Ông chủ mới của Ngân hàng Sacombank Dương Công Minh vừa công bố một kế hoạch bất ngờ, có thể xóa đi một tên tuổi biểu tượng trên thị trường chứng khoán trong 11 năm qua.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) vừa có thông tin về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để đổi mã chứng khoán và chuyển sàn giao dịch.

Theo đó, ngân hàng dự kiến sẽ đổi mã chứng khoán niêm yết từ STB sang SCM; hủy niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) để chuyển sang Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Đây là thông tin rất bất ngờ đối với các nhà đầu tư bởi mã chứng khoán STB đã gắn liền với Ngân hàng Sacombank trong hơn một thập kỷ qua.

Sacombank là ngân hàng đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung HOSE của Việt Nam từ năm 2006. Đây là một cổ phiếu trụ cột trên thị trường trong nhiều năm và là mã cổ phiếu quen thuộc với hầu hết các nhà đầu tư.

{keywords}
Ông Dương Công Minh.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, cổ phiếu STB của Sacombank gặp nhiều sóng gió và có mức giá ở mức khá thấp, cao hơn mệnh giá một chút sau khi ngân hàng này rơi vào một ván cờ thâu tóm của ông Trầm Bê.

Ông chủ và là người sáng lập Sacombank Đặng Văn Thành đã để Sacombank rơi vào tay nhóm cổ đông đứng sau là ông Trầm Bê sau vụ thâu tóm nhen nhóm từ năm 2011. Và đây cũng là bước ngoặt khiến ngân hàng này xuống dốc không phanh.

Từ một ngân hàng hàng đầu trong hệ thống, Sacombank trở thành ngân hàng có nợ xấu cao thuộc tốp đầu. Khối nợ xấu tăng vọt sau khi SouthernBank của ông Trầm Bê sáp nhập với Sacombank.

Những sai phạm được phanh phui sau đó đã khiến ông Trầm Bê cùng người liên quan phải ủy quyền không hủy ngang vô thời hạn toàn bộ cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước hồi năm 2015 và đang vướng vòng lao lý.

Mùa đại hội cổ đông ngân hàng 2017 chứng kiến một màn rượt đuổi ngoạn mục, với sự xuất hiện trở lại của ông Đặng Văn Thành, sự xuất hiện của Novaland rồi ông Nguyễn Đức Hưởng từ LienVietPostBank cũng đã từ bỏ NH này để có mặt trong danh sách ứng cử viên ghế nóng tại Sacombank.

Mặc dù vậy, cán cân đã không nghiêng về nhân vật nào cho đến khi ông Hưởng rút lui. Thay vào đó là sự xuất hiện bất ngờ của ông Dương Công Minh, ông chủ tập đoàn Him Lam và cũng là cổ đông lớn nhất của LienVietPostBank.

Cuối cùng, cuộc chiến quyền lực kéo dài nhiều năm đã chấm dứt, Sacombank đã có chủ tịch mới. Có người ủng hộ ông Minh, có người băn khoăn. Nhưng theo lời của ông Nguyễn Đức Hưởng, ông Minh được xem là người phù hợp để cùng với các nhân vật kỳ cựu trước đó tái cơ cấu Sacombank. Ông Minh có tỷ lệ phiếu bầu cao, vượt trội các ứng cử viên khác.

Nhiều người kỳ vọng ông Minh với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và khả năng khai thác được BĐS thế chấp tại STB có thể giúp STB hồi phục nhanh chóng. Ngay tại đại hội, ông Minh cũng cho biết, sẽ cố gắng rút ngắn thời gian tái cơ cấu Sacombank, xong trong 3 năm thay vì 10 năm như đề án.

Về phần mình, ông Minh cho rằng, khó khăn là rất nhiều nhưng 60 ngàn tỷ đồng nợ xấu của Sacombank chủ yếu là bất động sản, nên có tài sản, không sợ mất vốn và sẽ được xử lý nhanh chóng.

Theo kế hoạch, năm 2017 Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 16% so với 2016 lên gần 385 ngàn tỷ đồng. Huy động vốn tăng 20% lên hơn 351 ngàn tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng 19% lên 277 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng.

Trên thực tế, ở vào thời điểm hiện tại khó khăn là rất lớn nhưng ông Minh cũng có nhiều thuận lợi với những nút thắt đang dần được gỡ bỏ. Gần đây, ông Minh đã "ra tay" thay đổi hàng loạt tại Sacombank, bao gồm 1 cuộc “thay máu” gần như toàn bộ dàn lãnh đạo cấp cao và bắt tay vào tái cấu trúc ngân hàng. Ông là người đã liên tiếp siết nợ để thu hồi vốn cho Sacombank nhưng cũng bạo tay chi tiền cho cán bộ công nhân viên trong hệ thống.

Ông Dương Công Minh gần đây cũng đã chi hàng trăm tỷ đồng để mua thêm cổ phiếu STB, nâng tỷ lệ sở hữu để củng cố vị thế ngân hàng này.

H. Tú