiện soi. Trong đó, có người đã vay tổng cộng 32,5 tỷ đồng, lãi suất 3.500 đồng/1 triệu/ngày. Tính đến tháng 6/2020 đã trả gần 28 tỷ đồng tiền mặt cùng bốn mảnh đất có giá thị trường khoảng 160 tỷ đồng, nhưng vẫn bị báo nợ hơn 18 tỷ đồng.

Một người khác vay số tiền 10 tỷ đồng, đã trả 11 tỷ đồng nhưng vẫn còn nợ 10 tỷ đồng. Ngoài ra, còn những nạn nhân khác nữa nhưng không dám đứng ra tố cáo với cơ quan chức năng.

Như vậy, không chỉ người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thông tin, thiếu kiến thức về tài chính mới “dính bẫy” tín dụng đen mà cả những người làm ăn lớn, giới doanh nhân cũng trở thành nạn nhân của nạn cho vay nặng lãi.

Trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, kinh doanh gặp khó khăn, cần vốn không biết xoay đâu, nhiều doanh nghiệp cũng tìm đến tín dụng đen. Tại hội nghị trực tuyến "Đồng hành cùng đất nước chiến thắng dịch bệnh" do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức hồi đầu năm 2020, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Nafoods, tiết lộ, do khó khăn về vốn, nhiều chủ doanh nghiệp là bạn bè ông đã phải vay nóng bởi không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Lãi suất vay ngoài rất cao, vay 1 triệu đồng phải chịu lãi lên tới từ 3.000 đến 5.000 đồng/ngày.

Bước đường cùng?

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, những doanh nghiệp, người kinh doanh phải đi vay tín dụng đen để duy trì hoạt động là bước đường cùng. Do không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng nên chấp nhận vay ngoài với “lãi suất cắt cổ”. Nếu vay ngân hàng chỉ phải chịu mức lãi suất từ 9-13%/năm thì vay tín dụng đen con số này tính theo tháng, do đó rất rủi ro.

Với những kẻ cho vay nặng lãi, khi bỏ ra khoản tiền lớn cũng không cam chịu để mất. Vì vậy, khi người vay không trả nổi, chúng sẽ tìm mọi cách để xiết nợ. Với khoản vay lớn thì biện pháp xiết nợ sẽ tàn khốc hơn hẳn so với những khoản vay nhỏ.Với những khoản vay lớn, lên đến hàng tỷ đồng lại phải chịu lãi suất quá cao quả là gánh nặng. Chỉ cần tính, vay 3.500 đồng/1 triệu/ngày thì lãi suất 1 tháng là 10,5% và 1 năm lên tới 126%. Tức là vay 1 tỷ đồng, một năm phải trả 1,26 tỷ đồng. Còn với lãi suất từ 1,5-2,5%/ngày, tương đương với 45-75%/tháng và từ 540-900%/năm. Không những thế, cứ sau từ 7-10 ngày phải trả một lần, không trả đủ sẽ bị phạt tiền gốc cộng với lãi tiếp tục phát sinh.

Một doanh nghiệp chia sẻ không phải không nhận ra điều này, nhưng để vay được số tiền hàng tỷ đồng từ ngân hàng không hề dễ dàng vì đòi hỏi phải có tài sản đảm bảo, có phương án kinh doanh hiệu quả và thủ tục phức tạp, tốn nhiều thời gian. Trong khi tín dụng đen cần là có, vô cùng nhanh chóng và đơn giản. Hơn nữa, cần lại tiền gấp, không có cách nào khác đành chấp nhận với hy vọng nhanh chóng kiếm ra lợi nhuận, sớm trả hết nợ.

Kết quả nghiên cứu thị trường Việt Nam của InsightAsia Research Group công bố cuối 2019 cho thấy, có 62% doanh nghiệp nhỏ và vừa thừa nhận khó khăn nhất là vấn đề tài chính. Khi đó, tín dụng đen “có đất” phát triển.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu các cơ quan chức năng chỉ đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, coi đây là giải pháp đẩy lùi tín dụng đen thì chưa đủ. Cho vay tiêu dùng chủ yếu đáp ứng các khoản vay nhỏ, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, dành cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu mua hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ cần thiết mà không phải chờ đợi. Với giới kinh doanh, nhu cầu về tiền đầu tư cho sản xuất kinh doanh lớn hơn nhiều, nếu không đáp ứng được thì tín dụng đen vẫn khó bị đẩy lùi.

Để khơi thông vốn cho doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện thể chế, tái cơ cấu thị trường tài chính và thị trường vốn, tăng cường minh bạch thông tin, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, đẩy mạnh phát triển ngân hàng số và cho phép các công ty Fintech tham gia, qua đó giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim dẫn chứng, tại Trung Quốc, công ty cho vay trực tuyến MYbank (thuộc tập đoàn Alibaba) thành lập năm 2015, phê duyệt các khoản vay dưới 3 phút mà không cần sự tham gia của con người nhờ vào phân tích hệ thống dữ liệu khách hàng và công nghệ số. Tới hết năm 2019, MYbank đã cho gần 16 triệu lượt doanh nghiệp nhỏ vay vốn, tổng cộng lên tới 2.000 tỷ Nhân dân tệ (290 tỷ USD). Với quy trình xử lý nhanh, gọn, người vay chỉ cần nộp hồ sơ qua ứng dụng điện thoại thông minh và nhận được tiền ngay khi được duyệt. Toàn bộ quy trình này chỉ kéo dài trong 3 phút và tỷ lệ vỡ nợ đến nay khoảng 1%. Đây là ví dụ để các cơ quan chức năng Việt Nam tham khảo.

Trần Thủy